Micro-STAR: Vệ tinh chung của châu Á-Thái Bình Dương

  •  
  • 566

Các nước châu Á-Thái Bình Dương đang tích cực hợp tác chế tạo tinh thử nghiệm Micro-STAR với khối lượng khoảng 50kg trong khoảng 3 năm (2010-2012).

Từ ý tưởng đề xuất xây dựng một chương trình phát triển vệ tinh chung cho khu vực  Châu Á – Thái Bình Dương của Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản - JAXA  vào tháng 11/2007, chương trình STAR (Satellite Technology for the Asia - Pacific Region - Kỹ thuật vệ tinh cho khu vực châu Á-Thái Bình dương) đã có những bước chuẩn bị tích cực.

Các nước tham dự chụp ảnh lưu niệm.

Chương trình STAR là mô hình phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức nghiên cứu vũ trụ của nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á, Thái Bình Dương cùng thiết kế, chế tạo một vệ tinh chung nhằm mục đích thử nghiệm các công nghệ mới, đồng thời tìm kiếm và nuôi dưỡng nguồn tài năng nhân lực trẻ trong lĩnh vực công nghệ vệ tinh nhỏ cho các nước trong khu vực. Ngoài ra chương trình cũng có mục đích làm tăng số lượng các vệ tinh quan sát trái đất trong khu vực đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ vệ tinh ngày càng cao trong tương lai.

Với vai trò đề xuất ý tưởng, JAXA là đơn vị tổ chức và điều hành toàn bộ hoạt động của dự án vệ tinh thử nghiệm, chịu trách nhiệm chính trong việc lập kế hoạch, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành vệ tinh Micro-STAR, tạo điều kiện và bố trí nơi ở cho các cán bộ nghiên cứu trẻ làm việc tại Nhật Bản.

Văn phòng của chương trình đặt tại Sagamihara - JAXA đã mở từ tháng 04/2009  để đón các nhà nghiên cứu và các kỹ sư đến từ các tổ chức nghiên cứu vũ trụ thuộc các nước Châu Á – Thái Bình Dương. Văn phòng có người chuyên trách hỗ trợ cho nhà ở và sinh hoạt của các thành viên đến tham gia STAR. Các học viên của chương trình STAR sẽ được tạo điều kiện tốt nhất có thể khi đến làm việc tại Sagamihara.

Hiện nay, đã có khoảng 15 người trong đó có 05 chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ vệ tinh đến từ JAXA, ISRO và KARI tham gia với tư cách là giảng viên và 10 người (gồm các nhà nghiên cứu và kỹ sư) từ Ấn Độ (ISRO), Hàn Quốc (KARI), Indonesia (LAPAN), Malaysia (ANGKASA), Thái Lan (GISTDA), Việt Nam (VAST/STI) đến làm việc tại văn phòng chương trình STAR.

Nhờ sự phối hợp này, vệ tinh chung được tích hợp các công nghệ tiên tiến đã có của các nước trong khu vực, đồng thời chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển. Đây là một ý tưởng mới, hứa hẹn mang lại nhiều thành công.

Chương trình gồm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: chế tạo một vệ tinh thử nghiệm Micro-STAR với khối lượng khoảng 50kg trong khoảng 3 năm (2010-2012);

Giai đoạn 2: chế tạo vệ tinh quan sát trái đất chính EO-STAR với khối lượng khoảng 300-500kg (2013-2017).

Vệ tinh Micro-STAR

...Cùng tham gia phối hợp...

Vệ tinh Micro-STAR sẽ là một khối lập phương kích thước khoảng 30-50 cm và trọng lượng khoảng 50-100 kg.

Vệ tinh Micro-STAR được thiết kế với nhiệm vụ cơ bản là giám sát đất đai hoặc/và vùng biển, dữ liệu ảnh của vệ tinh có thể lấy được một cách dễ dàng trên internet và chia sẻ thông tin, dữ liệu cho các nước tham gia dự án. Nhiệm vụ chính của vệ tinh này là để kiểm nghiệm về mặt công nghệ cho vệ tinh EO-STAR.

