Loài vật biết nói tiếng người

  •  
  • 3.114

Những con hắc tinh tinh ở Đại học Tổng hợp bang Georgia (Mỹ) đã học tiếng người một cách khá thành công. Nó có thể thỏ thẻ: “Xin cho cà phê đá”, “Tôi đang nghĩ xem tôi nên ăn gì”. Một số con mèo, hải cẩu, voi... cũng biết nói.

Bộ máy phát âm tự nhiên của hắc tinh tinh không cho phép chúng nói thành tiếng. Bởi vậy, chúng phải sử dụng một thiết bị gọi là bộ tổng hợp tiếng di động gồm 400 ký hiệu. Các ký hiệu này không chỉ biểu thị những vật cụ thể như “quả táo”, “mưa”, “chuối” mà còn biểu thị những khái niệm như “tốt”, “xấu”, “giúp đỡ”, “hút thuốc”...

Khi ấn những nút bấm, con hắc tinh tinh tên là Panbanisha biết đặt những câu tiếng Anh rất chuẩn. Khi cần thiết, nó có đủ trí khôn để sử dụng mạo từ “the”, liên từ “and” (và) thậm chí cả đại từ. Nó có thể nói thích cái gì và không thích cái gì, nhưng chủ yếu là nó muốn gì. Ví dụ, ta có thể nghe thấy một câu như sau: “Xin cho cà phê đá”. Đối với câu hỏi hiện nó đang làm gì, hắc tinh tinh có thể trả lời: “Tôi đang nghĩ xem tôi nên ăn gì” hoặc: “Tôi định đến đằng kia”.

Hắc tinh tinh Panbanisha
Hắc tinh tinh Panbanisha (Ảnh: myhero)

Đối với hắc tinh tinh, tiếng người còn là cách thức để nhìn vào thế giới của loài người và hiểu được một số thứ trong cái thế giới đó. Và chúng nắm được khá nhanh. Có lần, qua thiết bị tổng hợp tiếng di động, các nhà nghiên cứu bảo con hắc tinh tinh làm một việc và sẽ được “trả thù lao”. Để hiểu được điều này, con hắc tinh tinh không cần đến một ngày. Và khi nhận được món “thù lao” đầu tiên, hắc tinh tinh ta gọi một nhân viên đến và từ thiết bị tổng hợp tiếng di động vẳng lên tiếng nói: “Xin hãy mua cho tôi một cái bánh rán”. Còn vào những hôm trời nóng nực thì hắc tinh tinh bộc lộ một nguyện vọng mới: “Tôi muốn mua bồn tắm”.

Các nhà sinh học đã phát hiện ra trong não của hắc tinh tinh có một khu vực phụ trách về ngôn ngữ giống với khu vực có ở con người. Cái mà con vật gần gũi với chúng ta không có được là bộ máy phát âm. Để bù cho khiếm khuyết đó, người ta tạo cho loài hắc tinh tinh thiết bị tổng hợp tiếng nói. Rất có thể mai đây liệu pháp gene sẽ khắc phục được thiếu sót đó và con hắc tinh tinh sẽ cất tiếng nói như con người.

Không chỉ hắc tinh tinh mới biết nói tiếng người. Con hải cẩu Guvec hầu như từ khi lọt lòng mẹ, sống trong bể nuôi cá của thành phố Boston, đã biết chào mừng khách đến thăm bằng những từ: “How do you do!”. Nó phát âm câu đó bằng một giọng trầm sâu. Thật ra vốn từ của nó còn rất ít ỏi, nhưng điều đó không cản trở nó thích ba hoa chích chòe với chính bản thân mình khi không có người đối thoại ở bên cạnh. Theo ý kiến của các nhà tâm lý học tộc người thì con hải cẩu này là con vật có vú đầu tiên biết nói sõi tiếng người.

Cách đây ít lâu, có một bài viết về con voi Batưa trong vườn bách thú Caragadin. Một buổi sáng, chị phụ trách khu chuồng thú khi đi ngang qua chuồng voi bỗng nghe thấy một giọng nam khàn: “Cho Batưa uống nước!”. Chị ta nhìn xung quanh không thấy một ai. Chị đi được mấy bước lại nghe thấy vẫn cái giọng ấy: “Batưa uống!”. Té ra là chính con voi đã nói.

Trong những trường hợp hãn hữu, rất hãn hữu, mèo cũng biết nói. Một con mèo tên là Manica sống lâu năm trong gia đình ông Goocbôpxki là một ví dụ. Trong thời gian gần đây, hằng sáng, một giọng nữ véo von phát ra từ hành lang đánh thức cả nhà: “Dậy đi, dậy đi!”. Ngoài hành lang không một bóng người, chỉ có mỗi con mèo Manica ngồi trên tấm thảm nhỏ và nhìn mọi người với vẻ thờ ơ, dường như không có chuyện gì xảy ra cả. Thì ra những từ “Dậy đi! Dậy đi!” đã được con mèo học lỏm được ở bà mẹ vợ chủ nhân khi nó sống ở nhà bà. Sáng nào bà cũng dậy sớm và đánh thức chồng bằng câu “Dậy đi! Dậy đi!”.

