Loài chim tiền sử nặng 200kg đẻ trứng to bằng quả dưa

  •  
  • 372

Các chuyên gia xác định "chủ nhân" của những mảnh vỏ trứng có niên đại khoảng 50.000 năm là vịt quỷ, loài chim không biết bay cao lớn.

Trứng vịt quỷ
Vỏ trứng Genyornis gần như nguyên vẹn duy nhất từng được phát hiện ở Australia. (Ảnh: Gifford H. Miller)

Cuộc tranh cãi khoa học kéo dài nhiều năm ở Australia về "mẹ" của những quả trứng cổ đại khổng lồ được giải quyết trong nghiên cứu mới của nhóm nhà khoa học tại Đại học Copenhagen cùng các cộng sự quốc tế, SciTechDaily hôm 9/7 đưa tin. Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

Những mảnh vỏ trứng khoảng 50.000 năm tuổi đã trở thành chủ đề gây tranh cãi kể từ khi được các chuyên gia tìm thấy lần đầu tiên năm 1981. Họ không chắc chúng thuộc về vịt quỷ (Genyornis newtoni) hay chim Progura.

Progura là nhóm chim giống gà thuộc họ Megapodiidae, chỉ nặng 5 - 7 kg và có bàn chân lớn. Theo những người ủng hộ Progura, những quả trứng - với kích thước bằng quả dưa lưới cantaloupe - vẫn quá nhỏ so với loài chim khổng lồ như vịt quỷ.

Vịt quỷ, còn gọi là chim sấm, là nhóm chim nặng 200 kg, cao 2 m với mỏ lớn. Chúng thuộc chi Genyornis và không biết bay. Chúng sống cùng thời với những người đầu tiên định cư ở Australia khoảng 65.000 năm trước.

Minh họa vịt quỷ bị một con thằn lằn khổng lồ săn đuổi ở Australia khoảng 50.000 năm trước.
Minh họa vịt quỷ bị một con thằn lằn khổng lồ săn đuổi ở Australia khoảng 50.000 năm trước. (Nguồn: Peter Trusler)

"Phân tích của chúng tôi về các chuỗi protein từ trứng cho thấy vỏ trứng chắc chắn không thể thuộc về chim Progura và họ Megapodiidae", phó giáo sư Josefin Stiller tại Khoa Sinh học thuộc Đại học Copenhagen, thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích.

"Những quả trứng này chỉ có thể thuộc về chi Genyornis. Như vậy, chúng tôi đã kết thúc cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài về nguồn gốc của chúng", giáo sư Matthew Collins tại Đại học Copenhagen, đồng tác giả nghiên cứu, nói thêm.

Nhóm chuyên gia đã phân tích các protein từ vỏ trứng tại hai thị trấn Wallaroo và Woodpoint, miền nam Australia. Họ phân giải protein thành nhiều mảnh nhỏ rồi ghép các mảnh theo trình tự chính xác, sau đó dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để nghiên cứu cấu trúc của chúng. Các chuỗi protein cung cấp cho nhóm nghiên cứu một bộ sưu tập các mã gene có thể dùng để so sánh với gene của hơn 350 loài chim đang tồn tại.

Nghiên cứu trước đây về các mảnh vỏ trứng chỉ ra, chúng từng bị nấu chín rồi vứt bỏ trong các hố lửa (hố dùng để nhóm lửa). Vết than hóa trên bề mặt vỏ trứng giúp xác nhận điều này, đồng thời chứng minh những cư dân đầu tiên tại Australia đã ăn trứng. Theo giả thuyết, họ thu hoạch trứng từ các tổ chim, dẫn đến sự tuyệt chủng của chim Genyornis 47.000 năm trước.

Cập nhật: 12/07/2022 VnExpress
  • 372