Các nhà khảo cổ Ai Cập vừa phát hiện rằng ngôi mộ của vị pharaoh quyền lực Seti I – ngôi mộ lớn nhất trong Thung lũng của các vì vua – lớn hơn mọi người vẫn từng nghĩ.
Trong một lần khai quật gần đây, nhóm phát hiện rằng hầm mộ thực chất dài khoảng 136m. Giovanni Battista Belzoni, người phát hiện ngôi mộ vào năm 1817, ghi lại rằng ngôi mộ dài 100m.
Theo Zahi Hawass, Tổng thư ký Hội đồng cổ vật tối cao của Ai Cập (SCA), “Đây là ngôi mộ lớn nhất và là đường hầm dài nhất từng được phát hiện ở Thung lũng các vì vua.”
“Đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn chưa tìm được phía cuối đường hầm.”
Phát hiện thêm những phần mới của một ngôi mộ từng được phát hiện trước đó là chuyện hiếm hoi, dù cũng từng xảy ra.
Ví dụ, năm 1995, nhà khảo cổ người Mỹ Kent Weeks khai quật ngôi mộ KV5 chứa những người con trai của Ramses II – con trai Seti I – và phát hiện nó lớn hơn mong đợi, với vô số đường hầm và hơn 100 gian phòng nhỏ.
Ngôi mộ của Seti I, người cai trị Ai Cập từ 1313 đến 1292 trước Công nguyên – giai đoạn đỉnh cao thành tựu nghệ thuật – rất ấn tượng không chỉ về kích cỡ mà còn về nghệ thuật trên tường. Nhưng kích cỡ của nó có thể mở rộng thêm thông qua những chuyến khảo sát trong tương lai.
Theo Mansour Boraik, Giám đốc của Luxor Antiquities, “Người Ai Cập cổ đại không bao giờ xây dựng bất cứ thứ gì mà không có kế hoạch, không mục tiêu vì vậy tôi nghĩ rằng đường ngầm trong mộ của Seti I sẽ dẫn đến một thứ gì đó quan trọng.”
Bị lũ cuốn trôi
Các nhà khảo cổ cũng phát hiện những chiếc bình bằng đất sét, mảnh vỡ bức tường được sơn vẽ của mộ và một tượng ushabti thạch anh – một loại tượng dùng trong tang lễ - trong quá trình tìm kiếm cổ vật và dọn dẹp những mảnh vỡ.
Theo nhà khảo cổ học W. Raymond Johnson, giám đốc của Cơ quan nghiên cứu chữ khắc thuộc Viện Nghiên cứu Đông phương, Đại học Chicago, những vật này có thể bị cuốn vào đường hầm trong những trận lụt bắt đầu từ triều đại thứ 21, giữa năm 1090 và 945 trước Công nguyên.
Ông chỉ ra rằng các vị pharaoh từ triều đại 21 trở về sau đã khai thác vật liệu từ những ngôi mộ của người tiền nhiệm để xây dựng ngôi mộ hoàng gia cho riêng mình.
Trong quá trình này, họ quấn xác lại và chôn người chết ở những ngôi mộ nhỏ bí mật, như trường hợp của Amenhotep II, đặt gần vị trí mộ Seti I.
Họ cũng cho lấp những đường hầm sâu thường cắt vào phần nền của ngôi mộ sau hành lang vào thứ hai. Những đường hầm này – được biết như những cái giếng – được lấp để việc chuyển những vật nặng ra khỏi ngôi mộ dễ dàng hơn.
Những đường hầm này có thể phục vụ cho mục đích nghi lễ nhằm thiết lập đường nối trực tiếp với thế giới bên kia, nhưng cũng có ích lợi thực tế: bảo vệ ngôi mộ tránh khỏi lụt lội.
“Những đường hầm này sẽ hứng nước mưa nếu nước mưa chảy vào ngôi mộ. Chúng sẽ hứng nước mưa trước khi nước đến được phòng chôn xác và dẫn nước đi xuống dưới. Nhưng nhiều đường hầm bị lấp để kéo những cái quách ra và không được dọn dẹp thông suốt như cũ.”
Điều đó khiến cho các ngôi mộ dễ bị lụt lội vì nước mưa. Những vị trí khác trong Thung lũng các vì vua, chẳng hạn như KV5 và mộ của Ramses II, có dấu hiệu của lũ lụt.
Sau một trận mưa xối xả vào năm 1994, SCA đã xây dựng những hàng rào bảo vệ ngay trước tất cả các ngôi mộ để bảo vệ chúng khỏi trời mưa.
Bức tượng ushabti bằng thạch anh được phát hiện gần đây trong ngôi mộ của pharaoh Seti I, người cai trị Ai Cập từ năm 1313 đến năm 1292 trước Công nguyên. Các ngôi mộ thường chứa một bức tượng loại này, dành để phục vụ các pharaoh ở cuộc sống vĩnh hằng mỗi ngày. Những bức tượng được đẽo từ gỗ, thạch cao tuyết hoa và đá vôi này thường có tư thế tay bắt chéo. Dòng chữ khắc trên tượng giải thích mục đích của chúng. (Ảnh: Hội đồng cổ vật tối cao Ai Cập) |
Đội khảo cổ toàn Ai Cập
Những vật tìm thấy trong ngôi mộ Seti có thể đã bị cuốn vào đường hầm từ lâu trước khi căn phòng phụ kế cạnh ngôi mộ sụp đổ trong quá trình khai quật của gia đình Abdul Rasul cách đây gần 50 năm.
Cho đến công trình khai quật hiện tại, ngôi mộ này được cho là quá nguy hiểm để đi vào vì một phần nhỏ mái trần hình vòm của phòng chôn cất đã sụp đổ từ lâu.
Cuộc khai quật này là phát hiện đầu tiên do một nhóm khảo cổ toàn người Ai Cập thực hiện ở Thung lũng các vì vua. Các nhà khảo cổ học nước ngoài đã chỉ huy những cuộc khảo cổ trong vòng hai thế kỷ vừa qua.
Nhóm gồm 5 nhà khảo cổ và 1 nhà địa chất cũng đang tìm kiếm những ngôi mộ khác. Họ tin rằng có thể tìm thấy ngôi mộ của Ramses VIII (vào khoảng 1150 trước Công nguyên) gần ngôi mộ của Merenptah (1225-1215 trước Công nguyên) vì những hình vẽ cổ xưa đã chỉ đến ngôi mộ ở vị trí trên.
Theo Boraik, Luxor Antiquities “Thung lũng của các vì vua còn nhiều bí ẩn và nhiều ngôi mộ cần được khai quật.”