Một con mèo Nga khác mang tên “Tướng Đônxcôi” cũng nói được tiếng người. Bà Vacvara Ivanôp, chủ nhân của nó, kể lại: Cách đây 10 năm, “Tướng Đônxcôi” bỗng nhiên nói được. Lần ấy bà Vacvara chuẩn bị đi nghỉ phép năm và vội vàng nhét con mèo vào trong cái lẵng để mang theo. Mèo ta bị đau và không thích bị nhốt nên kháng cự lại. Rồi bỗng nhiên nó phát âm khá sõi: “Liệu có thể nhẹ nhàng hơn được không?”. Nó đã nói như vậy và bà Vacvara suýt nữa thì ngất xỉu.

O.Đôpchencô, giáo sư tâm lý của Đại học Tổng hợp Matxcơva (MGU), người chuyên nghiên cứu hành vi của súc vật, đã nhiều giờ tiếp xúc với con mèo này và kể lại: “Thoạt tiên tôi rất hoài nghi câu chuyện về con mèo biết nói đó. Nhưng bây giờ tôi tin rằng quả là con mèo đã nói được và thậm chí trong một chừng mực nhất định, nó có thể giao tiếp với con người”.

Trung tâm ngôn ngữ” vốn có ở con người và con hắc tinh tinh, có thể rồi đây sẽ được tìm thấy ở loài mèo. Loài chim không có “trung tâm” đó nhưng vẫn nói được. Thậm chí nhiều khi nó nói rành rọt và “có suy nghĩ hơn” loài động vật bốn chân.

Khi những con vẹt biết nói đầu tiên của Ấn Độ xuất hiện ở La Mã thì hiện tượng này đã khiến tất cả mọi người ngạc nhiên. Trong giới khá giả, người ta đã dạy cho vẹt nói được một từ vốn thân thiết với mỗi người quý tộc La Mã: “Xêda”.

Dần dà ở châu Âu, người ta đã quên đi con vẹt biết nói. Ký ức về nó chỉ còn lưu lại trong các chuyện cổ tích cho trẻ em. Nhưng vào những năm 70 của thế kỷ trước, một con vẹt biết nói được đưa vào nước Đức. Đối với loài chim này, có lẽ 20 thế kỷ đã trôi qua không phải là vô ích. Bởi lẽ bây giờ con vẹt có thể học thuộc không phải một mà là cả chục từ. Ngày nay trong bộ nhớ của con vẹt có đến 50-60 từ có nghĩa. Nhưng đấy là đối với loài chim có năng khiếu trung bình. Còn nếu nói đến những con chim có biệt tài thì vốn từ của nó lên tới 500-600 từ.

Nếu các nhà nghiên cứu chỉ mới hy vọng dạy cho con hắc tinh tinh cách sử dụng từ để giao tiếp với nhau thì một số loài chim từ lâu đã làm được điều đó. Một nhà nghiên cứu người Đức đã dạy con quạ Vôtan khi nghe thấy từ “côm” (tiếng Đức nghĩa là “lại đây”) thì đến gần cửa sổ để nhận thức ăn. Sau đó, khi con quạ ve vãn bạn tình của nó, nó gọi “nàng” đến chỗ miếng mồi ngon không phải bằng thứ âm thanh quy ước của họ nhà quạ, mà bằng từ “côm” học được của con người.

Một đôi quạ khác được nuôi trong chiếc lồng cạnh đấy cũng bắt đầu dùng từ này trong giao tiếp của chúng. Khi con quạ đực bay ra khỏi lồng thì cô bạn gái của nó là nàng quạ Đôra bắt đầu lo lắng và cất tiếng gọi “côm” cho đến lúc quạ đực quay trở về. Quạ đực ta cũng xử sự như vậy. “Côm, Đôra, côm” - nó cất tiếng gọi và Đôra liền chui vào lồng với nó.

Nếu như vốn từ của các con chim biết nói sẽ gia tăng theo tốc độ như nó đang diễn ra hiện nay thì qua chừng 100 năm nữa, chim biết nói sẽ trở thành những sinh vật mà con người có thể chuyện trò về các vấn đề khác nhau.

Khi vô tuyến và báo chí đưa tin về những con hắc tinh tinh biết nói thì một sự sôi động chưa từng thấy đã dấy lên giữa những người bảo vệ quyền lợi của loài vật. Người ta ngày càng đòi hỏi phải phổ biến Hiến chương nhân quyền sang cả những con vật có hình người. Bởi lẽ chúng cũng là “những sinh vật biết suy nghĩ”.

Theo Vnexpress
  • 3.114