Mảnh vỡ thiên thể bị tàu NASA đâm có thể tới Trái đất

  •  
  • 106

Những mảnh vỡ văng ra trong thử nghiệm va chạm giữa tàu NASA với tiểu hành tinh Dimorphos có thể tới Trái đất, trở thành mưa sao băng nhân tạo.


Khoảnh khắc tàu vũ trụ DART đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos. (Video: NASA)

Ngày 26/9/2022, Tàu Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) của NASA đâm vào tiểu hành tinh nhỏ Dimorphos, giúp kiểm chứng phương pháp va chạm động lực học - chiến lược phòng thủ hành tinh bằng cách làm chệch hướng các thiên thể có khả năng gây nguy hiểm. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có thể tạo ra những mảnh vỡ bay tới Trái đất và thiên thể khác.

Trong nghiên cứu mới trên tạp chí The Planetary Science, nhóm nhà khoa học quốc tế dẫn đầu bởi tiến sĩ Eloy Pena-Asensio tại Viện Bách khoa Milan phát hiện, DART mang đến cơ hội quan sát cách các mảnh vỡ có thể bay đến Trái đất và sao Hỏa dưới dạng thiên thạch. Sau khi tiến hành một chuỗi mô phỏng động, họ kết luận rằng vật chất bắn ra từ Dimorphos có thể tới sao Hỏa và hệ thống Trái đất - Mặt trăng trong khoảng một thập kỷ nữa, Science Alert hôm 23/8 đưa tin.

Pena-Asensio cùng đồng nghiệp sử dụng dữ liệu thu được từ LICIACube, vệ tinh bay cùng DART và chứng kiến thử nghiệm va chạm động lực học. Dữ liệu này cho phép nhóm nghiên cứu giới hạn các điều kiện ban đầu của vật chất bắn ra, bao gồm quỹ đạo và vận tốc - dao động từ vài chục mét đến 500m mỗi giây. Sau đó, nhóm nghiên cứu sử dụng các siêu máy tính tại Cơ sở Thông tin Phụ trợ và Điều hướng (NAIF) của NASA để mô phỏng những gì sẽ xảy ra với chúng. Những mô phỏng này theo dõi 3 triệu hạt sinh ra từ vụ va chạm của DART với Dimorphos.

Tàu Dart của NASA đã đâm vào tiểu hành tinh nhỏ Dimorphos.
Tàu Dart của NASA đã đâm vào tiểu hành tinh nhỏ Dimorphos.

"LICIACube cung cấp dữ liệu quan trọng về hình dạng và hướng của vật chất bắn ra ngay sau vụ va chạm. Trong mô phỏng của chúng tôi, các hạt có kích thước từ 10cm đến 30 micromet. 30 micromet là kích thước nhỏ nhất để hạt trở thành thiên thạch quan sát được trên Trái đất với công nghệ hiện nay. Trong khi đó, giới hạn 10cm được thiết lập do chỉ quan sát được các mảnh vỡ có kích thước cm bắn ra", Pena-Asensio cho biết.

Kết quả chỉ ra, một số hạt sẽ đến Trái đất và sao Hỏa trong vòng một thập kỷ hoặc hơn, tùy vào tốc độ di chuyển của chúng sau vụ va chạm. Ví dụ, các hạt văng ra với vận tốc dưới 500 m/giây có thể đến sao Hỏa trong khoảng 13 năm, các hạt văng ra với vận tốc hơn 1,5 km/giây có thể đến Trái đất chỉ trong 7 năm.

Tuy nhiên, mô phỏng của nhóm cũng cho thấy, có thể mất đến 30 năm trước khi những hạt vật chất này được quan sát trên Trái đất. Theo Pena-Asensio, những hạt di chuyển nhanh hơn được cho là quá nhỏ để tạo ra thiên thạch có thể nhìn thấy được.

"Các chiến dịch quan sát thiên thạch hiện nay đóng vai trò then chốt giúp xác định liệu DART có tạo ra một trận mưa sao băng nhân tạo mới hay không. Trong khi đó, các chiến dịch quan sát thiên thạch trong những thập kỷ tới sẽ cung cấp kết quả cuối cùng. Nếu những mảnh vỡ từ Dimorphos bay đến Trái đất, chúng cũng không gây nguy hiểm. Kích thước nhỏ và tốc độ cao sẽ khiến chúng tan rã trong khí quyển, tạo ra vệt sáng đẹp mắt trên bầu trời", Pena-Asensio nói.

Cập nhật: 27/08/2024 VnExpress
  • 106