Máy phát hiện gian lận thi cử

  •  
  • 1.188

Chiếc máy này có thể "dò" ra những loại tai nghe siêu nhỏ được khâu chìm trong áo hoặc bỏ sâu trong lỗ tai mà giám thị không thể phát hiện.

Anh Tôn Thất Trường Nam (29 tuổi), kỹ thuật viên tại khoa tự nhiên - công nghệ Trường ĐH Tây Nguyên, đã chế tạo thiết bị có thể phát hiện gian lận trong thi cử. Thiết bị này đang áp dụng tại trường.

Theo anh Nam, trên thị trường hiện có các thiết bị siêu nhỏ như máy phát nhạc và tai nghe sử dụng sóng bluetooth, WiFi... để gian lận trong các kỳ thi. Nhiều tai nghe siêu nhỏ, bỏ sâu trong lỗ tai giám thị không thể phát hiện. Các thiết bị này khá rẻ nên được sinh viên "tin dùng".

Anh Tôn Thất Trường Nam giải thích về chiếc máy phát hiện gian lận thi cử của mình
Anh Tôn Thất Trường Nam giải thích về chiếc máy phát hiện gian lận thi cử của mình - (Ảnh: TRUNG TÂN).

Anh Nam nói thiết bị của mình đo được sóng điện trường từ các âm thanh phát ra từ loa điện thoại, tai nghe siêu nhỏ bỏ trong tai từ khoảng cách 8-10m.

Thiết bị này giám thị có thể cầm trên tay "dò" tại các phòng thi. Máy sẽ sáng đèn khi có tín hiệu âm thanh (từ các thiết bị siêu nhỏ) ở ngoài phòng thi. Chỉ cần hướng ăngten vào lớp học, thiết bị sẽ định vị được vị trí sinh viên đang gian lận để yêu cầu kiểm tra.

"Có sinh viên sử dụng điện thoại tự kết nối với bên ngoài đọc vào cho chép nhưng vẫn bị phát hiện. Có trường hợp sinh viên gian lận trong lớp đã bị bắt mà người ở ngoài vẫn đọc bài nhiệt tình và hỏi "xong chưa?". Mãi đến khi các giảng viên trả lời "xong rồi", người kia mới biết mình bị lộ" - anh Nam kể.

Anh Nam nói thêm hiện nay nhiều thiết bị điện thoại, máy phát âm thanh thông qua tai nghe siêu nhỏ được làm rất tinh vi.

"Có lần chúng tôi dò được sóng âm thanh phát ra từ một phòng thi, dò đến đúng vị trí âm thanh phát ra nhưng lục không thấy thiết bị phát. Mãi sau mới phát hiện chiếc "điện thoại" mà sinh viên này sử dụng giống như thẻ ATM, được kẹp trong ví.

Có lần thì bắt được sinh viên sử dụng một thiết bị siêu nhỏ khâu chìm trong áo... Nếu không có máy dò chắc chắn sẽ không phát hiện gian lận" - anh Nam nói thêm.

PGS.TS Trần Trung Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên - khẳng định qua các đợt thi, nhà trường biết việc nhiều sinh viên dùng các thiết bị điện tử công nghệ cao như điện thoại, máy phát tín hiệu, tai nghe siêu nhỏ... để gian lận trong thi cử. Tuy nhiên không thể cứ mỗi lần thi thì giám thị lục soát người từng sinh viên, như vậy rất phản giáo dục.

"Thực tế đó đặt ra phải có thiết bị điện tử có thể phát hiện từ xa mà không gây ảnh hưởng đến tâm lý thi cử của sinh viên" - ông Dũng nói.

Cập nhật: 27/12/2017 Theo Tuổi Trẻ
  • 1.188