Loài rắn kinh dị chuyên giết cóc để ăn nội tạng

  •  
  • 2.185

Chiến thuật ăn nội tạng có thể là cách giúp rắn khiếm tránh chất độc của cóc đồng thời vẫn thưởng thức được bữa ăn ngon.

Nhà bò sát học và tự nhiên học Henrik Bringsøe, phát hiện thói quen ăn thịt cóc của rắn khiếm châu Á ở Thái Lan và công bố kết quả nghiên cứu hôm 11/9 trên tạp chí Herpetozoa. Loài rắn này có những chiếc răng sắc như dao ở hàm trên để xẻ thịt con mồi. Chúng nhắm vào khoang bụng và ăn cơ quan nội tạng khi cóc còn sống, sau đó bỏ lại xác con mồi.


Xác cóc bị rắn khiếm giết. (Ảnh:Winai Suthanthangjai).

Nạn nhân của rắn khiếm là loài cóc độc có tên Duttaphrynus melanostictushay còn gọi là cóc Ấn Độ thường. Chúng có lớp da dày và dài khoảng 57 - 85 mm, theo Animal Diversity Web (ADW), cơ sở dữ liệu động vật hoang dã do Bảo tàng Động vật học của Đại học Michigan xây dựng. Trong cuộc chiến sinh tử, những con cóc thường tự vệ bằng cách tiết ra chất độc màu trắng.

Rắn khiếm trong họ Oligodon sở hữu hàm răng giống như con dao rựa lưỡi cong ở Nepal. Dù không phải mối đe dọa đối với con người, hàm răng của rắn khiếm có thể gây ra vết rách cực đau khiến máu chảy nhiều, bởi chúng tiết ra chất chống đông từ các tuyến đặc biệt ở miệng. "Quá trình tiết chất chống đông do hai tuyến gọi là tuyến Duvernoy nằm sau hốc mắt con rắn đảm nhiệm. Điều này rất có lợi khi con rắn dành hàng giờ để lấy nội tạng cóc", Bringsøe giải thích.

Các nhà nghiên cứu mô tả 3 quan sát ở rắn khiếm tại Thái Lan (Oligodon fasciolatus), có chiều dài lên tới 115 cm. Ở trường hợp đầu tiên diễn ra năm 2016, con cóc đã chết khi nhân chứng phát hiện cảnh tượng. Đất xung quanh hai con vật có dấu máu, chứng tỏ một trận chiến ác liệt đã xảy ra. Con rắn lần lượt ăn gan, tim, phổi và một phần ruột của cóc.

Trong trường hợp thứ hai, trận chiến giữa rắn khiếm và cóc kéo dài gần 3 giờ vào ngày 22/4/2020. Con rắn tấn công, rút lui và lại tấn công lần nữa, chỉ tạm thời bối rối trước chất độc của cóc. Sau khi đánh bại cóc, con rắn nuốt chửng những cơ quan nội tạng trong lúc cóc vẫn còn thở. Ngày 5/6/2020, rắn khiếm nuốt chửng thay vì xé xác cóc.

Cóc non thường tiết ít chất độc hơn cóc trưởng thành, cho phép con rắn ở trường hợp thứ hai nuốt chửng toàn bộ an toàn. Một khả năng khác là rắn khiếm miễn dịch với chất độc của cóc, nhưng chúng phải mổ bụng những con trưởng thành vì cóc quá to để nuốt chửng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chưa thu thập đủ dữ liệu để đưa ra câu trả lời chính xác.

Cập nhật: 01/10/2020 Theo VnExpress
  • 2.185