Liệu phụ nữ đi giày cao gót có thể đánh đấm như trong phim hay không?

  •   4,33
  • 1.104

Trả lời nhanh: chắc chắn có thể, nhưng bạn sẽ thua trận hoặc sẽ tự khiến mình bị lật cổ chân trong quá trình đó.

Có rất nhiều bộ phim hành động với các nữ cường mang giày cao gót. Black Widow, Catwoman, Wonder Woman, Gamora, và thậm chí là cả Nebula đều tham chiến với những đôi giày thời thượng.

Trong thực tế, mang giày cao gót giúp bạn trông cao hơn và sang trọng hơn, nhưng đến cuối ngày, bàn chân bạn sẽ phải trả giá. Giày cao gót hiển nhiên không phải là loại giày thoải mái nhất, và chúng cũng chẳng có tí thực dụng nào... bạn có nhớ đã bao lần ngã chổng vó, hoặc suýt ngã, vì chúng không?

Đi giày cao gót vẫn có thể đánh đấm được.
Đi giày cao gót vẫn có thể đánh đấm được.

Vậy nên, khi xem phim và thấy các diễn viên, phần lớn là phái nữ, thực hiện những pha mạo hiểm khi mang giày với gót cao đến gần 15 phân (15cm), bạn hẳn thắc mắc rằng: "thật vậy luôn?"

Trước khi đào sâu vào khía cạnh vật lý học của những trận chiến giày cao gót, bạn nên nhớ rằng phim ảnh không phản ánh chính xác đời thực; đôi lúc chúng ta có thể chấp nhận một chút hư ảo để đời thêm thú vị. Khi xem những bộ phim huyền bí và viễn tưởng, hãy tạm bỏ qua những lựa chọn thời trang khó hiểu của các nhân vật. Thông thường, những lựa chọn đó đơn giản là sự phản ánh tính cách của một nhân vật cụ thể. Lấy Harley Quinn làm ví dụ: cô ta liệu có còn vẻ điên loạn nếu mang giày thể thao kết hợp áo quần tập luyện màu xám? Tính cách của Harley Quinn là phi thực tế và tàn bạo, và bộ trang phục của cô ta phản ánh điều đó.

Bây giờ hãy đi vào chi tiết vấn đề.

Có nhiều loại giày cao gót

Không phải giày cao gót nào cũng như nhau.
Không phải giày cao gót nào cũng như nhau.

Không phải giày cao gót nào cũng như nhau. Có loại đế xuồng, đế thô (đế vuông), gót nhọn... và loại được yêu thích nhất là giày gót mỏng, rất nhọn. Giày cao gót có thể là loại hở ngón, loại buộc dây như đấu sỹ, loại cổ cao, loại oxford cổ điển, hay thậm chí là sneaker.

Về độ cao, tính đến thời điểm hiện tại, kỷ lục thế giới về giày cao gót là... 3,66 mét.

Một số loại giày cao gót phù hợp cho chiến đấu (và có thể mang hàng ngày một cách thoải mái) hơn những loại khác. Nhìn chung, gót càng cao và càng nhọn, tính thực tiễn của nó trong chiến đấu càng giảm đi.

Một yếu tố khác là giày có quai hay không. Chẳng ai muốn giày một nơi, chân một nẻo khi tung cước vào kẻ thù cả!

Các đấu sỹ, đặc biệt là các siêu anh hùng, cũng không muốn các phần cơ thể dễ tổn thương lộ ra. Chân là một trong số đó. Cẳng chân gãy thì còn đánh đấm gì nữa? Giày, đặc biệt là giày cao cổ (như giày mang khi cưỡi ngựa), giúp bảo vệ chân trước những vũ khí như tên bắn hoặc dao găm. Kể cả Wonder Woman ăn mặc khá mát mẻ, lộ cả cẳng tay và đùi, nhưng cẳng chân quý giá thì không.

Cân bằng khi mang giày cao gót

Giày cao gót, dù cao hay thấp, phù hợp với một đấu sỹ như thế nào? Tất cả phụ thuộc vào độ cân bằng nó mang lại.

Trong thực tế, đứng trên đôi chân trần không mang lại sự vững chắc như nhiều người vẫn tưởng. Trọng tâm của chúng ta hơi ngả về phía trước, có nghĩa là cơ thể cần liên tục làm việc để giữ cân bằng. Quá trình này có sự góp mặt của hàng loạt giác quan - thị giác, thính giác, tiền đình, và thể giác (cơ quan cảm nhận thông tin từ bên trong cơ thể).

Thụ cảm

Giày cao gót sẽ khiến độ cao mà ở đó, bộ não của bạn thường cảm nhận thế giới xung quanh, bị thay đổi; khoảng cách giữa mặt đất và đầu lúc này trở nên xa hơn, và các chi của bạn cũng dài hơn. Bộ não của bạn biết lý do của sự thay đổi này, nhưng các giác quan vẫn đang tìm cách thích ứng với tư thế mới. Thị giác cần thời gian để điều chỉnh với sự khác biệt về độ cao, và tiền đình cũng vậy.

Mắt cá chân và cơ bắp chân

Chỉ một sơ suất, mắt cá chân của bạn sẽ bị lật ngay lập tức.
Khi chiến đấu, bạn còn phải chạy, nhảy, đá, đạp... Chỉ một sơ suất, mắt cá chân của bạn sẽ bị lật ngay lập tức.

