Mã nguồn mở ngày càng 'đe dọa' Microsoft

  •  
  • 98

Tranh chấp sở hữu trí tuệ là một biện pháp cạnh tranh quen thuộc trong thị trường công nghệ và Microsoft có lẽ là hãng sử dụng biện pháp này thường xuyên hơn cả. Nhưng liệu đây có còn là giải pháp có lợi cho họ?

Phần mềm mã nguồn mở lên ngôi

Lời buộc tội mà ông Ballmer dành cho Red Hat hôm 4/10 vừa qua lại "đổ thêm dầu" vào cuộc đối đầu nảy lửa giữa hãng phần mềm lớn nhất thế giới với cộng đồng mã nguồn mở.

Nhiều quan sát đồng tình rằng thực ra Redmond chỉ đang cố gắng gây áp lực, buộc các hãng công nghệ khác đàm phán về một mức phí sử dụng bản quyền nào đó.

Thực ra tuyên bố của ông Ballmer hầu như không gây ngạc nhiên vì Microsoft là hãng “giàu truyền thống” sử dụng bản quyền công nghệ để cạnh tranh. Họ từng tuyên bố Linux đã vi phạm tổng cộng 235 bản quyền công nghệ của hãng.

Trước đó, vào tháng 6/2002, Gary Campbell - Người sau này trở thành Phó chủ tịch kiến trúc chiến lược của HP - đã cảnh báo cộng đồng mã nguồn mở, đặc biệt là cộng đồng Linux về nguy cơ xảy ra “chiến tranh pháp lý” với Microsoft.

Microsoft nên tạm bắt tay với... phần mềm lậu?! (Hình minh họa).

Tháng 11/2005, OIN (Open Invention Network) được thành lập để đại diện cho các hãng công nghệ lớn chiến đấu bảo vệ Linux trước sức ép từ Microsoft. Hồi tháng 8, “người khổng lồ tìm kiếm” Google cũng đã chính thức gia nhập liên minh này. Cuộc chiến đang ngày càng bất lợi cho Microsoft.

Ở châu Âu, Windows thống trị thị trường hệ điều hành với trên 90% thị phần. Ở châu Á, hệ điều hành này cũng phổ biến không kém, nhưng điểm khác biệt là hầu hết người sử dụng Windows không mua bản quyền.

Nguyên nhân đã quá rõ ràng: mức thu nhập của người dân châu Á (trừ một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,…) chưa thể theo kịp giá phần mềm của Microsoft. Do đó, họ chỉ có hai lựa chọn: phần mềm lậu hoặc phần mềm mã nguồn mở.

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng ủng hộ phần mềm mã nguồn mở, coi đó là giải pháp thiết thực giúp các quốc gia đang phát triển hội nhập với thế giới mà không phải lo lắng về những khoản đầu tư khổng lồ cho phần mềm có bản quyền.

Giải pháp nào cho Microsoft?

Ở thị trường các nước đang phát triển, Microsoft hiện chỉ còn có một lợi thế duy nhất: người dân còn quan niệm rằng phần mềm mã nguồn mở rất khó dùng (do tâm lý ngại chuyển sang phần mềm mới).

Microsoft đương nhiên là không thể khoanh tay nhìn thị phần bị thu hẹp. Một mặt, họ tiến hành “chiến tranh pháp lý” với cộng đồng mã nguồn mở; mặt khác, họ tích cực chống phần mềm lậu. Nhưng cuối cùng, họ lại đang tự trói chân mình, còn Linux và cộng đồng mã nguồn mở thì vẫn cứ ngày một lớn mạnh.

Henry Chesbrough - Giám đốc Điều hành Trung tâm Phát minh Mở tại Viện Kinh tế Haas, đại học Berkely – trong một bài báo đăng trên BusinessWeek đã lập luận rằng lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Linux so với Windows chính là giá cả.

Do đó, thay vì cùng lúc chiến đấu trên hai mặt trận, Microsoft hoàn toàn có thể tạm “lờ” vấn đề bản quyền đi để củng cố địa vị thống trị của Windows tại thị trường đầy tiềm năng này. Nếu Microsoft bỗng nhiên “phát không” Windows thì chắc chắn Linux sẽ gặp không ít khó khăn.

Phần mềm mã nguồn mở đang dần trở thành một giải pháp chiến lược cho các quốc gia đang phát triển hội nhập với thế giới. Microsoft sẽ không thể nào cùng một lúc ngăn chặn cả Linux lẫn nạn vi phạm bản quyền phần mềm.

Đông Quang

Theo Tiền Phong
  • 98