Top 7 mẹo để giữ sức khỏe dịp cuối năm bận rộn

  •  
  • 286

Nắm bắt và ứng dụng các mẹo này để khỏe mạnh giữa một lịch trình bận rộn không phải là điều không thể.

Việc duy trì lối sống lành mạnh là điều kiện cần để có sức khỏe tốt và năng suất làm việc hiệu quả. Dưới đây là 7 mẹo để bạn có thể dễ dàng giữ sức khỏe giữa cuộc sống bận rộn:

1. Ưu tiên giấc ngủ

Giấc ngủ cho phép cơ thể và não bộ phục hồi vào ban đêm. Một giấc ngủ ngon đảm bảo bạn cảm thấy tươi tỉnh và tỉnh táo khi thức dậy vào buổi sáng. Thiếu ngủ không chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, mà còn có thể tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh và vấn đề sức khỏe như béo phì, bệnh tim, huyết áp cao, tiểu đường và đột quỵ. Thiếu ngủ cũng là một mối đe dọa đối với an toàn thể chất của bạn.

Thiếu ngủ còn ảnh hưởng đến quản lý insulin, làm tăng nguy cơ phát triển tiểu đường type 2 và ảnh hưởng tiêu cực đến việc kiểm soát glucose ở những người đã mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, thiếu ngủ còn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, khiến cơ thể phản ứng kém hiệu quả hơn với virus và các nhiễm trùng khác. Thiếu ngủ lâu dài có thể dẫn đến viêm nhiễm mức độ thấp liên tục trong cơ thể, là nguyên nhân góp phần vào nhiều tình trạng bệnh mãn tính.

Thiếu ngủ có thể làm giảm khả năng nhớ các chi tiết quan trọng. Vì thế mà giấc ngủ cũng quan trọng cho quá trình củng cố trí nhớ, giúp cải thiện khả năng tập trung làm việc và học tập, sức sáng tạo và học hỏi kỹ năng mới. Tâm trạng cũng bị ảnh hưởng bởi giấc ngủ, với việc thiếu ngủ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm và khiến hiệu suất cộng việc bị ảnh hưởng.

Một giấc ngủ chất lượng sẽ giúp bạn khỏe mạnh hơn.
Một giấc ngủ chất lượng sẽ giúp bạn khỏe mạnh hơn. (Ảnh: Internet).

Nhu cầu ngủ thay đổi theo độ tuổi. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần tới 15-17 giờ mỗi đêm, trong khi thanh thiếu niên có thể cần 8-10 giờ. Người lớn từ 18 đến 64 tuổi thường cần 7-9 giờ ngủ và sau 65 tuổi, thời lượng giấc ngủ giảm xuống 7-8 giờ.

Nếu quá bận rộn, bạn có thể ngủ những giấc ngắn vào buổi trưa và đừng quên vệ sinh giấc ngủ thật tốt để dễ dàng ngủ hơn.

Vệ sinh giấc ngủ là thuật ngữ chung cho các hoạt động và hành vi ảnh hưởng đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ. Điều này bao gồm thói quen trước khi ngủ, chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và các khía cạnh khác trong cuộc sống hàng ngày. Các yếu tố then chốt của vệ sinh giấc ngủ tốt bao gồm duy trì một lịch trình ngủ đều đặn, ưu tiên giấc ngủ, hạn chế ngủ trưa để không ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm, tạo môi trường phòng ngủ thoải mái, và duy trì thói quen sống lành mạnh.

Nếu bạn gặp vấn đề về giấc ngủ lâu dài, bạn nên xem xét việc lên lịch hẹn với bác sĩ để nhận được tư vấn về sức khỏe giấc ngủ và vệ sinh giấc ngủ hoặc nếu cần thiết, thực hiện các xét nghiệm để đánh giá về rối loạn giấc ngủ.

2. Cập nhật các chỉ số sức khỏe và lịch tiêm chủng

Thời đại 4.0, bạn dễ dàng quản lý hồ sơ sức khỏe của mình ở bất cứ đâu vào bất kì thời điểm nào, bao gồm cả lịch tiêm chủng. Những thay đổi bất thường về sức khỏe khi được ghi lại sẽ hỗ trợ rất lớn cho bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh cho bạn.

Nhắc nhở về lịch tiêm chủng để bạn không bị nhỡ các mũi tiêm nhắc lại nào. Tiêm chủng đầy đủ giúp bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi nguy cơ mắc hay tăng nặng khi mắc bệnh cũng như giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.

3. Uống đủ nước

Dù bận rộn đến đâu bạn cũng cần uống đủ nước mỗi ngày, nếu quá khó khăn để nhớ tới việc uống nước, bạn có thể sử dụng các ứng dụng nhắc nhở như báo thức hay thống kê lượng nước uống hàng ngày để tránh nguy cơ thiếu nước.

