"Máy đo tốc độ" bóng chạm tại Euro 2024 được thiết kế thế nào?

  •  
  • 145

Công nghệ "bóng kết nối" lần đầu tiên được đưa vào sử dụng tại Euro 2024 được thiết kế microchip cảm biến chuyển động với khả năng theo dõi mọi cú chạm ở tốc độ 500 lần/giây.

Khi xem qua truyền hình, người hâm mộ giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 (Euro 2024) diễn ra ngày 14/6 - 14/7 sẽ được hưởng lợi từ công nghệ mới tương tự công nghệ snickometer đã áp dụng từ lâu trong môn bóng gậy (cricket), theo Guardian. Công nghệ mới mang tên "bóng kết nối" (connected ball), lần đầu tiên xuất hiện tại Euro, giúp hỗ trợ xác định các trường hợp bóng chạm tay và việt vị.

Trận chung kết Euro 2024 sẽ diễn ra tại sân Olympiastadion ở Berlin, Đức
Trận chung kết Euro 2024 sẽ diễn ra tại sân Olympiastadion ở Berlin, Đức, ứng dụng công nghệ bóng kết nối. (Ảnh: Fabrizio Bensch)

Với công nghệ bóng kết nối, các quả bóng thi đấu được trang bị microchip cảm biến chuyển động với khả năng theo dõi mọi cú chạm với tốc độ 500 lần/giây. Nó đủ nhạy để xác định xem bóng có chạm tay ai trên đường vào khung thành hay một cầu thủ có đứng dưới hậu vệ cuối cùng của đối thủ vào thời điểm đá bóng hay không.

Kinexon, công ty có trụ sở tại Munich, Đức, đã hợp tác với Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) và Adidas trong 5 năm để sản xuất 1.500 quả bóng công nghệ cao này cho World Cup nam 2022 và 1.500 quả cho World Cup nữ 2023. Kinexon cũng sẽ làm tương tự với bóng thi đấu trong Euro 2024 dành cho nam và Euro 2025 dành cho nữ.

"Chỉ sử dụng hệ thống dựa trên hình ảnh sẽ có khả năng sai sót lớn hơn do tốc độ màn trập của camera, hiệu ứng chuyển động nhòe, góc ảnh và độ phân giải", Daniel Linke, trưởng nhóm chiến lược và marketing sản phẩm tại Kinexon, cho biết. Các camera phát sóng tiêu chuẩn (được VAR sử dụng) ghi hình với tốc độ 50 khung hình/giây nhưng chip trong bóng của Kinexon có thể phán đoán khi nào quả bóng được chạm với tốc độ 500 lần/giây.

"Từ những hình ảnh trong video, thật khó để xác định chính xác thời điểm chạm bóng vì hình ảnh có thể bị nhòe hoặc khuất. Với công nghệ bóng kết nối, bạn sẽ nắm được thông tin đó ngay lập tức. Nó đồng bộ hoàn hảo với tín hiệu video, chỉ trong vòng một hoặc hai mili giây. Sau đó, các thuật toán của hệ thống camera liên tục hoạt động để đánh giá tình huống việt vị mỗi khi có tín hiệu chạm từ chip bóng gửi tới", Linke giải thích.

Cảm biến bên trong bóng xác định Cristiano Ronaldo không tác động vào bóng
Cảm biến bên trong bóng xác định Cristiano Ronaldo không tác động vào bóng trong trận Bồ Đào Nha gặp Uruguay tại World Cup 2022. (Ảnh: Adidas).

Microchip này từng được sử dụng thành công trong World Cup 2022 diễn ra tại Qatar, giúp tổ VAR đưa ra quyết định theo thời gian thực. Một ví dụ là bàn thắng của Bồ Đào Nha vào lưới Uruguay, gây tranh luận xem tác giả là Cristiano Ronaldo hay Bruno Fernandes. Sau đó, Adidas - nhà tài trợ bóng thi đấu chính thức - công bố một đồ họa tương tự đồ họa dùng trong môn bóng gậy giúp theo dõi ngoại lực lên quả bóng dưới dạng "nhịp tim", cho thấy Ronaldo không chạm bóng.

Giờ đây, những hình ảnh này sẽ được cung cấp cho người xem bất cứ khi nào chúng được sử dụng để đưa ra quyết định quan trọng trong một trận đấu tại Euro 2024. Đây là một phần trong nỗ lực tăng cường tính minh bạch trong Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), tập trung vào các quyết định được thực hiện thông qua VAR, vốn thường xuyên không hiển thị rõ ràng với người hâm mộ. Những màn hình khổng lồ bên trong sân vận động sẽ cung cấp giải thích kỹ thuật về các quyết định VAR. Thông tin này cũng sẽ được cung cấp cho truyền hình. "Chúng tôi có các công nghệ tốt nhất hiện nay", Roberto Rosetti, giám đốc trọng tài của UEFA, cho biết.

Cập nhật: 17/06/2024 VnExpress
  • 145