Lạc đà luôn được coi là động vật biểu tượng cho sa mạc. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hiện đã thu được bằng chứng cho thấy những con vật có bướu này từng cư trú ở Vùng cao Bắc cực thuộc Canada.
Người ta đã phát hiện phần còn lại của hóa thạch một con lạc đà 3,5 triệu năm tuổi trên hòn đảo Ellesmere ở Nunavut, vùng lãnh thổ cực bắc của Canada.
Hình mô phỏng các con lạc đà từng sống ở Bắc cực
cách đây khoảng 3,5 triệu năm. (Ảnh: Live Science)
Con lạc đà cổ đại này có kích thước lớn hơn 30% so với các con lạc đà hiện đại. Nó được nhận diện nhờ một kỹ thuật gọi là lấy dấu điểm chỉ collagen - một phương pháp đo lường hàm lượng một protein trong xương có tên gọi collagen tuýp 1. Các động vật có vú khác nhau chứa lượng đặc trưng protein này và chúng có thể tồn tại lâu hơn nhiều phân tử sinh học khác trong cơ thể.
Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải chi tiết trên tạp chí Nature Communications, các giống lạc đà hiện đại bắt nguồn từ những kẻ họ hàng khổng lồ từng sinh sống trong một khu vực Bắc cực phần nào ấm áp hơn hiện nay và có rừng bao phủ.
“Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy lạc đà từng có mặt ở đó (Bắc cực). Thực tế này rất đáng ngạc nhiên vì lâu nay chúng ta thường liên tưởng lạc đà gắn với những môi trường sống khô hạn và bán khô hạn”, Natalia Rybczynski, người đứng đầu nghiên cứu và là chuyên gia cổ sinh vật học đến từ Bảo tàng Tự nhiên Canada nói.
Các con lạc đà thuộc chi Camelus genus là loài động vật guốc chẵn có nguồn gốc ở Bắc Mỹ trong kỷ Eocene, cách đây khoảng 45 triệu năm và sau đó đã vượt qua lục địa Á - Âu tới eo đất Bering nối giữa Alaska và Nga. Những họ hàng gần gũi nhất của chúng là lạc đà không bướu, alpaca, guanaco và vicuna.