Nguyên nhân gây đau cứng khớp buổi sáng và cách đối phó

  •  
  • 163

Khi thức dậy với cảm giác đau cứng khớp buổi sáng bạn có thể đổ lỗi cho tuổi tác, đệm không đủ tốt, giấc ngủ không ngon,... nhưng đằng sau cảm giác cứng đơ và đau nhức khớp đó có thể là một bệnh lý nghiêm trọng hơn bạn nghĩ, đặc biệt nếu điều này thường xuyên xảy ra.

Dưới đây là những thông tin về nguyên nhân gây đau cứng khớp buổi sáng cũng như cách đối phó với tình trạng cứng khớp và đau nhức mà bạn có thể tham khảo.

1. Nguyên nhân gây đau cứng khớp buổi sáng

Có nhiều nguyên nhân gây đau cứng khớp buổi sáng, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:

1.1. Hiện tượng gel (Gel Phenomonon) không viêm

Các khớp của bạn có một chất bôi trơn tự nhiên được gọi là chất lỏng hoạt dịch (là một siêu lọc từ huyết tương, và chứa các protein có nguồn gốc từ huyết tương và protein được sản xuất bởi các tế bào trong các mô khớp).

Chất lỏng nhớt này lấp đầy khoảng trống giữa các xương. Chất lỏng hoạt dịch cho phép bạn thực hiện chuyển động trơn tru ở đầu gối, khuỷu tay và các khớp khác. Bạn càng di chuyển nhiều, chất lỏng này càng được lưu thông trong các khớp của bạn giúp giữ cho mọi thứ chuyển động trơn tru.

Tuy nhiên khi bạn nằm ngủ trong một thời gian dài, sự lưu thông này bị giảm xuống và được gọi là "morning gel" - chất lỏng hoạt dịch đặc lại khiến bạn có cảm giác cứng khớp buổi sáng hơn. Nhưng may mắn là hiện tượng cứng khớp sẽ giảm dần và biến mất khi bạn di chuyển và vận động trở lại.

 Đau cứng khớp buổi sáng là hiện tượng thường gặp.
Đau cứng khớp buổi sáng là hiện tượng thường gặp. (Ảnh: Internet).

1.2. Viêm khớp

Hiện tượng cứng khớp buổi sáng cũng có thể gặp ở người mắc bệnh viêm khớp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp hay viêm xương khớp. Tùy thuộc vào loại viêm khớp mà bạn gặp phải, các triệu chứng kèm theo sẽ có sự khác biệt, chẳng hạn:

  • Ở bệnh viêm khớp dạng thấp, cứng khớp buổi sáng có thể kéo dài trên một giờ hoặc tới vài giờ
  • Với người bệnh viêm khớp vảy nến, cứng khớp và đau nhức vào buổi sáng thường nghiêm trọng hơn và triệu chứng kéo dài trên 30 phút.
  • Với bệnh viêm khớp hoặc một tình trạng cơ xương khớp không viêm khác thì hiện tượng cứng khớp buổi sáng sẽ biến mất trong vòng nửa giờ hoặc ít hơn sau khi thức dậy.
  • Cứng khớp buổi sáng là triệu chứng phổ biến nhất của viêm cột sống dính khớp, chủ yếu ảnh hưởng đến cột sống , hông và đầu gối. Việc ngủ một thời gian quá dài trên 8 tiếng chẳng hạn, có thể khiến tình trạng đau cứng khớp trở nên tồi tệ hơn.

1.3. Cortisol thấp

Một số nhà nghiên cứu cho rằng cứng khớp buổi sáng có thể liên quan đến sự dao động hormone trong cơ thể trong chu kỳ 24 giờ. Người ta cho rằng một số tình trạng khiến một người có nồng độ hormone cortisol vào ban đêm thấp. Lượng cortisol thấp qua đêm khiến cơ thể bạn không thể ngăn chặn các tế bào được gọi là cytokine gây viêm, chẳng hạn như interleukin-6.

Tình trạng viêm nhiều hơn góp phần gây ra các triệu chứng viêm khớp như đau và cứng khớp buổi sáng, đặc biệt đối với những người bị viêm khớp. Mức cortisol của bạn có xu hướng cao nhất (đạt đỉnh) vào buổi sáng. Khi ngày trôi qua, mức độ và tình trạng viêm giảm xuống, các triệu chứng viêm khớp của bạn cũng có thể dần dần thuyên giảm.

