Cơ chế phòng vệ độc đáo cho phép dơi pallid "ăn tươi nuốt sống" bọ cạp bất chấp chất độc gây đau đớn tột cùng.
Ở khu vực tây nam Bắc Mỹ, loài dơi pallid lại tỏa ra khắp bầu trời đêm để rình mồi, sử dụng những chiếc tai lớn lắng nghe âm thanh của con mồi đang vội vã chạy trốn. Chúng sục sạo tìm kiếm mọi loại côn trùng, đôi khi săn cả thằn lằn nhỏ và chuột. Tuy nhiên, bọ cạp Arizona trang bị nọc độc nguy hiểm nhất lục địa cũng trở thành bữa ăn cho dơi pallid, theo Earth Touch News. Điều đáng ngạc nhiên là loài dơi này dường như miễn nhiễm với nọc độc chết người của bọ cạp.
Loài dơi này phát triển đột biến ở những vùng cơ thể thường xuyên tiếp xúc với nọc độc.
Các nhà nghiên cứu ở California, Mỹ, ấn tượng trước sự lựa chọn săn mồi của dơi pallid đến mức họ quyết định tìm hiểu loài vật sống sót sau khi ăn bọ cạp kịch độc như thế nào. Với chiều dài khoảng 8cm, bọ cạp có kích thước lớn ngang dơi pallid. Vết đốt của chúng có thể gây đau đớn cực độ và tử vong ở nhiều động vật khác, bao gồm chuột và thậm chí con người.
Camera tốc độ cao hé lộ chi tiết cuộc săn mồi của dơi theo chuyển động chậm. Khi dơi sà xuống để tấn công bọ cạp, chúng không cố gắng tránh cú đốt trả đũa của con mồi. "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy dơi pallid bị đốt nhiều lần trong suốt cuộc săn nhưng việc này không có bất kỳ ảnh hưởng nào rõ rệt lên hành vi của chúng", các nhà khoa học báo cáo trên tạp chí PLOS One.
"Thậm chí tiêm nọc độc trực tiếp theo liều lượng lớn vào dơi cũng không có tác dụng", Khaleel Razak, nhà nghiên cứu ở Đại học California, Riverside, cho biết. Khi bị tiêm nọc độc, những con chuột trong phòng thí nghiệm có triệu chứng co giật và mất phương hướng. Nhưng dơi pallid hầu như không có phản ứng với lượng nọc độc tương đương.
Dơi pallid sẵn sàng hứng những cú đốt trả đũa của bọ cạp. (Video: YouTube).
Khả năng kháng gần như hoàn toàn nọc độc của bọ cạp là một lợi thế lớn đối với dơi săn mồi. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn chưa rõ tại sao chúng lại có khả năng đó. Do chất độc trong nọc bọ cạp tấn công vào các tế bào hạch rễ lưng tủy sống (dorsal root ganglia) và tác động vào đường dẫn truyền cơn đau, nọc độc có thể gây ra sự đau đớn cùng cực.
Khi các nhà nghiên cứu khám phá mã di truyền của dơi pallid, họ phát hiện loài dơi này phát triển đột biến ở những vùng cơ thể thường xuyên tiếp xúc với nọc độc. Đây là một cơ chế phòng vệ độc đáo cho phép dơi không cảm thấy đau đớn và thoải mái ăn mọi loại bọ cạp.