Mặt sáng của P2P

  •  
  • 714

Bất chấp những tranh cãi về mặt pháp lý trong lĩnh vực bản quyền âm nhạc trực tuyến, công nghệ mạng ngang hàng (P2P) vẫn có rất nhiều giá trị thực tiễn không thể phủ nhận.

Bạn hãy tưởng tượng một hệ thống lưu trữ thông tin lý tưởng dành cho toàn cầu. Hệ thống có thể nhanh chóng xác định và gửi đi một tệp tin (có thể dung lượng rất lớn) trong số hàng triệu tệp tin tới bất cứ đâu trên thế giới. Để đảm bảo được tính năng này, hệ thống có thể có khả năng tự cài đặt cấu hình, tự hồi phục sau sự cố chứ không theo cơ chế “kiểm soát từ trung tâm” như các hệ thống lưu trữ hiện đang phổ dụng. Ngoài ra, hệ thống còn phải bảo mật, hỗ trợ đồng thời hàng triệu người sử dụng, có khả năng “miễn dịch” trước các cuộc tấn công- cả tấn công vật lý và tấn công thông qua các phần mềm, đoạn mã nguy hại.

Đương nhiên, các nhà quản trị luôn “mơ” về một hệ thống như vậy, đặc biệt là khi mạng Internet ngày càng trở thành một nhân tố quan trọng quyết định thành công trong kinh doanh. Trên thực thế, hệ thống lý tưởng ấy thực chất đã và đang tồn tại dưới dạng các mạng chia sẻ ngang hàng (ví dụ eDonkey, KaZaA).

Công nghệ P2P đã được hàng triệu người mê nhạc số sử dụng để chia sẻ các tệp tin âm nhạc. Bản thân thực tế này lại đặt ra không ít vấn đề về bản quyền và đụng chạm đến quyền lợi của các công ty ghi đĩa. Ở Mỹ và châu Âu, nhiều công ty âm nhạc và phim ảnh đã vận động hành lang, gây sức ép với toà án để ra những phán quyết nhằm “xoá sổ” công nghệ P2P. Cách đây không lâu, nhóm các công ty “bị hại” thậm chí còn kiện lên Toà án tối cao Mỹ đòi các cá nhân sáng chế và phổ biến P2P phải bồi thường. Không dừng lại ở đó, một số quan chức Bộ Tư pháp Mỹ còn cho rằng việc sử dụng các mạng P2P là ủng hộ chủ nghĩa khủng bố! Công nghệ này cũng bị lên án là kênh phi pháp để phát tán các nội dung khiêu dâm trên mạng.

Đương nhiên P2P cũng có những mặt trái cần các phiện pháp để kiểm soát và hạn chế. Tuy nhiên, công nghệ này cũng có rất nhiều mặt được cần được thừa nhận. “Lý sự” rằng sức mạnh và tính bảo mật của Internet sẽ được cải thiện nhờ phần mềm đi kèm tình trạng đánh cắp bản quyền nghe có vẻ lạ, nhưng thực tế nhờ những đặc tính ưu việt và P2P đã tồn tại trong nhiều năm liền- bất chấp các cuộc tấn công vật lý, kỹ thuật và cả pháp lý.

P2P+nạn ăn cắp bản quyền nhạc số”- tiếng xấu lan tràn đã át đi thực tế công nghệ P2P đã được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực: từ phân phối nội dung, thực hiện các cuộc gọi trên nền Internet cho tới các ứng dụng lưu trữ và hỗ trợ tìm kiếm v.v… Công nghệ P2P là cách tiếp cận mới hỗ trợ việc xây dựng hệ thống điện toán mạnh, quy mô lớn.

Nhìn từ góc độ kỹ thuật, “peer-to-peer” chỉ khả năng tương tác trực tiếp giữa hai máy tính cùng cài đặt một phần mềm ứng dụng mà không phải thông qua các máy tính trung gian. Mô hình kết nối có thể khiến nhiều người liên tưởng tới mạng Internet, tuy nhiên P2P mang đặc thù riêng.

Ngược dòng thời gian, ban đầu mạng Internet được thiết kế theo mô hình phân tán (decentralized). Tuy nhiên càng ngày Internet càng biển đối theo hướng “một trục- nhiều que” (hub-and-spoke). Các máy tính cá nhân trong mạng lưới kết nối với máy chủ ở trung tâm để tiến hành các tác vụ như gửi/nhận email, duyệt web v.v… Mạng từng bao gồm nhiều máy tính ngang hàng, vừa sản xuất vừa tiêu thụ nội dung, nay không khác gì những chiếc tivi đón chờ tín hiệu từ trạm thu phát.

