Lật lại 3 cú lừa trong lịch sử Trung Quốc: Tần Thủy Hoàng, Chu Đệ có bị oan?

  •   3,56
  • 13.561

Những chuyện được cho là thật, xoay quanh các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Tần Thủy Hoàng, Khang Hi, Càn Long... có thể đã khiến hình tượng của họ bị bóp méo trong mắt hậu thế.

Bàn về những sự kiện diễn ra trong quá khứ, hậu thế vẫn thường cảm thán bằng câu nói: "Lịch sử vốn là do kẻ thắng viết nên". Và cũng bởi "kẻ thắng làm vua", cho nên có không ít những sự thật đã bị che lấp đi chân tướng trong suốt hàng thế kỷ.

Trong lịch sử Trung Quốc, có ba sự việc đã bị người đời sau hiểu lầm, thậm chí những lầm tưởng ấy còn được lưu truyền rộng rãi đến nỗi lấn át cả sự thật.

Vậy những cú lừa ngoạn mục trong lịch sử Trung Hoa ấy liên quan tới những nhân vật nào? Mời quý độc giả cùng theo dõi trong bài viết dưới đây.

1. Sự thật về thời đại Khang – Càn thịnh thế: Ung Chính nằm đâu?

Tranh chân dung ba vị vua nhà Thanh
Tranh chân dung ba vị vua nhà Thanh theo thứ tự từ trái sang phải: Khang Hi - Ung Chính - Càn Long. (Ảnh: Nguồn Internet).

"Khang – Càn thịnh thế" là mỹ từ được dùng để ca ngợi giai đoạn thịnh trị của triều đại nhà Thanh dưới thời kỳ Khang Hi – Càn Long trị vì.

Theo cuốn "Thượng Dụ Đương", Càn Long từng tự gọi thời đại của mình là "Khang – Càn thịnh thế". Điểm đặc biệt nằm ở chỗ, hai chữ "thịnh thế" này chỉ gắn với bản thân ông và Khang Hi Hoàng đế, chứ không hề nhắc tới người phụ thân là Ung Chính.

Thậm chí, có một giai đoạn, hậu thế chỉ nhắc tới công lao của cặp ông – cháu nổi tiếng trong lịch sử Thanh triều ấy, còn người ở giữa là Ung Chính đế thì lại bị mang theo "tiếng xấu vang dội".

Kỳ thực, Khang Hi và Càn Long đều là những bậc minh quân hiếm có, nhưng để tạo dựng nên một giai đoạn thịnh trị như vậy trong lịch sử Thanh triều thì không thể không kể tới công lao và khổ lao của Ung Chính.

Trên thực tế, vào thời của Khang Hi, quốc khố thâm hụt nặng nề bởi những cuộc chinh chiến liên miên. Ung Chính lên ngôi phải tiếp nhận cục diện rối rắm này, hơn nữa còn lao lực làm việc mới vớt vát lại ngân sách quốc gia. Càn Long nối nghiệp cha và được thừa hưởng thành quả ấy mới có thể tiếp tục dẫn dắt Đại Thanh phát triển.

Công lao lớn nhất của Ung Chính đối với sự nghiệp nhà Thanh phải kể tới việc ông diệt trừ bè lũ tham nhũng, thực thi nghiêm ngặt nhiều quy định về thuế khóa, chấm dứt nạn thâm hụt ngân sách và thu về một số bạc khổng lồ cho quốc khố với con số 60 triệu lạng.

Vì vậy, việc tên tuổi của ông thậm chí còn không được "góp mặt" trong mỹ từ "Khang – Càn thịnh thế" chính là điều khiến các sử gia hiện đại nghi ngờ về tính chân thực của giai đoạn được cho là đỉnh cao thịnh trị thời nhà Thanh ấy.

2. "Đốt sách chôn Nho" - Nỗi oan ngàn năm của Tần Thủy Hoàng

Đốt sách chôn Nho
"Đốt sách chôn Nho" - tội đâu phải Tần Thủy Hoàng? (Tranh minh họa).

Mặc dù là vị Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa và có công thi hành nhiều cải cách lớn về văn hóa – kinh tế - chính trị, nhưng tên tuổi của Tần Thủy Hoàng lại bị "bôi đen" bởi không ít những sự kiện tàn bạo, đẫm máu, mà một trong số đó chính là phi vụ "đốt sách chôn Nho" thảm khốc nhất lịch sử.

Thế nhưng, trải qua quá trình tìm kiếm tư liệu và dày công nghiên cứu, nhiều sử gia hiện đại của Trung Quốc đã giúp Thủy Hoàng giải "nỗi oan ngàn năm" ấy. Theo lý giải của một số nhà nghiên cứu, sự kiện "đốt sách chôn Nho" là một hiểu lầm của hậu thế về vị Hoàng đế này.

Sự thực là Tần Thủy Hoàng có "đốt sách", nhưng những cuốn sách mà ông thiêu hủy chủ yếu là sử ký của các nước trước khi thống nhất, thi thư lưu truyền trong dân gian và lời của bách gia.

