Làm thế nào để được phong Thánh như Mẹ Teresa?

  •   52
  • 2.956

Mẹ Teresa – một tu sĩ Công giáo đã đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình vì những hoạt động giúp đỡ người nghèo đã chính thức được phong Thánh đầu tháng Chín vừa qua.

Bà qua đời vào năm 1997 và 19 năm sau mới được công nhận là một vị Thánh. Mặc dù vậy, không phải lúc nào quá trình được phong Thánh cũng diễn ra lâu và phức tạp như vậy. Trước đó, hai vị Thánh Peter và Paul đã được Giáo hội công nhận bởi danh tiếng và sự tuẫn đạo (tử vì đạo) của họ.

Tuy nhiên, đã xảy ra không ít vấn đề với phương pháp không chính thức này. Do đó, Cha William Saunders đã giải thích trong tờ báo Công giáo Arlington Catholic Herald như sau:

"Thời gian trôi đi, Giáo hội nhận thấy cần phải thắt chặt hơn quá trình phong Thánh. Thật không may là một số nhân vật chưa thực sự đáp ứng các yêu cầu cũng được tôn vinh là một vị Thánh. Có trường hợp, một nhà thờ địa phương ở Thụy Điển đã phong Thánh cho một tu sĩ, người đã bị giết chết trong một cuộc ẩu đả khi say rượu và được cho là đã tử vì đạo".

Mẹ Teresa.
Mẹ Teresa.

Chính vì vậy, Đức Giáo Hoàng Gregory IX đã chính thức hóa quá trình phong Thánh vào năm 1234 và yêu cầu tìm hiểu kỹ về cuộc sống cũng như các việc làm thiện nguyện của những ai muốn ứng cử.

Sau đó, đến năm 1588, Thánh Bộ đặc trách về các Nghi lễ (nay là Thánh Bộ phong Thánh) đã đảm nhận nhiệm vụ giám sát quá trình phong Thánh và quy trình chính thức đã được xác lập từ đó.

Về cơ bản, theo trang tin ABC của Úc, tước vị Thánh công nhận sự thánh thiện trong cuộc sống của một người và sự kết nối của họ với Chúa sau khi qua đời. Các vị Thánh được coi là mẫu mực của đức tin và họ có thể được mọi người tôn kính và cầu nguyện.

Hai yêu cầu chính để trở thành một vị Thánh:

  1. Người ứng cử cần phải là một người tử vì đạo hoặc chứng minh rằng mình đã có một cuộc đời "nhân đức anh hùng" với những đức tính như đức tin, niềm hy vọng, tình yêu và lòng dũng cảm...
  2. Phép lạ phải xảy ra sau khi người ứng cử qua đời. Ví dụ một người nào đó nhìn thấy người ứng cử hay được chữa lành vết thương sau khi cầu nguyện...

Yêu cầu đầu tiên tương đối đơn giản bởi nó được xác định khi tìm hiểu về cuộc sống của người ứng cử. Trong trường hợp của Mẹ Teresa, có rất nhiều tài liệu về cuộc đời nhân đức của bà, bao gồm cả những bài bình luận công khai và thư từ cá nhân.

Mặc dù vậy, Joel Hodge – một nhà thần học tại Đại học Công giáo Australia nói rằng khía cạnh về các phép nhiệm màu của việc phong Thánh thường kỳ lạ và gây ngạc nhiên, đặc biệt là đối với người không theo Công giáo.

Vậy thì tại sao yêu cầu này vẫn tồn tại? Tiến sĩ Hodge giải thích rằng đây là vấn đề đưa Chúa vào quá trình phong Thánh.

Quá trình phong Thánh là một quá trình cực kỳ nghiêm ngặt.
Quá trình phong Thánh là một quá trình cực kỳ nghiêm ngặt.

"Chúng tôi có thể thực hiện những phương pháp tốt nhất để đánh giá cuộc sống của người đó, nhưng ngay cả khi làm như vậy, chúng tôi cũng không thể biết hoàn toàn về trái tim và tâm trí của họ. Và cuối cùng, chỉ có Chúa mới biết được những điều này. Đây chính là ý nghĩa của việc phong Thánh phụ thuộc vào Chúa và đưa yêu cầu thứ hai vào quá trình trên".

Tiến sĩ Hodge cho biết thêm đây là một quá trình nghiêm ngặt. Họ thậm chí còn tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế để xác nhận rằng sự tự chữa lành xảy ra là có cơ sở.

Tuy nhiên, ông nói rằng niềm tin vào những điều kỳ diệu và sự phục sinh của Chúa Giêsu là trung tâm của đạo Công giáo và niềm tin vào những điều kỳ diệu của các vị Thánh đôi khi cũng trở nên không quá cần thiết cho đức tin.

Một điều đáng chú ý là Đức Giáo Hoàng Francis gần đây đã phong Thánh cho bốn vị Thánh mà không cần họ đáp ứng được yêu cầu thứ hai.

Tại sao quá trình phong Thánh lại lâu đến vậy?

Mẹ Teresa thực sự đã được phong Thánh tương đối nhanh bởi trên thực tế, quá trình này có thể mất đến hàng trăm năm.

Đến thế kỷ 20, phải qua ít nhất là 50 năm kể từ khi người ứng cử qua đời thì người này mới được xem xét. Nhưng Đức Giáo Hoàng John Paul II đã thay đổi quy định này và giảm xuống còn 5 năm. Và trong trường hợp của Mẹ Teresa, thời gian chờ đợi này đã được miễn hoàn toàn.

Cập nhật: 08/09/2016 Theo VnExpress
  • 52
  • 2.956