Mách bạn cách chữa run tay khi hồi hộp không cần dùng thuốc

  •  
  • 1.496

Những khi bị stress, lo lắng hay hồi hộp, bạn có thể thấy tim đập nhanh hơn, cơ thể đổ mồ hôi và đôi tay bắt đầu run rẩy… Đây là dấu hiệu cảnh báo cho thấy hoạt động dẫn truyền của các tế bào thần kinh vùng vận động đang bị tổn thương hoặc rối loạn, bạn cần phải tìm cách chữa trị run tay sớm trước khi chuyển biến thành bệnh khó trị!

Vẫn biết stress là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày, song nếu bạn không kiểm soát tốt thì có thể sẽ dẫn đến chứng run tay khi hồi hộp, căng thẳng, mệt mỏi, thiếu ngủ…. Run tay ở trong trường hợp này thường gặp ở người trẻ tuổi (thanh niên), phụ nữ sau sinh hoặc phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh. Bệnh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống nếu không điều trị sớm.

Tại sao bạn bị run tay khi hồi hộp?

Cảm giác hồi hộp chính là một phản ứng tự nhiên của hệ thần kinh khi nhận thức rằng bạn đang ở trong một trường hợp nguy hiểm. Khi đó, hormone adrenalin trong máu sẽ tăng cao, nhịp tim nhanh hơn, hơi thở gấp gáp và cơ bắp cũng căng ra sẵn sàng để “chiến đấu” hoặc “chạy trốn”.

Thực tế, đôi khi tình huống bạn gặp không nguy hiểm tới mức cần “trốn chạy” hoặc “chiến đấu” nhưng lượng adrenalin vẫn tiếp tục tăng cao trong cơ thể. Tuy khoa học đã chứng minh đây là trạng thái tâm lý bình thường, song nếu bạn không kiểm soát thì chứng run tay khi hồi hộp sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Nếu ngay cả trong trường hợp bạn thấy hoàn toàn bình thường mà vẫn bị run tay thì không thể xem nhẹ nữa rồi.

Nguy cơ trở nặng của chứng run tay khi hồi hộp

Càng lo lắng và căng thẳng, đôi tay lại càng run hơn.
Càng lo lắng và căng thẳng, đôi tay lại càng run hơn.

Những khi bị căng thẳng, bạn sẽ có xu hướng tự áp đặt suy nghĩ phải kiềm chế cơn run tay: “Mình sẽ ổn, không ai để ý đến đôi tay của mình đâu, không có gì phải lo lắng cả!”. Tuy nhiên, chính điều này lại càng làm bạn tập trung vào sự lo lắng của mình khiến đôi tay lại càng run mạnh hơn.

Theo thời gian, chứng run tay khi hồi hộp dễ bị lặp lại và lần sau thường nghiêm trọng hơn lần trước. Khi hệ thần kinh đã quen với những phản xạ có điều kiện, chứng run tay diễn ra thường xuyên và trở nặng nên càng khó trị hơn.

Làm sao để đôi tay bạn có thể ngừng run?

Vì run tay khi hồi hộp là do tâm lý bất ổn nên nếu bạn có thể kiểm soát stress và giảm thiểu lo lắng thì triệu chứng run tay sẽ dần biến mất. Hãy cố gắng điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ tích cực và bình tĩnh khi gặp phải tình huống xấu.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên đến bệnh viện để kiểm sức khỏe. Nếu chứng run tay khi hồi hộp trở nên trầm trọng, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc làm giảm căng thẳng như thuốc chẹn beta (propranolol) và thuốc giãn cơ (benzodiazepine).

Tuy nhiên, các thuốc Tây y cũng chỉ có tác dụng làm giảm run tạm thời và dùng lâu dài có thể gây lệ thuộc và nhiều phản ứng phụ khác. Đây chính là lý do tại sao bạn nên áp dụng cách chữa run tay khi hồi hộp không cần dùng thuốc để ngăn ngừa chứng này tiến triển nặng hơn.

Cách chữa run tay khi hồi hộp không cần dùng thuốc

Để trị chứng run tay khi hồi hộp hiệu quả mà không cần dùng thuốc, bạn có thể áp dụng cách chữa tạm thời và lâu dài theo những lời khuyên sau đây.