Hành động của Thủy Hoàng thực chất là một chính sách để giải quyết các khó khăn nổi cộm sau khi nhất thống đất nước, mà mục đích chủ yếu trong đó chính là đề phòng kẻ gian lợi dụng văn thư để làm nhiễu loạn triều đình mới thành lập.

Kỳ thực, phàm là mỗi khi triều đại mới được khai mở, việc đốt sách là điều thường thấy trong lịch sử Trung Quốc. Bởi không một vị Hoàng đế khai quốc nào muốn lưu lại "cái mầm phản loạn" thông qua những văn kiện thuộc về triều đại trước.

Nói về việc "chôn Nho", sự thực là Tần Thủy Hoàng chỉ hạ lệnh diệt trừ những phương sĩ giang hồ "phạm cấm" để răn người đời sau. Việc làm này bắt nguồn từ việc đám thuật sĩ lợi dụng sự "sùng đạo" và ham muốn trường sinh của Tần Thủy Hoàng để vơ vét tiền tài, danh vọng.

Vốn dĩ, chuyện thanh trừng, đốt sách là việc "cơm bữa" trong lịch sử Trung Hoa đầy rẫy những cuộc chiến tranh, binh biến. Chỉ tiếc rằng, bởi Tần Thủy Hoàng là vị Hoàng đế đầu tiên, nên nỗi oan ấy cứ đeo bám thanh danh của ông tới mấy ngàn năm vẫn chưa rửa sạch.

3. Bí mật phía sau trung thần nhà Minh bị giết 10 họ chỉ vì một câu nói

Án giết 10 họ của Phương Hiếu Nhụ
Án "giết 10 họ" của Phương Hiếu Nhụ vẫn được hậu thế nhắc tới như một trong những vụ án đẫm máu nhất Minh triều. (Tranh minh họa).

Thảm án "giết mười họ" của Phương Hiếu Nhụ dưới thời Chu Đệ vẫn thường được nhắc tới như bi kịch gia tộc đẫm máu nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Đây cũng là một trong những sự việc khiến vị Hoàng đế thứ ba của nhà Minh là Minh Thành Tổ Chu Đệ bị hậu thế đánh giá là "tàn bạo", "hám sát".

Việc Chu Đệ mang tiếng "hám sát" quả thực là cái tiếng khó tránh, bởi bản thân ông từng nhẫn tâm bức tử cháu ruột để cướp ngôi, thậm chí sát hại 3000 cung nữ để hả giận.

Thế nhưng việc gia tộc của Phương Hiếu Nhụ có thực sự bị Chu Đệ hạ lệnh "giết 10 họ" hay không thì còn cần phải xem xét.

Tương truyền rằng, Phương Hiếu Nhụ là người được giao cho trách nhiệm phò tá Kiến Văn Đế lên ngôi và trị vì đất nước. Tới khi Chu Đệ cướp ngôi thành công và cử hành lễ đăng quang, ông có chỉ định cho vị quan họ Phương ấy thay mình viết biểu lên ngôi.

Nào ngờ Phương Hiếu Nhụ không những không làm, mà còn mặc một thân áo tang lên đại điện khóc lóc thảm thiết, chỉ mặt tân đế mà nói bốn chữ: "Yên tặc thoái vị" (Giặc Yên cướp ngôi).

Sau câu nói ấy, Phương Hiếu Nhụ quăng bút rồi gào thét, chửi rủa và lớn tiếng tuyên bố dù chết cũng không viết chiếu thư lên ngôi cho Chu Đệ. Dưới cơn nóng giận, Chu Đệ đã hạ lệnh "giết 10 họ" nhà Phương Hiếu Nhụ.

Đó là toàn bộ giai thoại về sự kiện "giết 10 họ" được hậu thế truyền lưu rộng rãi.

Nhưng giới chuyên gia nhận định rằng, ngay đến bộ sử bị đánh giá là "bôi đen" Minh triều như "Minh sử" cũng không hề nhắc đến sự kiện này. Giai thoại ấy chỉ xuất hiện trong dã sử do Chúc Chi Sơn biên soạn và được hậu thế lưu truyền nhiều đến mức… ai cũng tin là thật!

Giết 10 họ của một gia tộc quan lại từng được tiên đế trọng dụng vốn không phải chuyện nhỏ. Tuy nhiên tính chính xác của sự việc này vẫn cần được xem xét một cách cẩn thận.

Ngày nay, lịch sử Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều câu chuyện "tưởng là thật nhưng hóa ra không phải thật".

Bức màn của thời gian cùng những biến động của thời thế đã bao trùm lên quá khứ một tấm màn mờ ảo khó phân rõ hư thực. Và sự thật phía sau nhiều bí mật bị vùi sâu trong lớp cát thời gian ấy vẫn đang chờ hậu thế tìm lời giải đáp...

Cập nhật: 14/04/2018 Theo Thời Đại
  • 3,56
  • 13.561