Mặt trời xuất hiện "lỗ đen" rộng gấp 60 lần Trái đất

  •  
  • 376

Mảng tối khổng lồ rộng khoảng 800.000km gọi là lỗ vành nhật hoa hình thành gần xích đạo Mặt trời, phun những luồng bức xạ về phía Trái đất.

Một mảng tối giống lỗ đen xuất hiện trên bề mặt Mặt trời và phun gió Mặt trời - những luồng bức xạ nhanh và mạnh - thẳng về phía Trái đất. Lỗ đen tạm thời này gọi là lỗ vành nhật hoa, rộng hơn 60 lần Trái đất. Các nhà khoa học chưa từng thấy lỗ vành nhật hoa với kích thước và hướng như vậy ở giai đoạn này của chu kỳ Mặt trời. Nó hình thành gần xích đạo Mặt trời hôm 2/12 và đạt tới độ rộng cực đại khoảng 800.000 km trong vòng 24 giờ. Từ hôm 4/12, lỗ đen này hướng thẳng về phía Trái đất.

Lỗ vành nhật hoa khổng lồ tối màu và phun ra gió Mặt trời.
Lỗ vành nhật hoa khổng lồ tối màu và phun ra gió Mặt trời. (Ảnh: NASA/SDO/AIA).

Ban đầu, các chuyên gia dự đoán lỗ đen mới này có thể tạo ra một cơn bão địa từ trung bình, cấp G2, với khả năng gây mất sóng vô tuyến và tạo ra cực quang mạnh trong những ngày tiếp theo. Cuối cùng, gió Mặt trời không mạnh như dự đoán nên cơn bão cũng chỉ thuộc cấp G1 yếu hơn, nhưng cực quang vẫn có thể xuất hiện ở những nơi vĩ độ cao.

Giới chuyên gia chưa rõ lỗ vành nhật hoa mới sẽ tồn tại bao lâu, nhưng các lỗ trước đây từng tồn tại lâu hơn một vòng quay của Mặt trời (27 ngày Trái đất), theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Tuy nhiên, lỗ vành nhật hoa mới sẽ sớm quay đi khỏi Trái đất.

Lỗ vành nhật hoa xuất hiện khi từ trường Mặt trời đột ngột mở ra, khiến các chất trên bề mặt Mặt trời bay đi dưới dạng gió Mặt trời. Lỗ vành nhật hoa trông như những mảng tối vì chúng nguội hơn và không đậm đặc bằng plasma xung quanh. Điều này tương tự như lý do các vết đen Mặt trời có màu đen, nhưng khác với vết đen Mặt trời, lỗ vành nhật hoa không thể nhìn thấy được nếu không quan sát dưới ánh sáng cực tím.

Các luồng bức xạ từ lỗ vành nhật hoa nhanh hơn nhiều so với gió Mặt trời thông thường và từng nhiều lần gây ra sự xáo trộn trong từ trường Trái đất, gọi là bão địa từ, theo NOAA. Lỗ vành nhật hoa gần đây nhất xuất hiện trên Mặt trời hồi tháng ba và tạo ra cơn bão địa từ mạnh nhất từng chạm tới Trái đất trong 6 năm.

Hoạt động Mặt trời đang tăng lên khi Mặt trời tiến dần đến đỉnh điểm trong chu kỳ kéo dài 11 năm, gọi là cực đại Mặt trời. Tuy nhiên, các chuyên gia không cho rằng lỗ vành nhật hoa mới là một phần của sự gia tăng hoạt động này.

Theo NOAA, các lỗ vành nhật hoa có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong suốt chu kỳ Mặt trời, nhưng chúng thường phổ biến hơn trong giai đoạn cực tiểu. Khi xuất hiện trong giai đoạn Mặt trời đạt cực đại, chúng cũng thường nằm gần các cực chứ không phải gần xích đạo. Do đó, việc một lỗ lớn như vậy mở ra gần xích đạo khi tiến đến gần cực đại Mặt trời là điều khó hiểu với giới khoa học.

Cập nhật: 07/12/2023 VnExpress
  • 376