Mẹo hay tránh ốm khi trời mưa phùn, ẩm thấp

  •   2,73
  • 5.488

Trời mưa phùn, nồm ẩm khiến độ ẩm trong không khí lên cao, đây là điều kiện để các loại vi khuẩn, virus gây bệnh bùng phát, vậy làm thế nào để phòng tránh bệnh trong những ngày này? Mời các bạn tham khảo những mẹo vặt dưới đây để bảo vệ bản thân, hạn chế ốm đau khi trời mưa phùn nhé.

Phòng bệnh khi thời tiết nồm ẩm

Nguy cơ cho trẻ em, người già

Theo BS Duy Anh, Bệnh viện E (Hà Nội), thời tiết nồm ẩm sáng ra hay có phùn, buổi trưa ấm áp hơn, nhưng chiều tối lại chuyển lạnh. Vì thế trẻ em, người già sức đề kháng kém dễ mắc bệnh. Những người có cơ địa dị ứng với thời tiết cũng dễ ốm.

Hay gặp là Adeno virus gây chảy nước mũi, đau họng, ho, đau mỏi các cơ. Nếu không điều trị sớm, virus vào phổi có thể gây suy hô hấp rất nhanh.

Nền nhiệt độ ẩm thấp còn tạo điều kiện cho các virus gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thuỷ đậu, rubella phát triển gây bệnh cả trẻ em và cả người lớn.

Nồm ẩm dễ gây chứng đau đầu, mệt mỏi uể oải, ra nhiều mồ hôi, khó ngủ, nhất là các chứng "thấp" như thấp khớp, thấp tim, hen…

Các nấm mốc, vi nấm rất phát triển khi trời nồm ẩm, lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu... rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp, phát cơn hen suyễn nếu dị ứng với bụi nhà.

Mẹo hay tránh ốm khi trời mưa phùn, ẩm thấp
Ảnh minh họa.

Phòng bệnh thế nào?

Tăng cường sức đề kháng

Cả trẻ em và người già đều có sức đề kháng kém. Để cải thiện tình trạng này, bạn cần xây dựng thực đơn khoa học, hợp lý với đầy đủ các chất dinh dưỡng, tăng cường nhiều rau xanh, hoa quả tươi thay vì chất béo.

Bổ sung nước mỗi ngày để tránh cơ thể bị mất nước. Rèn luyện thói quen ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, duy trì chế độ luyên tập thể dục thể thao.

Giữ ấm cho cơ thể

Trẻ em cần được giữ ấm bụng để tránh các bệnh về đường tiêu hóa. Luôn giữ ấm cơ thể, nhất là đối với người già. Hạn chế cho trẻ em và người cao tuổi ra ngoài trời khi thời tiết mưa phùn, nóng - lạnh thất thường.

Khi bị dính nước mưa cần làm khô và sưởi ấm người ngay, thay quần áo nhanh chóng, uống nước đường, gừng nóng... để ngăn ngừa bị cảm lạnh.

Đảm bảo vệ sinh nhà cửa sạch sẽ

Nên đóng kín cửa để hạn chế không khí ẩm vào nhà. Lau nhà cửa sạch sẽ bằng các khăn lau thấm hút nước tốt. Bạn nên thường xuyên thay chăn ga để phòng tránh nấm mốc, ẩm ướt vì có thể là căn nguyên gây nên các bệnh nguy hại cho sức khỏe. Trong nhà, các đồ dễ bị ẩm mốc nên để trên cao, tránh tiếp xúc trực tiếp với mặt đất.

Người già và trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh trong thời tiết này
Người già và trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh trong thời tiết này.

Làm khô phòng, quần áo

Nấm mốc, vi khuẩn... có thể lơ lửng trong không khí, thường bám vào quần áo, chăn chiếu, sách vở... Để tránh bị bệnh, trong phòng nên sử dụng máy hút ẩm. Lưu ý không nên sử dụng thảm trải sàn. Quần áo khi mặc nên sấy hoặc là khô, tránh cho trẻ mặc quần áo ẩm dễ bị nhiễm lạnh, gây nên những cơn hen phế quản. Vật dụng trẻ hay tiếp xúc nên thường xuyên phơi phóng cho khô ráo.

Đảm bảo vệ sinh thân thể

Phụ nữ dễ bị viêm nhiễm phụ khoa khi trời nồm. Chị em nên dùng dung dịch vệ sinh để rửa sạch sẽ, chỉ 2 lần/ngày, tránh dùng nhiều sẽ mất cân bằng tự nhiên vùng kín.

Ngoài ra luôn giữ cho cơ thể được thơm tho, sạch sẽ, rửa tay sạch trước và sau khi ăn, tránh nguy cơ vi khuẩn có thể tấn công.