Ngoài nhiệm vụ này, Micro-Star còn đang được đề xuất sử dụng để thử nghiệm một số công nghệ mới như thử nghiệm địa chấn điện từ (seismo-electromagnetic) nhằm nghiên cứu động đất hoặc thử nghiệm kỹ thuật GPS Radio Occultation (thử nghiệm dùng cho dự báo thời tiết và theo dõi sự biến đổi khí hậu dựa trên cơ sở tín hiệu nhận được của vệ tinh quan sát trái đất từ vệ tinh GPS và mức độ khúc xạ của tín hiệu đó khi đi qua khí quyển; mức độ khúc xạ của tín hiệu đó phụ thuộc vào nhiệt độ và nồng độ hơi nước trong khí quyển).

Viện Công nghệ vũ trụ trong chương trình STAR

Với mục tiêu tham gia Chương trình STAR trước hết ở giai đoạn 1 bao gồm phân tích, thiết kế toàn bộ, phóng và vận hành vệ tinh Micro-STAR, nhóm thành viên thuộc Viện CNVT, Viện KHCNVN trực tiếp tham gia vào thiết kế, chế tạo và tích hợp mô đun cấu trúc và mô đun giám sát, điều khiển tư thế vệ tinh (Attitude Determination and Control system - ADCS).

Toàn bộ công việc này sẽ được thực hiện trong 3 năm (2010-2012) theo lịch trình chung của chương trình STAR và được hỗ trợ kinh phí từ Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong khuôn khổ đề tài thuộc Nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo Nghị định thư  Việt Nam – Nhật Bản.

Thiết kế sơ bộ vệ tinh Micro- Star

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, ngoài 02 cán bộ điều phối dự án, mỗi năm Viện sẽ cử 02 cán bộ kỹ thuật sang tham gia trực tiếp làm việc tại Văn phòng STAR tại Sagamihara, Nhật Bản. Ngoài ra, nhóm các thành viên khác của Viện vẫn phối hợp tham gia thực hiện các nhiệm vụ tại Việt Nam.

Thông qua việc tham gia Chương trình STAR, điểm mấu chốt là Việt Nam sẽ đào tạo được một đội ngũ cán bộ trẻ đồng thời học hỏi, thu thập kinh nghiệm về quy trình chế tạo, vận hành vệ tinh nhằm có được những kiến thức cơ bản cũng như các kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực vệ tinh nhỏ.

Hiện Viện Công nghệ vũ trụ đang cụ thể hóa những nhiệm vụ trên thông qua việc thực hiện các nội dung: Nghiên cứu lý thuyết và tổng quan: thực hiện trên cơ sở hệ thống hóa các kết quả đã có, trong đó chú trọng các kết quả mới và các phương pháp tiếp cận mới dựa trên lý thuyết toán học điều khiển các hệ động lực, lý thuyết cơ điện tử và thiết kế hệ cơ điện tử.

Dự kiến các năm tiếp theo, nhóm thành viên thuộc Viện CNVT sẽ tiếp tục tham gia chế thử và kiểm nghiệm các kết quả về phần cứng, phần mềm của 2 hệ thống trên. Cùng các bên tham gia lắp ráp, tích hợp và kiểm tra các mô đun của vệ tinh. Hiệu chỉnh kết quả nhằm đạt thỏa mãn yêu cầu chung của cả hệ thống vệ tinh. Tham gia chuẩn bị phóng vệ tinh Micro-STAR cùng nhóm nghiên cứu quốc tế.

Hiện nhóm các thành viên Việt Nam đang đi đúng tiến độ, thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công trong Chương trình STAR. Nhóm cũng hi vọng sẽ tiếp tục được Bộ KH - CN hỗ trợ kinh phí để tham gia thực hiện giai đoạn 2 của Chương trình STAR nhằm nghiên cứu thiết kế, chế tạo vệ tinh EO-STAR bởi đây là một cơ hội rất lớn cho Việt Nam nhằm từng bước cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2020 có thể làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ đã nêu trong “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 14/06/2006.

(Ảnh: Báo Đất Việt)

Theo Báo Đất Việt
  • 566