Rất nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) đang góp phần khiến các hình ảnh giả tràn ngập trên mạng xã hội, gây ra nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch. Dưới đây là một vài lời khuyên từ các chuyên gia để xác định hình ảnh nào là thật và hình ảnh nào là giả?
Chưa bao giờ việc tạo ra những hình ảnh trông chân thực đến kinh ngạc nhưng thực chất là giả lại dễ dàng đến thế. Bởi bất kỳ ai có kết nối internet và truy cập vào công cụ sử dụng AI đều có thể tạo ra những bức ảnh chân thực chỉ trong vài giây và sau đó có thể lan truyền chúng trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt.
Ảnh giả do AI tạo ra nhằm mục đích cho thấy Elon Musk "cặp kè" với CEO GM Mary Barra.
Trong thời gian gần đây, nhiều hình ảnh trong số này đã trở nên lan truyền: như việc cựu Tổng thống Donald Trump và cả Tổng thống Vladimir Putin bị làm giả bị bắt hoặc tỷ phú Elon Musk “cặp kè” với CEO Mary Barra của General Motors (GM).
Vấn đề là các hình ảnh AI đều mô tả các sự kiện chưa từng xảy ra. Và theo các chuyên gia, mặc dù một số hình ảnh này có thể gây cười và trông không thật, nhưng chúng vẫn có thể gây ra những mối nguy hiểm thực sự về mặt thông tin sai lệch, thậm chí cả nguy cơ lan truyền thông tin giả.
Hình ảnh về vụ bắt giữ các chính trị gia như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể được người dùng xác minh khá nhanh nếu họ kiểm tra các nguồn truyền thông uy tín. Tuy nhiên, chuyên gia AI, Henry Ajder trong cuộc nói chuyện với DW cho biết rằng những hình ảnh khác khó nhận biết hơn, chẳng hạn như những hình ảnh mà người trong ảnh không quá nổi tiếng.
Theo Ajder, không chỉ những hình ảnh do AI tạo ra về con người mới có thể lan truyền thông tin sai lệch. Ông nói rằng đã có những ví dụ về việc người dùng tạo ra các sự kiện chưa bao giờ xảy ra, như một trận động đất nghiêm trọng được cho là đã làm rung chuyển Mỹ và Canada vào năm 2001.
Nhưng trận động đất này đã không bao giờ xảy ra và những hình ảnh được chia sẻ trên Reddit đều do AI tạo ra. Và theo Ajder, đây chính là vấn đề. Ông giải thích: “Nếu AI tạo ra một cảnh phong cảnh, thì bạn có thể khó phát hiện ra hơn”.
Tuy nhiên, các công cụ AI vẫn mắc lỗi, ngay cả khi chúng đang phát triển nhanh chóng. Hiện tại, kể từ tháng 4 năm 2023, các chương trình như Midjourney, Dall-E và DeepAI đều có trục trặc, đặc biệt là với hình ảnh hiển thị con người.
Dưới đây là một số lời khuyên để xác minh hình ảnh do AI tạo ra, song các chuyên gia đã sớm cảnh báo rằng chúng chỉ phản ánh tình hình hiện tại, bởi các công cụ trí tuệ nhân tạo đang phát triển từng ngày, thậm chí từng giờ:
Nhiều hình ảnh do AI tạo ra thoạt nhìn trông như thật. Đó là lý do tại sao gợi ý đầu tiên của các chuyên gia là nhìn kỹ vào bức ảnh. Để thực hiện việc này, hãy tìm kiếm hình ảnh ở độ phân giải cao nhất có thể và sau đó phóng to các chi tiết.
Phóng to hình ảnh sẽ tiết lộ những điểm không nhất quán và lỗi mà thoạt nhìn có thể không bị phát hiện.
Nếu bạn không chắc một hình ảnh là thật hay do AI tạo ra, hãy thử tìm nguồn của nó. Bạn có thể xem một số thông tin về nơi hình ảnh được đăng lần đầu tiên bằng cách đọc các bình luận do những người dùng khác đăng bên dưới hình ảnh.
Hoặc bạn có thể thực hiện tìm kiếm hình ảnh đảo ngược. Để thực hiện việc này, hãy tải hình ảnh lên các công cụ như Google Image Reverse Search, TinEye hoặc Yandex và bạn có thể tìm thấy nguồn ban đầu của hình ảnh.
Kết quả của những tìm kiếm này cũng có thể hiển thị các liên kết đến kiểm tra thực tế được thực hiện bởi các phương tiện truyền thông có uy tín cung cấp thêm ngữ cảnh.
Không có gì lạ khi hình ảnh do AI tạo ra có sự khác biệt về tỷ lệ. Bàn tay có thể quá nhỏ hoặc ngón tay quá dài. Hoặc đầu và chân không khớp với phần còn lại của cơ thể.
Tay hiện là nguyên nhân chính gây ra lỗi trong các chương trình hình ảnh AI như Midjourney hoặc DALL-E. Mọi người thường có thừa hoặc thiếu ngón tay, như trong những bức ảnh giả về Giáo hoàng Francis.
Ảnh giả do AI tạo ra về Giáo hoàng Francis.
Các lỗi phổ biến khác trong hình ảnh do AI tạo ra bao gồm những người có quá nhiều răng hoặc gọng kính bị biến dạng kỳ lạ hoặc tai có hình dạng không thực tế. Các bề mặt phản chiếu, chẳng hạn như tấm che mũ bảo hiểm, cũng gây ra vấn đề cho các chương trình AI.
Tuy nhiên, chuyên gia AI Henry Ajder cảnh báo rằng các phiên bản mới hơn của các chương trình như Midjourney đang trở nên tốt hơn trong việc tạo ra các bàn tay, điều đó có nghĩa là người dùng sẽ không thể tin tưởng lâu dài vào việc phát hiện ra những loại lỗi này.
Đặc biệt, ứng dụng Midjourney tạo ra nhiều hình ảnh đẹp và hoàn hảo đến khó tin, do vậy người xem cần phải đặt câu hỏi. Andreas Dengel thuộc Trung tâm nghiên cứu AI của Đức nói rằng: “Các khuôn mặt quá thuần khiết, vải vóc được thể hiện cũng quá hài hòa”.
Da của mọi người trong nhiều hình ảnh AI thường mịn màng và không có bất kỳ tì vết nào, thậm chí tóc và răng của họ cũng hoàn hảo. Điều này là không thể trong cuộc sống thực.
Nhiều bức ảnh còn mang tính nghệ thuật, bóng bẩy, long lanh mà ngay cả những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cũng khó đạt được khi chụp trong studio.
Các công cụ AI dường như thường thiết kế những hình ảnh lý tưởng được cho là hoàn hảo và làm hài lòng càng nhiều người càng tốt.
Nền của một hình ảnh thường có thể tiết lộ liệu nó có bị làm giả hay không. Các vật thể có thể bị biến dạng, ví dụ như đèn đường. Trong một số trường hợp, các chương trình AI sao chép người và đồ vật rồi sử dụng chúng nhiều lần. Và không hiếm trường hợp hậu cảnh của ảnh AI bị mờ.
Nhưng ngay cả việc làm mờ này cũng có thể chứa lỗi. Giống như một trường hợp là nhằm thể hiện một Will Smith đang tức giận tại lễ trao giải Oscar. Hậu cảnh không chỉ mất nét mà còn bị mờ một cách giả tạo.