Sức mạnh của số đông

P2P kết nối trực tiếp các máy tính với nhau, và ngay sau khi nết nối, các máy tính cá nhân có thể thực thi những tác vụ mà chúng không thể thực hiện được khi đứng một mình. Hầu hết các hệ thống P2P cho phép người sử dụng chia sẻ tài nguyên, bao gồm cả khả năng xử lý, khả năng lưu trữ và băng thông. Trong trường hợp chia sẻ tệp tin âm nhạc, người sử dụng thực tế đã chia sẻ hệ thống các tệp tin mà qua đó, mọi đối tượng tham gia mạng đều có thể tải về các tệp tin âm nhạc mà mình yêu thích. Theo thống kê của CacheLogic (công ty dịch vụ P2P có trụ sở tại Anh), hơn 50% giao thông mạng xuất phát từ các ứng dụng chia sẻ ngang hàng. Trong khi đó công ty nghiên cứu Internet BigChampagne (rụ sở tại Beverly Hills, California) khẳng định có trên 10% nội dung chia sẻ ngang hàng là hợp pháp.

Hệ thống P2P hoạt động “xung” nhất, chiếm khoảng 35% giao thông mạng (theo CacheLogic), mang tên BitTorrent. Đây là dự án mã nguồn mở hoàn toàn miễn phí, hỗ trợ việc lưu trữ và truyền tải các tệp tin có dung lượng cực lớn. Bị lợi dụng trở thành công cụ chia sẻ các tệp tin âm nhạc một cách phi pháp, BitTorrent bù lại cũng là kênh truyền tải hỗ trợ rất lớn các công ty trong quá trình cung cấp các tệp tin dung lượng lớn tới người sử dụng (phim, game, các phềm mềm ứng dụng như hệ điều hành Linux…).

BitTorrent thành công một phần nhờ vào cách ứng dụng khuyến khích được người sử dụng sẵn sàng cho và nhận. Một thống kê được tiến hành năm 2000 về mạng P2P cho thấy gần 70% người sử dụng chưa từng chia sẻ tệp tin; ngoài ra gần một nửa số tệp tin có trong cơ sở dữ liệu chỉ do khoảng 1% người sử dụng đóng góp. Theo Bram Cohen (nhà sáng lập BitTorrent), hệ thống BitTorrent đã cơ bản giải quyết được khó khăn này thông qua cam kết ưu tiên tốc độ download của những thành viên tích cực tham gia đóng góp nội dung. Ngoài ra, BitTorrent sử dụng công nghệ swarming- công nghệ chia nhỏ các tệp tin ra thành nhiều gói nhỏ và lưu thông trong mạng. Ví dụ hai người sử dụng cùng tải chung một tệp tin vào cùng một thời điểm, họ có thể chia sẻ các gói tin con đã tải được để tăng tốc qua trình tải.

Tính hiệu quả của mạng P2P đã thúc đẩy không ít các sáng kiến nhằm hình thành các dịch vụ phân phối P2P hợp pháp. LionShare, trụ sở tại Đại học PennState, sử dụng chương trình P2P để khuyến khích hoạt động chia sẻ thông tin đào tạo trên toàn thế giới. Tiếp đến là Kontiki, ứng dụng được hãng thông tấn BBC nhận định là phương thức phân phối hiệu quả các chương trình trực tuyến. Kontiki đặt một phần các tệp tin dung lượng lớn trên các máy tính cá nhân thành viên trên toàn thế giới để tăng tốc quá trình chia sẻ. Tương tự, Red Swoosh vận hành một mạng P2P để chia sẻ nội dung hợp pháp, có bản quyền. “Tại sao chúng ta không thể biến công nghệ mà ngành công nghiệp giải trí đang e sợ thành một cái gì đó họ thực sự cần?”, Travis Kalanick- Chủ tịch Red Swoosh đặt vấn đề, “Vấn đề dường như rất phức tạp về mặt pháp lý nhưng thực chất lại rất đơn giản nếu chúng ta đi đúng hướng”.

Một trong số những tổ chức lệ thuộc vào P2P là Internet Archive- thư viện số hoạt động phi lợi nhuận do Brewster Kahle, chủ một doanh nghiệp có trụ sở tại San Francisco, là đồng sáng lập. Kho dữ liệu sử dụng tới 5 hệ thống P2P nhờ đó có thể phân phối cả âm thanh (audio) và hình ảnh động (video) mà không phải quá “lăn tăn” về vấn đề băng thông truyền tải. Theo ông Kahle, nếu không nhờ P2P, chỉ những công ty lớn có nguồn lực tài chính dồi dào mới có đủ kinh phí để phân phối dung lượng lớn audio và video trực tuyến.

