Loài bướm có khả năng điều chỉnh thính giác khi bị tấn công

  •  
  • 748

Theo các nhà nghiên cứu Anh, loài bướm đêm có khả năng điều chỉnh thính giác để thoát khỏi loài dơi. Dơi phát ra những tiếng kêu có tần số siêu âm nhằm phát hiện con mồi vào ban đêm.

Các nhà nghiên cứu biết từ lâu rằng loài bướm đêm có thể nghe một số âm thanh siêu âm nhưng họ nghĩ rằng hệ thính giác của chúng không nhạy cảm với tất cả các tần số do con vật ăn mồi phát ra.

Bướm đêm Noctua pronuba có hệ thính giác rất đơn giản, được tạo từ hai đến bốn tế bào nhạy cảm với các dao động nối với một màng. Khi đến gần bướm, dơi phát ra những tiếng kêu to hơn.

Nhóm nghiên cứu do James Windmill thuộc Trường Đại học Bristol dẫn đầu đã phát hiện rằng độ nhạy cảm của tai bướm cũng thay đổi và thích nghi với những thay đổi tần số của dơi. Thậm chí khi dơi không còn phát ra tiếng kêu siêu âm, tai bướm vẫn ở trong trạng thái cảnh giác trong vài phút, sẵn sàng với một đợt tấn công khác.

Theo các nhà nghiên cứu, nếu bướm có khả năng thích nghi với những tiếng kêu của dơi, thì dơi cũng có thể có khả năng tương tự để không bị phát hiện. Nghiên cứu trên đã được đăng trên tạp chí Current Biology.

Bướm Noctua pronuba

Bướm Noctua pronuba (Ảnh: nrcan.gc.ca)

Theo Sciences & Avenir, Đài TH Tp. Hồ Chí Minh
  • 748