Linux dần tiếp cận người dùng đại chúng

  •  
  • 86

Hệ điều hành nguồn mở Linux ngày càng được nhiều người dùng bình thường quan tâm hơn, nhờ những cải tiến đáng kể như giao diện bắt mắt, hoạt động ổn định và cách sử dụng không còn quá khó.

Tuy nhiên, một số yếu tố hấp dẫn của Linux đồng thời cũng là những nhân tố góp phần khiến sự phổ biến của nó bị chững lại...

Bắt đầu phổ cập

Dell - hãng sản xuất máy tính hàng đầu trên thế giới, vừa quyết định sẽ cung cấp lựa chọn Linux cho ít nhất hai dòng máy tính để bàn và một dòng máy tính xách tay. Việc này được cộng đồng nguồn mở chào đón nhiệt liệt, bởi nó là một dấu hiệu quan trọng cho thấy Linux đã bắt đầu tìm được chỗ đứng trên thị trường đại chúng.

Quả thực, giờ đây khi nhìn vào những phiên bản Linux ăn khách nhất như Ubuntu hay Kubuntu, khó ai có thể chê rằng chúng không đẹp hay thiếu sự "trưởng thành" cần có của một hệ điều hành. Các phiên bản Linux cũ hoàn toàn là lãnh địa của dân chuyên nghiệp hoặc những người am hiểu, thành thạo về máy tính. Song từ vài năm qua đã diễn ra một phong trào lớn và mạnh mẽ với mục tiêu phổ cập hoá Linux, biến nó trở nên thân thiện không kém Windows, đồng thời vẫn tận dụng sức mạnh của cộng đồng Linux rộng lớn.

Thử nhìn vào Ubuntu chẳng hạn. Nó là phiên bản mà Dell dự định sẽ cung cấp. Ubuntu được thiết kế rất tốt, rất thân thiện, cài đặt nhanh và dễ dàng. Nó có đầy đủ sự ổn định và sức mạnh của Linux, hoàn toàn miễn phí (cũng như hầu hết phần mềm dành cho nó), có thể được chỉnh sửa ở cấp độ sâu, và đặc biệt là nó hầu như dễ sử dụng.

Tất nhiên, "hầu như" là một từ quan trọng. Trước tiên hãy nhìn vào mặt dễ sử dụng của Linux. Một người quen dùng Windows hay Mac sẽ nhanh chóng làm quen và cảm thấy thoải mái với Linux, tận hưởng những tiện nghi như mở nhiều bàn làm việc (desktop) và chuyển đổi qua lại. Adept - công cụ thêm vào và dỡ bỏ các chương trình của Linux, không chỉ làm tốt những công việc giống như đồng nhiệm của nó trong Windows, mà còn giúp bạn truy cập tới kho trực tuyến khổng lồ gồm hàng trăm phần mềm lớn nhỏ hoàn toàn miễn phí.

Vẫn còn không ít hạn chế

Đó là một điểm thật hấp dẫn, nhưng đồng thời cũng là một điểm yếu của Linux. Hệ điều hành này dựa vào một cộng đồng phát triển rất đông đảo và nhiệt huyết, liên tục đưa ra những tính năng mới, những phần mềm mới dành cho Linux. Vấn đề là đối với một người vừa chân ướt chân ráo bước vào môi trường Linux, họ sẽ dễ dàng bị choáng ngợp và lúng túng trước cơ man là lựa chọn. Muốn nghe nhạc ư? Bạn có tới 11 phần mềm để chọn như Audacious, JuK, Quark... Cần soạn thảo văn bản? Bạn muốn GTKedit, Kate, KEdit, KWrite, Leafpad, Mousepad, hay xae? Tất cả đều sẵn sàng, chỉ cần bạn lựa chọn và click chuột vài cái.

Nếu bạn muốn cài đặt một thứ gì đó không nằm trong thư viện có sẵn, bạn còn gặp vấn đề lớn hơn, đó là tính phụ thuộc lẫn nhau. Do Linux mang tính môđun hoá cao hơn nhiều so với Windows, nên nhiều chương trình cần kết hợp với các môđun khác để có thể làm việc được. Đối với dân chuyên nghiệp thì việc này hoàn toàn tự nhiên và dễ hiểu, nhưng với đa số người dùng bình thường thì chẳng khác nào sự đánh đố.

Điều đáng quan tâm nhất là trong khi bản thân Linux, nhất là Ubuntu, khá "nuột", thì phần lớn các phần mềm dành cho nó lại không được như thế. Chúng thiếu sự chỉn chu của nhiều phần mềm dành cho Windows và Mac.

Ví dụ, trình xử lý ảnh GIMP của Linux mặc dù có hầu hết tính năng giống Photoshop, nhưng độ tinh tế thì còn rất xa mới so sánh được. Tương tự, các trình xử lý video như Kino hay Cinelerra cũng không thể so sánh với Sony Vegas hay Adobe Premiere. Bộ phần mềm văn phòng tốt nhất dành cho Linux là OpenOffice.org, nhưng nó vẫn tụt hậu so với Microsoft Office về độ chỉn chu, hoàn thiện.

Như vậy, có lẽ chỉ khi bạn không có nhu cầu quá lớn về xử lý đồ hoạ và sẵn sàng chấp nhận một số phiền toái nhỏ để đổi lấy chi phí hấp dẫn và an ninh đảm bảo hơn, Linux có thể là lựa chọn của bạn trong thời điểm này.

Thế Anh

Theo Lao Động
  • 86