Tuân theo hướng tiếp cận P2P giúp loại bỏ những yếu điểm cố hữu của mạng Internet. Cụ thể, sử dụng các ứng dụng như BitTorrent, nội dung càng được yêu cầu nhiều thì “chạy” về máy người sử dụng với tốc độ càng nhanh. Tuy nhiên một thực tế cần phải xem xét là P2P đa năng hơn nhiều một ứng dụng phân phối tệp tin thông thường. Rõ ràng, “ý tưởng P2P” đã biến đổi khá nhiều từ KaZaA sang Skype- dịch vụ thoại Internet sử dụng cấu trúc P2P. Groove Networks, một công ty khác, sử dụng hệ thống mô phỏng P2P để cung cấp khoảng không mạng cho việc điều phối các hoạt động trực tuyến. Đơn giản nhất, hệ thống của Groove Networks cho phép hai hay nhiều người có thể cùng chỉnh sửa một tệp tin. Hệ thống P2P cũng là giải pháp hiệu quả nhất để tiến hành dịch vụ sao lưu dự phòng các tệp tin trên nền Internet. Ngoài ra, bạn cũng có thể xây dựng các công cụ tìm kiếm (search engine), thông qua đó đưa ra đề xuất về những văn bản dựa trên các chỉ số nhận định từ phía người sử dụng (ví dụ Amazone đề xuất các cuốn sách hay dựa trên số lượng khách mua v.v…).

P2P là bước tiến hoá hoàn toàn tự nhiên và hoàn hảo của mạng Internet. Thực tế , P2P đã mang Internet trở lại nguyên bản- theo đúng ý tưởng của những người đầu tiên sáng lập ra Internet”, Ian Clarke- sáng lập viên mạng FreeNet (một mạng P2P yêu cầu giấu tên) khẳng định.

Ngay cả khi bàn đến xuất xứ ra đời của Internet là vì mục tiêu quân sự, quân đội Mỹ cũng đang nghiên cứu ứng dụng P2P trên chiến trường. Thay vì phân phối thông tin them mô hình cây (hierarchical), sẽ là hiệu quả hơn nếu các quân nhân chia sẻ thông tin qua mạng ngang hàng. Một số bộ đàm quân sự đã hoạt động theo cơ chế P2P: Bộ đàm sử dụng công nghệ tự cấu hình mang tên “Mesh Networking”- trong đó mỗi radio đều có thể đóng vai trò tiếp sóng và truyền tải tín hiệu tới các radio lân cận.

Cùng với xu thế phi tập trung hoá và chia sẻ nguồn tài nguyên, rất có thể bạn sẽ bị hút vào luồng suy nghĩ rằng mạng Internet đang trở thành một cộng đồng rộng lớn, hoà đồng. Tuy nhiên, giám đốc thông tin Huberman của Information Dynamics Lab (HP) phản biện: “P2P là một cấu trúc, cái mà chúng ta cần là một cơ chế thị trường”. Theo cơ chế này, người sử dụng P2P cần phải được bù đắp cho các vòng lặp điện toán, dung lượng lưu trữ cũng như băng thông mà họ chia sẻ. Công trình nghiên cứu của Huberman còn xây dựng hệ thống mang tên Tycoon có khả năng định lượng và “bán đấu giá” khả năng điện toán dư thừa ở các máy tính người sử dụng. Đặc tính này, theo Huberman, là vô cùng quan trọng để có thể phát triển P2P từ những ứng dụng mang tính “xung phong” thành những ứng dụng nghiêm túc được các công ty lớn lựa chọn.

Sức ép ngang hàng

Rõ ràng mối hiểm hoạ từ các vụ kiện pháp lý hiện vẫn đang là thách thức lớn nhất đối với các nỗ lực nhằm phổ biến P2P. Trong trường hợp của Napster, khi mạng chia sẻ âm nhạc ngang hàng vận hành từ năm 2001 buộc phải đóng cửa, rất nhiều nhà đầu tư “chùn bước” trước quyết định đầu tư vào công nghệ P2P (ngay cả hình thức P2P hợp pháp). Đây cũng là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, các chuyên gia lập trình vẫn tiếp tục miệt mài với các dòng mã lệnh. P2P không cần thiết phải có một “phi vụ” để khẳng định tính hợp lý của nó. P2P chỉ là một công nghệ, bạn có thể lôi nó ra khỏi hộp hoặc tạm cất nó đi”, một lập trình gia nhận định.

Theo VnMedia
  • 714