Uống đủ nước mỗi ngày
Uống đủ nước mỗi ngày. (Ảnh: Internet).

Theo Harvard Health, uống đủ nước mỗi ngày là rất quan trọng vì nhiều lý do: điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, giữ cho khớp được bôi trơn, ngăn ngừa nhiễm trùng, cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào và giữ cho các cơ quan hoạt động bình thường. Uống đủ nước cũng cải thiện chất lượng giấc ngủ, nhận thức và tâm trạng.

Bạn có thể uống nước lọc, nước trái cây, đồ uống thể thao, nước súp,... tùy theo nhu cầu và sở thích của mình. Miễn là bạn uống đủ lượng nước phù hợp với thể trạng và mức độ hoạt động của mình.

4. Lên kế hoạch cho những bữa ăn lành mạnh

Khi quá bận rộn, việc ăn một bữa ăn đủ chất và đúng giờ có vẻ khó khăn. Nếu có thể dự trù cho khoảng thời gian bận rộn của mình, bạn nên lên kế hoạch cho các bữa ăn lành mạnh, thậm chí là chuẩn bị nguyên liệu từ trước để tiết kiệm thời gian sơ chế. Hãy nhớ, đừng bỏ bữa. Đặc biệt là bữa sáng. Bỏ bữa sáng sẽ làm giảm năng suất làm việc của bạn vì khiến bạn mệt mỏi, uể oải và dễ bị căng thẳng.

Bạn cũng có thể chuẩn bị sẵn nhiều loại đồ ăn nhẹ lành mạnh sẽ giúp bạn không thèm ăn đồ ăn vặt khi cần tăng cường năng lượng chẳng hạn như các thanh protein, các loại hạt,...

Có nhiều ứng dụng có thể giúp bạn lập kế hoạch ăn uống lành mạnh với các gợi ý thực đơn phù hợp với thể trạng của bạn hoặc lựa chọn cửa hàng giao hàng/đi chợ hộ,... Ăn ngoài thường xuyên không những khó kiểm soát an toàn thực phẩm mà còn khiến bạn khó kiểm soát calo.

Bạn nên lên kế hoạch cho các bữa ăn lành mạnh, thậm chí là chuẩn bị nguyên liệu từ trước.
Bạn nên lên kế hoạch cho các bữa ăn lành mạnh, thậm chí là chuẩn bị nguyên liệu từ trước. (Ảnh: Internet).

5. 5 phút chánh niệm mỗi ngày

Theo NIH, các nghiên cứu cho thấy rằng việc tập trung vào hiện tại có thể có tác động tích cực đến sức khỏe và hạnh phúc. Các phương pháp điều trị dựa trên chánh niệm đã được chứng minh là làm giảm lo lắng và trầm cảm . Cũng có bằng chứng cho thấy chánh niệm có thể làm giảm huyết áp và cải thiện giấc ngủ.

Nghe có vẻ vô lý khi bạn đang quá bận rộn nhưng chánh niệm thực sự không tốn nhiều thời gian như bạn nghĩ. Một buổi thiền có thể chỉ kéo dài 5 phút với những âm thanh êm dịu xung quanh là đủ để bạn có thể quản lý căng thẳng một cách hiệu quả. Điều quan trọng là bạn cần phải thực sự tâm trung và thả lỏng tâm trí khi thực hành chánh niệm.

6. Luôn kết nối với thiên nhiên

Dân văn phòng thường có xu hướng ở lì trên chỗ ngồi cho tới giờ tan tầm, đặc biệt là những ngày bận rộn. Bạn có thể dành 10 phút thời gian nghỉ trưa để đi dạo bên ngoài, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hít thở không khí trong lành, tạm rời xa màn hình máy tính để nâng cao tinh thần và giải tỏa căng thẳng.

7. Cố gắng dậy sớm để tập thể dục

Nếu bận rộn, bạn hãy cố gắng dậy sớm để tập thể dục. Tập thể dục buổi sáng không chỉ giúp hạ huyết áp, giảm căng thẳng và giảm các triệu chứng lo âu. Ngoài ra, tập thể dục vào buổi sáng còn giúp cải thiện chức năng nhận thức bằng cách kích thích hoạt động của não. Nó giúp tăng cường sự tỉnh táo và tập trung, tăng năng suất trong suốt cả ngày của bạn.

Để duy trì việc tập luyện, bạn có thể rủ một nhóm bạn bè để vận động cùng nhau sẽ tốt hơn.

Ngoài các mẹo giúp giữ sức khỏe khi quá bận rộn kể trên thì bạn cũng nên học cách quản lý căng thẳng, thỉnh thoảng hãy tự thưởng cho bản thân bất cứ thứ gì bạn thích,... Bên cạnh đó, hãy phân chia công việc theo thứ tự ưu tiên để không bị "ngợp" và tránh bỏ sót bất cứ nhiệm vụ nào.

Cập nhật: 04/02/2024 PNVN
  • 286