Cái chết vẫn luôn là sự tất yếu muôn loài không thể tránh khỏi. Những mộng tưởng trở nên bất tử hay hồi sinh dường như quá hoang đường nhưng không phải là không có những nhà khoa học thực sự theo đuổi.
Vào năm 1967, một thí nghiệm tham vọng như vậy đã được thực hiện lần đầu tiên. Đó chính là thí nghiệm Cryogenic. Theo đó, thi thể con người sẽ được bảo quản ở nhiệt độ thấp ngay sau khi chết để "đóng băng" lại các tế bào. Người được đông lạnh sẽ tạm thời ở đó và đợi cho đến thời điểm khoa học đủ phát triển để "đánh thức" họ sống lại và chữa trị bất cứ nguyên nhân nào đã khiến họ tử vong trước đó.
Ngay cả đến bây giờ, kết quả và tính khả thi của thí nghiệm Cryogenic vẫn còn là chủ đề bị tranh cãi gay gắt. Thế nhưng từ hơn 50 năm trước, đã có người dũng cảm tình nguyện đóng băng cơ thể mình lần đầu tiên - một giáo sư người Mỹ tên James Hiram Bedford.
James Hiram Bedford - người đầu tiên tự nguyện đông lạnh để mong hồi sinh trên thế giới
Ông Bedford là giáo sư tâm lý học tại Đại học California và là một người đàn ông thành công trong cuộc sống. Ông qua đời vào ngày 12/1/1967 vì bệnh ung thư thận. Trước khi qua đời, Bedford đã để lại di nguyện là thực hiện đóng băng thi thể mình chờ "hồi sinh". Ông còn để lại 100.000 USD (theo tỷ giá hiện nay là gần 1 triệu USD - khoảng 20 tỷ VNĐ) cho Hiệp hội Kéo dài sự sống (LES) để tiến hành bảo quản mình thay vì để cho vợ con thừa kế.
Thi thể của giáo sư ngay sau khi qua đời đã được các chuyên gia của Hiệp hội LES tiêm hóa chất chống đông vào máu và bơm oxy vào hệ thống tuần hoàn nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại tới bộ não. Cơ thể ông sau đó được đặt bên trong một thùng chứa đầy đá khô (khoảng -79ºC), trước khi đưa vào môi trường nitơ lỏng ở nhiệt độ -196ºC.
Việc làm lạnh được thực hiện nhanh chóng ngay sau khi Bedford trút hơi thở sau cùng
Không lâu sau, do không chịu được chi phí bảo quản quá cao, con trai Bedford chuyển thi thể cha về nhà và tự mình định kỳ thay nitơ lỏng. Năm 1982, Mike Darwin - đại diện của Tổ chức Kéo dài Sự sống Alcor tại bang Arizona đã thuyết phục thành công gia đình đưa Bedford đến cơ sở của mình và đưa ra chi phí bảo quản thấp hơn. Thi thể đóng băng của ông đã ở đó cho đến tận ngày nay.
Vào năm 1991. tức 24 năm sau khi "đóng băng", thùng nitơ chứa thi thể James Hiram Bedford đã được mở ra lần đầu tiên để thực hiện một cuộc kiểm tra và đánh giá. Hiện trạng của ông được tiết lộ đã khiến nhiều người thấy rùng mình.
Thùng nitơ được mở ra lần đầu và duy nhất vào năm 1991
Sau khi lớp phủ kim loại của chiếc bình được cắt, các kỹ thuật viên của Alcor nhìn thấy James trong một chiếc túi ngủ màu xanh nhạt, quấn vào một chiếc giá bằng dây nylon. Các chuyên gia cho biết gương mặt của ông vẫn như "niêm phong" lại từ khi mất. Việc "ướp xác" bằng nhiệt độ lạnh dường như thực sự có hiệu quả.
Con dâu Bedford bên cạnh thùng nitơ chứa thi thể ông
Thế nhưng khi khám kỹ thì cơ thể ông cũng đã bị hủy hoại một số chỗ. Cụ thể, phần thân trên và cổ cũng như cánh tay của Bedford đổi màu và bị đỏ lên giống như bị viêm do nhiễm trùng. Phần mũi xẹp xuống do bị đè nén bởi một phiến đá khô trong quá trình đóng băng ban đầu, còn phần da trên ngực thì rạn nứt. Mũi và miệng của giáo sư có mùi máu. Mắt ông mở hé và giác mạc có màu trắng phấn của băng. Nếu Bedford được hồi sinh, vẻ bề ngoài của ông sẽ bị biến dạng.
Quá trình bảo quản thi thể của ông được đánh giá là khá tốt
Ban đầu, kế hoạch của James Hiram Bedford là bình nitơ bảo quản sẽ được "mở khóa" vào năm 2017, tức 50 năm sau ngày mất. Thế nhưng sự thật đã chứng minh là đến năm 2022, khoa học vẫn chưa có được giải pháp "hồi sinh" con người như ông ao ước và một mực tin tưởng.
Hiện ở trung tâm Alcor có gần 200 người chờ tái sinh và trên thế giới con số là hàng nghìn
55 năm sau khi "niêm phong" thi thể, người đàn ông đầu tiên làm thí nghiệm đợi hồi sinh vẫn nằm trong bình nitơ lỏng, chờ đợi phép màu. Tất cả người thân của ông đều đã qua đời từ lâu và lựa chọn hình thức chôn cất bình thường. Nếu một ngày Bedford thực sự tỉnh dậy, ông sẽ chỉ có người lạ bên cạnh và thức giấc trong một thế giới đã đổi khác quá nhiều.