Ngoài các tình trạng có thể gây cứng khớp buổi sáng kể trên thì theo WebMD, có một số nguyên nhân có thể khiến bạn thức dậy với cảm giác đau cứng này là do lão hóa, bệnh tuyến giáp, thiếu vitamin D, đau cơ xơ hóa, béo phì.

2. Đối phó với tình trạng cứng khớp buổi sáng

Bạn có thể kiểm soát tình trạng cứng khớp buổi sáng bằng thuốc, thay đổi thói quen hàng ngày hoặc thói quen sinh hoạt.

2.1. Thuốc

Thuốc có thể làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp như cứng khớp buổi sáng. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc naproxen có sẵn không cần kê đơn để điều trị chứng đau và viêm khớp.

Thuốc bôi cũng có thể hiệu quả trong trường hợp bị đau cứng khớp buổi sáng. Các loại thuốc bôi tại chỗ bao gồm capsaicin từ ớt cay và những chất như tinh dầu bạc hà hoặc long não, khiến da bạn có cảm giác mát hoặc ấm nóng. Các loại thuốc bôi khác bao gồm salicylat, có chứa chất giảm đau tương tự như aspirin và các loại kem bôi gây tê như lidocain.

Một số thuốc bôi tại chỗ mạnh hơn như NSAID thì cần có chỉ định và kê đơn từ bác sĩ.

Xoa kem hoặc gel bôi lên vùng da xung quanh các khớp cứng như bàn tay, ngón tay hoặc đầu gối. Bạn có thể cần sử dụng một số loại thuốc bôi nhiều lần trong ngày hoặc trong vài tuần để cảm thấy dễ chịu.

Thuốc có thể giúp giảm đau cứng khớp.
Thuốc có thể giúp giảm đau cứng khớp. (Ảnh: Internet).

Bạn cũng có thể đối phó với chứng cứng khớp vào buổi sáng do viêm khớp bằng cách:

  • Sử dụng băng gối hoặc nẹp khi ngủ
  • Giữ ấm bằng cách sử dụng chăn điện, đệm sưởi hoặc tăng nhiệt độ phòng, đặc biệt là vào mùa lạnh
  • Thực hiện các bài tập giãn cơ giúp cơ thể thư giãn trước khi ra khỏi giường
  • Tắm nước nóng vào buổi sáng có thể giúp thư giãn các khớp và cơ bắp
  • Hạn chế căng thẳng trước khi ngủ.

2.2. Thay đổi lối sống

Một vài thay đổi trong lối sống và sinh hoạt cũng góp phần giúp giảm chứng cứng khớp buổi sáng, cụ thể:

  • Tập thể dục nhẹ nhàng với các bài tập giãn cơ khớp hàng ngày giúp nới lỏng các khớp cứng và cải thiện phạm vi chuyển động của bạn. Đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội là các bài tập bạn có thể tham khảo; hoặc thái cực quyền có thể giúp các khớp của bạn linh hoạt hơn.
  • Kiểm soát căng thẳng bằng các kĩ thuật thở sâu, yoga, thiền có thể hữu ích để giảm bớt chứng cứng khớp buổi sáng do căng thẳng.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên trái cây và rau xanh, giảm chất béo từ đồ chiên rán, mỡ động vật. Đồng thời tăng cường ăn thực phẩm chứa axit béo omega-3 và chất chống oxy hóa đã được chứng minh là có tác dụng giảm viêm trong cơ thể.
  • Ngủ đủ giấc cũng giúp kiểm soát nhận thức của bạn về cơn đau tốt hơn.

2.3. Nhiệt

Những phương pháp điều trị sử dụng nhiệt có thể giúp tăng cường lưu thông máu tới các khớp đang bị cứng bao gồm:

  • Tắm nước nóng hoặc ngâm mình trong bồn nước ấm
  • Chườm vùng bị cứng khớp bằng các miếng dán hoặc miếng chườm ấm,...

2.4. Thăm khám bác sĩ

Một trong những chiến lược quan trọng để kiểm soát chứng cứng khớp buổi sáng chính là chú ý tới mức độ cơn đau, tần suất cơn đau, các triệu chứng bất thường liên quan,... Nếu tình trạng cứng khớp buổi sáng thường xuyên diễn ra, đặc biệt kéo dài trên 3 ngày liên tiếp, hãy nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được tư vấn phù hợp.

Bác sĩ có thể kiểm tra khớp của bạn, xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm dịch khớp để kiểm tra tình trạng viêm. Kết quả sẽ giúp xác định nguyên nhân gây cứng khớp buổi sáng và giúp bác sĩ tìm ra phương pháp điều trị phù hợp cho bạn.

Cập nhật: 28/11/2023 PNVN
  • 163