Loại gene quyết định giác quan thứ 6 ở người

  •  
  • 3.570

Ngoài 5 giác quan thông thường, con người còn có khả năng cảm nhận không gian, giác quan có cơ sở từ di truyền.

Giác quan thứ 6 ở người tên là sự nhận cảm (Proprioception), hay khả năng não bộ hiểu được vị trí cơ thể đang ở trong không gian, Live Science hôm 22/9 đưa tin.

Khi cảnh sát yêu cầu một người say rượu chạm ngón tay vào chóp mũi, họ đang kiểm tra giác quan này. Nhờ nó, chúng ta cảm nhận được chiếc ghế đang ngồi được tạo dáng như thế nào. Chúng ta có thể đoán còn bao nhiêu sữa trong hộp giấy khi chỉ nhấc lên và lắc nhẹ nó. Giác quan này do các "proprioceptor", cơ quan tự cảm ở các tế bào nằm trên bắp thịt và gân tiếp nhận.

Các nghiên cứu trước đây trên chuột cho thấy gene PIEZO2 có thể đóng vai trò trong giác quan nhận cảm. Đây cũng là gene yêu cầu các tế bào tạo ra protein "nhạy cảm cơ học" cho khả năng cảm nhận lực tác động, chẳng hạn như khi có ai đó ấn vào da.

Đột biến một gene đặc biệt làm cho cơ thể mất đi khả năng cảm nhận không gian.
Đột biến một gene đặc biệt làm cho cơ thể mất đi khả năng cảm nhận không gian. (Ảnh: Science Magazine).

Để hiểu rõ tác dụng của gene PIEZO2 trên người, các nhà nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) lựa chọn hai bệnh nhân trẻ, những người có đột biến gene PIEZO2 rất hiếm, gặp vấn đề về khớp và bị vẹo cột sống. Các bệnh nhân được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm liên quan đến chuyển động và cân bằng. Nhóm nghiên cứu nhận thấy bệnh nhân gặp khó khăn khi đi bộ nếu bị bịt mắt.

Trong một thí nghiệm khác, các bệnh nhân được yêu cầu tiến lại gần một vật thể trước mặt, trong hai trường hợp bị và không bị bịt mắt. So với những người không có gene đột biến, những bệnh nhân này khó tìm đến vật thể khi bị bịt mắt.

Ngoài ra, những người đột biến gene PIEZO2 còn hầu như không thể đoán hướng chuyển động của tay và chân họ khi chúng được bác sĩ điều khiển, khó cảm nhận độ rung của âm thoa trên da. Một bệnh nhân còn cảm thấy khó chịu khi được nhẹ nhàng vuốt ve phần cánh tay, trái ngược với cảm giác dễ chịu thường được ghi nhận.

Các thí nghiệm trên cho thấy những người đột biến gene PIEZO2 bị "mù tiếp xúc", Alexander Chesler, tác giả chính của nghiên cứu đã đăng tải trên tạp chí Y khoa New England hôm 21/9 cho biết.

"Phiên bản đột biến của PIEZO2 có thể không hoạt động, khiến cho hệ thần kinh của những người bệnh không thể phát hiện tiếp xúc hay sự chuyển động của các chi", Chesler nói.

Theo nghiên cứu, các phần khác của hệ thần kinh vẫn hoạt động bình thường. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau, ngứa, nhiệt độ nóng lạnh, khả năng nhận thức cũng tương đương người không đột biến gene.

Cập nhật: 28/09/2016 Theo VnExpress
  • 3.570