Việc sử dụng laptop ở trong các giảng đường hiện nay không còn phải là hiếm. Nhiều sinh viên có điều kiện đã sắm cho mình những chiếc máy tính xách tay để phục vụ công việc, học tập, giải trí… Xu hướng số hoá đang đi dần vào đời sống sinh viên.
Laptop - “máy sản xuất” tiền của giới sinh viên?
Minh Tiến, cựu sinh viên trường Genetic, từng nổi danh ở trường với việc kiếm được những hợp đồng lớn ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường. Là sinh viên khoa CNTT, Tiến cùng với ba người bạn khác lập nên một nhóm thiết kế website cho các công ty, cá nhân.
Thời gian đầu những hợp đồng của Tiến chủ yếu là do người quen giới thiệu, nhưng chỉ sau vài sản phẩm đầu tiên, nhóm của Tiến được nhiều khách hàng quan tâm bởi giá thành rẻ và chất lượng các trang web không kém gì các công ty hàng đầu. Công việc dồn dập, mà nhóm 4 người lại chỉ có 3 chiếc máy tính để bàn. Tiến phải tìm mua một chiếc laptop, vừa là để làm công cụ lập trình web, vừa để “demo” sản phẩm cho khách hàng.
|
Minh Tiến với chiếc Dell D400 cũ kĩ |
Lúc này trong túi chỉ có khoảng 6 triệu, cộng với số tiền các bạn góp thành 10 triệu, Tiến buộc phải lựa chọn mua một chiếc laptop cũ. “Sau khi tham khảo mình đã mua chiếc Dell D400, cấu hình vừa tầm, được cái bền và giá sinh viên.”
Cùng với chiếc Dell này, Tiến cùng với nhóm đã có được nhiều hợp đồng béo bở. Dần dần mỗi người tự mua cho mình được một chiếc laptop đời mới, cá nhân Tiến cũng mua thêm một chiếc Acer để làm việc vì cấu hình của chiếc Dell không đủ đáp ứng. Hiện giờ Tiến đang làm ở một công ty phần mềm lớn ở Hà Nội, nhưng anh vẫn giữ chiếc máy tính xách tay đầu tiên của mình để sử dụng ở nhà thay máy để bàn. “Mình sẽ giữ nó mãi để nhớ về thời sinh viên,” Tiến nói.
Không chỉ có Tiến, rất nhiều sinh viên - đặc biệt là sinh viên ngành CNTT, đã rất năng động tìm việc làm thêm để kiếm tiền. Chiếc laptop với họ không chỉ còn là một thiết bị đơn thuần, mà đã là công cụ kiếm tiền. “Mình nâng niu con Sony Vaio này dữ lắm, thiếu nó thì mình hết tiền đi học”, Hoàng Hải, sinh viên năm thứ tư ĐH Mở Hà Nội, cho biết. Hiện Hải đang cộng tác mảng đồ hoạ với công ty quảng cáo QA Hà Nội.
… hay chỉ để giải trí?
Theo khảo sát của chúng tôi với khoảng 20 bạn sinh viên sử dụng laptop, thì có tới 80% chỉ sử dụng máy tính xách tay vào việc giải trí, lướt net và chat. Việc này cũng dễ hiểu, bởi laptop là một thiết bị giải trí đa phương tiện mạnh mẽ.
Cấu hình ngày càng mạnh, giá lại ngày càng giảm. Chính vì thế nhiều sinh viên đã có thể mua cho mình một chiếc laptop dễ dàng hơn trước rất nhiều. Một chiếc máy tính có cấu hình tương đối mạnh (chip Duo Core 1.6 Ghz, RAM 1GB, VGA 128MB…) có giá trên dưới 900 USD. Nhưng với tầm tiền từ 300-500$ bạn cũng có thể kiếm cho mình một chiếc máy cũ có thể đáp ứng những nhu cầu bình thường.
Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận không nhỏ các sinh viên, đặc biệt là thuộc những gia đình kinh tế “mạnh”, sẵn sàng chi hàng nghìn USD để mua những chiếc laptop đời mới với những cấu hình “khủng long” nhất.
B.Dương, sinh viên trường Bán công, là con của trưởng phòng nhân sự một công ty lớn, nổi tiếng với sự “sành điệu” của mình. Ngay năm thứ nhất vào trường, trong khi các bạn học mang vở, bút ghi bài thì Dương mang laptop để… nhập liệu bài giảng!
Dương còn nổi tiếng với việc thay laptop như thay áo. Năm thứ nhất cậu còn “mộc mạc” với chiếc BenQ Joybook 2000, thì chỉ sau học kì thứ nhất cậu đã lên đời với chiếc Sony Vaio T350 siêu nhỏ cùng cấu hình “đỉnh” nhất thời bấy giờ. Thời gian sau là một cuộc “chạy đua công nghệ” với việc thay máy tính đến chóng mặt. Nhiều bạn bè trong lớp Dương còn chưa kịp biết mã của chiếc laptop mới là gì thì đã thấy Dương thay một chiếc mới hơn.
Hỏi ra mới biết, nhóm bạn quý tộc của Dương cũng luôn “chạy đua vũ trang”, thể hiện đẳng cấp bằng những thiết bị đắt tiền. Chú “khủng long” mới nhất của Dương là Sony USA: VAIO VGN-SZ450N/C, với chip đôi Duo Core 2Ghz, RAM 2GB, ổ cứng 160GB, có giá khoảng 2.400 USD (gần 40 triệu đồng). “Mình luôn ưa thích và cập nhật những sản phầm công nghệ mới.”, Dương luôn nói với mọi người như thế, nhưng liệu có phải đó là niềm đam mê công nghệ, hay chỉ là việc “Con gà tức nhau tiếng gáy” cùng những cậu ấm cô chiêu khác.
Việc sử dụng laptop vào mục đích giải trí chẳng có gì xấu, bởi laptop hay máy tính nói chung cũng là những thiết bị để phục vụ cho cuộc sống. Nhưng việc nhiều bạn sinh viên còn chưa làm ra tiền, phải phụ thuộc vào gia đình mà chăm chăm chạy theo công nghệ để thể hiện mình, chắc không phải là việc đáng khuyến khích.
Di Tú