Thường xuyên theo dõi sức khỏe

Ngoài việc tiêm phòng bệnh đầy đủ cho trẻ, cha mẹ nên chú ý những thay đổi bất thường về sức khỏe của bé như bị ho, sốt cao, quấy khóc, biếng ăn... Đối với người già, chân tay mỏi mệt, không ăn được nhiều, mất ngủ triền miên... cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp điều trị đúng đắn.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ ngày nồm ẩm

Giữ ấm bụng cho trẻ để tránh bị lạnh bụng, gây tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng khác. Còn giúp hệ tiêu hóa hấp thu thức ăn tốt hơn.

Các kiểu áo giống tạp dề, hoặc quấn khăn xô mỏng quanh bụng rồi mới mặc quần áo ra ngoài giữ ấm bụng trẻ nhỏ rất tốt (quấn vừa, kéo quấn quá lỏng khăn tuột sẽ không giữ được nhiệt, quấn quá chặt trẻ sẽ khó thở). Quấn khăn cả khi trẻ ngủ để đề phòng trẻ đạp chăn sẽ bị hở bụng.

Buổi sáng đi học nên mặc cho trẻ một áo cotton bên trong, ngoài khoác áo rét. Như thế sáng trẻ được mặc ấm, trưa nóng thì cởi bớt áo khoác để tránh mồ hôi thấm ngược dễ sinh cảm lạnh.

Ban đêm trẻ hay ra mồ hôi. Nên đặt vào lưng trẻ tấm khăn xô, nếu sờ thấy lưng trẻ ướt thì lau lưng và rút khăn ướt ra, thay khăn khô vào để trẻ không bị mồ hôi làm nhiễm lạnh.

Nên có sẵn vài chiếc khăn xô thấm nước để lau mồ hôi cho trẻ. Lau kỹ vùng đầu, lưng, gáy, lòng bàn tay, gan bàn chân – nơi ra nhiều mồ hôi.

Hạn chế cho trẻ tiếp xúc nóng - lạnh đột ngột, hạn chế ra ngoài trời. Trẻ bé nếu cho ra ngoài trời cần quấn kín chân và phần thân dưới bằng tấm chăn mỏng để giữ nhiệt.

Chú ý bảo vệ cơ thể khi ra ngoài trời mưa và vệ sinh nhà cửa để tránh bệnh tật
Chú ý bảo vệ cơ thể khi ra ngoài trời mưa và vệ sinh nhà cửa để tránh bệnh tật.

Mũ, áo quần của trẻ mùa nồm ẩm thích hợp nhất là loại không thấm nước.

Khi cho trẻ ra ngoài trời cần mặc áo khoác và quần dài để giữ ấm. Tới nơi cho trẻ hoạt động một lúc hãy cởi bớt quần áo để bé vận động thoải mái hơn.

Từ ngoài về nhà cũng nên đợi một lát để trẻ thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ rồi mới cởi áo khoác, quần dài cho trẻ.

Cho trẻ uống đủ nước, nhất là trẻ nằm ở phòng có quạt (đèn) sưởi, hoặc điều hòa hay bị mất nước. Nếu trẻ bị dính nước mưa cần thay quần áo nhanh, cho trẻ uống sữa, nước đường gừng nóng… ngay.

Giữ ấm bàn chân – nơi rất nhạy cảm với môi trường bởi bị lạnh là ảnh hưởng đến hô hấp, tuần hoàn và suy giảm sức khỏe. Hãy cho trẻ đi tất, giầy ấm. Trước khi đi ngủ cần rửa sạch và ngâm chân trẻ trong nước ấm, rồi lau (hoặc sấy khô) ngừa cảm lạnh, giúp bé dễ ngủ và ngủ ngon hơn.

Nếu trẻ bị ướt chân vì mưa lạnh, cần làm khô và sưởi ấm ngay. Tránh để trẻ bị dầm mưa, hay ngâm chân quá lâu kẻo bị cảm. Không cho trẻ đi chân đất, tắm quá lâu, hoặc mặc quần áo đã ẩm ướt khi nồm ẩm.

Trẻ vừa ngủ dậy không nên cho ra ngoài trời chơi ngay. Hãy mặc cho trẻ áo khoác mỏng, cho trẻ thích nghi dần với nhiệt độ ngoài trời rồi mới cho ra ngoài chơi.

Có thể dùng điều hòa, hoặc máy sưởi để làm ấm không khí giúp trẻ tránh bị lạnh và không phải mặc nhiều quần áo.

Nếu xung quanh có người bị hắt hơi, sổ mũi... cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc. Nên cho trẻ đi tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh.

Trẻ đã từng mắc dị ứng, hô hấp càng cần hạn chế tiếp xúc với nấm mốc. Dọn dẹp, hút bụi đồ vật bị nấm mốc, đặc biệt là tủ sách lâu năm để tránh nhiễm bệnh vì hít phải bụi, mốc.

Cập nhật: 27/02/2018 Tổng hợp
  • 2,73
  • 5.488