Một hang động ở miền nam nước Pháp tiết lộ bằng chứng về việc con người hiện đại lần đầu tiên sử dụng cung tên ở châu Âu cách đây khoảng 54.000 năm, sớm hơn nhiều so với những gì được biết trước đây.
Bằng chứng được tìm thấy tại một hang động ở miền Nam nước Pháp cho thấy những cung tên đầu tiên được loài người hiện đại sử dụng tại châu Âu cách đây 54.000 năm, sớm hơn nhiều so với thông tin được công bố trước đây.
Khai quật khảo cổ ở lối vào của hang Grotte Mandrin ở miền nam nước Pháp. (Nguồn: AFP).
Kết quả nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Science Advances ngày 22/2.
Nghiên cứu mới dựa trên bằng chứng được tìm thấy tại hang đá Grotte Mandrin, miền Nam nước Pháp. Khu vực này được khai quật lần đầu vào năm 1990, bao gồm nhiều lớp di tích khảo cổ có niên đại hơn 80.000 năm.
Theo các nhà nghiên cứu, người Neanderthal và “người anh em họ” Homo sapien từng lần lượt cư trú trong hang đá này.
Các tác giả cho biết một lớp gọi là “Lớp E” cho thấy sự xuất hiện của người Homo sapien cách đây khoảng 54.000 năm và nằm xen kẽ với các lớp mang nhiều dấu ấn của người Neanderthal.
Trước đây, bằng chứng lâu đời nhất được tìm thấy trong các bãi than bùn ở Bắc Âu, đặc biệt là khu Stellmoor tại Đức, cho thấy loài người hiện đại tại châu Âu sử dụng cung tên từ 10.000-12.000 năm trước.
Trong nghiên cứu mới, nhóm tác giả đã tiến hành phân tích chức năng của các công cụ bằng đá được tìm thấy trong Lớp E.
Kết quả cho thấy những công cụ này được tạo ra tinh xảo hơn so với những đồ tạo tác được tìm thấy ở lớp trên và lớp dưới. Các đầu mũi tên đá rất quan trọng bởi các thành phần khác của cung tên như gỗ, da, nhựa và gân đều dễ hư hại và khó được bảo quản tại các khu vực trải qua thời đại đồ đá cũ của châu Âu.