Lý giải khoa học về cảm giác bồn chồn khi yêu

  •  
  • 1.419

Đã bao giờ bạn để ý mỗi khi rơi vào lưới tình, bạn thường cảm thấy nôn nao, bồn chồn "tim đập chân run"?

Các nhà khoa học đã cố gắng giải thích hiện tượng tâm lý này, thường được gọi là hiệu ứng "butterflies in the stomach", tức cảm giác nôn nao, rạo rực ở phần bụng dưới, tựa như hàng ngàn con bướm lấp lánh đang đập cánh khi bạn gặp người ấy.

Bạn có thể cho rằng tình yêu chân thật khác hoàn toàn với niềm say mê nhất thời và ham muốn. Nhưng các chuyên gia tâm lý học tin rằng không có sự tách rời giữa hai điều trên, sự đam mê và ham muốn chính là dấu hiệu cho thấy bạn thực sự đã rơi vào lưới tình. Sự ham muốn này càng dâng cao thì cơ thể chúng ta càng phản ứng mạnh mẽ, khi đó, cơ thể chúng ta cảm thấy bồn chồn, nôn nao trong lòng.

Cảm giác khi yêu

Hiện tượng này là những dự cảm về một tình yêu sắp đến và người đang đứng trước mặt chính là người mà bạn đang kiếm tìm. Tuy nhiên, lưu ý là không phải ai cũng có phản ứng giống nhau và trong một số trường hợp, phản ứng này chỉ là cảm giác chóng qua.

Giải thích trường hợp này, bác sĩ tâm lý Daniel Amen – tác giả của cuốn sách Change Your Brain, Change Your Life (tạm dịch: Thay đổi tâm trí, thay đổi cuộc sống) chia sẻ: "Yêu – hay đúng hơn là ham muốn – kích hoạt những trung tâm khoái cảm nằm trong vùng hạch nền gây ra phản ứng sinh lý ngay lập tức. Tim đập nhanh, tay lạnh toát mồ hôi, dạ dày cảm thấy rạo rực và bạn thì đang dồn sự tập trung vào người đó".

Ông còn cho biết: "Bộ não cảm xúc hoặc thần kinh sẽ kích hoạt dây thần kinh phế vị đi từ não đến ruột của con người. Do đó, khi bạn lo lắng hoặc phấn khích, dây thần kinh này sẽ kích thích dạ dày của bạn".

Ngoài ra, hiệu ứng bồn chồn, nôn nao còn là động lực để bạn đấu tranh vì tình yêu của mình. Theo đó, một vùng trong não được gọi là mạng cingulo-opercular – hệ thống mạng bao gồm các khu vực được liên kết bởi các bó thần kinh tại vùng trung tâm não bộ, liên quan đến việc tạo cảm giác động lực và có thể kích hoạt trong giai đoạn đầu của một mối quan hệ. Biểu hiện của sự kích thích này là cảm giác nôn nao, hồi hộp – thể hiện bạn đang căng thẳng và khiến bạn thôi thúc hành động nếu không muốn lỡ mất cơ hội.

Ngoài đỏ mặt và nhịp tim tăng, mỗi khi ở gần người ấy, bộ não chúng ta sẽ giải phóng các chất hóa học mạnh, điển hình là chất dopamine. Đây là chất dẫn truyền dây thần kinh trong bộ não. Nồng độ chất này sẽ tăng lên khi bạn cảm thấy bị hấp dẫn bởi điều gì đó và khiến bạn rơi vào trạng thái phấn khích và tập trung cao độ.

Bên cạnh đó, các chất khác như Serotonin (chất dẫn truyền thần kinh Monoamine trong hệ tiêu hóa và thần kinh trung ương), Norepinephrine (hóa chất hữu cơ hoạt động như một hormone trong não), Oxytocin (hormone tình yêu được sản xuất ra khi con người đạt cực khoái và chi phối hoạt động của não bộ)… cũng ảnh hưởng đến mức độ lo lắng hay thoải mái về tinh thần của bạn.

Cập nhật: 13/09/2020 Theo VnReview
  • 1.419