Giày cao gót làm các cơ trong chân bạn ngắn lại, đặc biệt là cơ bụng chân (gastrocnemius) và cơ dép (soleus) ở bắp chân. Những cơ bị thu ngắn này là lý do tại sao bắp chân của bạn lại trông khá hấp dẫn khi mang giày cao gót, nhưng chúng lại gây ảnh hưởng đến khả năng duy trì cân bằng của cơ thể.

Trọng tâm của chúng ta rơi vào phía trước của mắt cá (khi chiếu thẳng đứng). Để ngăn chúng ta không bị ngả về trước, mắt cá và hai cơ bắp chân phải thực hiện một việc gọi là gấp gan bàn chân (plantarflexion).

Plantarflexion là thứ cho phép bạn di chuyển chân lên và xuống, đạp ga khi lái xe, giữ thăng bằng trên đầu ngón chân, và giữ thăng bằng trên gót chân. Tuy nhiên, mang giày cao gót trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến hành động gấp gan bàn chân này, về lâu dài sẽ tác động tiêu cực đến khả năng giữ thăng bằng.

Vị trí của mắt cá và bắp chân khi mang giày cao gót còn tạo thêm áp lực lên đầu gối, đó là lý do tại sao những người không thường xuyên mang giày cao gót lại phàn nàn về hiện tượng đầu gối chao đảo khi mang chúng. Áp lực lên đầu gối hiển nhiên không phải là một lợi thế trong chiến đấu.

Độ cao của gót giày cũng ảnh hưởng đến cách các khớp chân tương tác với khu vực xương chậu, và một lần nữa, điều này cũng gây ra nhiều vấn đề với khả năng giữ thăng bằng. Các cơ và mô liên kết khác không còn tách rời nhau nữa, và hệ quả chúng gây ra có thể cảm nhận được tại các khu vực khác có liên kết với nhau, dẫn đến hiệu ứng domino.

Giày cao gót ngắn hơn đồng nghĩa cơ bắp chân dài hơn và áp lực lên mắt cá lẫn đầu gối ít hơn, tức khả năng di động cũng cao hơn.

Nếu bạn chỉ tập trung vào việc đi đứng, tất cả những yếu tố nêu trên sẽ không phải là vấn đề đáng quan ngại. Nhưng khi chiến đấu, bạn còn phải chạy, nhảy, đá, đạp... Chỉ một sơ suất, mắt cá chân của bạn sẽ bị lật ngay lập tức.

Phân bổ khối lượng đồng đều

Gót giày phẳng sẽ cho phép một nữ đấu sỹ phân bổ khối lượng cơ thể đồng đều hơn, khiến cô ấy trở nên thăng bằng hơn. Chính vì vậy, giày cao gót đế thô và đế xuồng sẽ là lựa chọn hợp lý nếu bạn định mang chúng đi đánh nhau.

Ngược lại, giày gót mỏng và nhọn chắc chắn không phải là lựa chọn thực tế. Gót giày nhọn như đầu kim đồng nghĩa bạn phải giữ thăng bằng trong khi toàn bộ khối lượng cơ thể bị đặt trên chấm nhỏ đó. Khả năng bị ngã, hay thậm chí là gãy gót, lúc này sẽ rất cao. Thà đánh nhau khi đi chân trần còn hơn là mang giày gãy gót!

Chưa hết, nhiều loại giày cao gót không hỗ trợ tốt cho vòm bàn chân. Đây là bộ phận hấp thụ chấn động và giúp ngăn chân bị tổn thương, đặc biệt trong quá trình tác động mạnh hoặc tiếp đất.

Dùng giày cao gót làm vũ khí

Bất kỳ thứ gì có đầu nhọn đều có thể trở thành vũ khí, kể cả là giày cao gót.
Bất kỳ thứ gì có đầu nhọn đều có thể trở thành vũ khí, kể cả là giày cao gót.

Bất kỳ thứ gì có đầu nhọn đều có thể trở thành vũ khí, và gót giày cũng không là ngoại lệ; cứ hỏi Avital Zeisler (ảnh trên), một chuyên gia về tự vệ là biết. Phương thức tự vệ của cô bao gồm sử dụng giày cao gót làm vũ khí. Gót giày có thể gây tổn thương đáng kể cho kẻ thù; trong phim, bạn hẳn từng thấy nhân vật chính dùng nó để chống lại kẻ địch - dù là người hay chủng loài gì đi nữa.

Nếu bạn có thể bỏ qua sự bất tiện và không vững vàng của giày cao gót, thì đầu nhọn của nó có thể giúp bạn chiến đấu với kẻ thù. Một cước từ giày gót nhọn chắc chắn sẽ gây thiệt hại không nhỏ!

Tạm kết

Giày cao gót không phải là lựa chọn tốt để mang khi chiến đấu. Nó không chỉ khiến bạn đứng không vững, mà còn có thể bị gãy, làm đau chân bạn, và âm thanh "cộc cộc" nó gây ra còn có thể gián tiếp làm "phá sản" kế hoạch tẩu thoát trong thầm lặng của bạn.

Dẫu vậy, nếu không còn lựa chọn nào khác, và bạn bất ngờ đụng độ kẻ thù khi đang mang giày cao gót, thì lời khuyên dành cho bạn là: tháo giày ra và chiến đấu với đôi chân trần đi!

Cập nhật: 30/06/2021 Theo VnReview
  • 4,33
  • 1.104