Cách chữa tạm thời chứng run tay khi hồi hộp

Kỹ thuật hít thở sâu khi ngồi thiền giúp bạn giảm run tay.
Kỹ thuật hít thở sâu khi ngồi thiền giúp bạn giảm run tay.

  • 1. Hít thở sâu: Khi bị run tay, bạn nên nằm hoặc ngồi một vị trí thoải mái, đặt tay lên bụng, sau đó hít một hơi thật sâu qua mũi. Bạn hãy giữ hơi thở trong vòng 3 giây, sau đó thở ra từ từ, nhẹ nhàng qua miệng. Bạn tiếp tục hít thở sâu như vậy trong 5 – 10 phút và duy trì thường xuyên mỗi ngày.
  • 2. Ngồi thiền: Bạn nên tìm một nơi thoáng đãng và ngồi thiền khoảng 1 phút. Bạn hãy giữ tâm trí tập trung vào hơi thở để xua tan mọi lo lắng và làm dịu cảm xúc hồi hộp để giảm run tay.
  • 3. Ra ngoài đi dạo: Bất cứ khi nào bạn cảm thấy căng thẳng, hãy đi ra khỏi nơi đông người và rảo bước thật nhanh về phía trước. Bạn nên tìm đến không gian thoáng đãng và gần gũi thiên nhiên như công viên, bãi biển…

Các cách chữa run tay khi hồi hộp tạm thời có thể giúp bạn giảm triệu chứng run ở thời điểm đang bị hồi hộp, lo lắng hay căng thẳng. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải áp dụng cả cách chữa trị lâu dài thì mới có thể chữa trị dứt điểm và ngăn ngừa nguy cơ chuyển biến nặng hơn.

Cách chữa lâu dài chứng run tay khi hồi hộp

Chế độ dinh dưỡng của người run tay cần bổ sung thêm magie và omega-3.
Chế độ dinh dưỡng của người run tay cần bổ sung thêm magie và omega-3.

Giải pháp dài hạn trị chứng run tay khi hồi hộp đòi hỏi bạn phải quyết tâm và kiên trì thực hiện mỗi ngày mới có thể cải thiện chức năng hệ thần kinh.

1. Bổ sung thêm magie và omega-3

Chế độ dinh dưỡng của người bị run tay khi hồi hộp cần bổ sung thêm thực phẩm giàu magie và omega-3.

Tình trạng thiếu hụt magie có thể gây ức chế sự dẫn truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh. Vì thế, bạn hãy tăng cường magie để giúp thư giãn thần kinh, cải thiện tâm trạng và cảm xúc. Bạn có thể ăn nhiều các thực phẩm giàu magie như chocolate đen, rau bina, rau diếp, chuối, mơ, hạnh nhân, óc chó, đậu nành, gạo lứt, hạt bí…

Bên cạnh đó, bạn cũng nên dùng thêm thực phẩm giàu omega-3 có trong hạt lanh, hạt chia, quả óc chó, cá mòi, cá hồi, bắp cải Brussels, dầu canola…

2. Vận động thể chất

Đối với người bị run tay khi hồi hộp, yoga là bài tập thư giãn phù hợp nhất để có thể cân bằng sự bất ổn về tâm lý khi vận động thể chất. Sự kết hợp của 3 yếu tố tư thế vận động, ngồi thiền và luyện tập hít thở sâu trong yoga sẽ rất tốt cho tinh thần và cơ thể. Yoga sẽ cải thiện tình trạng run tay chân khi căng thẳng, giảm mức cortisol, tăng cường chức năng miễn dịch cho cơ thể.

Nếu bạn không muốn tập yoga, bạn có thể thay thế bằng các bài tập làm giảm run khác như đi bộ, chạy bộ, bơi lội…

Bạn nên tập thói quen đi bộ trần trên đất ẩm ướt, cỏ mềm hoặc bãi cát mỗi ngày khoảng 30 phút sẽ rất có lợi cho hệ thống thần kinh. Việc tiếp xúc nhiều với mặt đất sẽ giúp cải thiện khả năng tuần hoàn, điều hòa nhịp tim, ngăn ngừa viêm, cải thiện giấc ngủ, cân bằng hệ thống thần kinh thực vật, giảm căng thẳng.

Cập nhật: 06/08/2019 Theo hellobacsi
  • 1.496