Mối họa từ trào lưu nuôi thú cưng độc, lạ

  •  
  • 837

Thay vì nuôi chó, chim, gà, cá… nhiều người chọn cách săn lùng những con vật độc, lạ để nuôi như rùa, thằn lằn, thậm chí là rắn độc. Trào lưu này tiềm ẩn rất nhiều nguy hại.

Những năm trở lại đây, phong trào nuôi thú cưng là những con vật độc, lạ được rất nhiều thanh thiếu niên lựa chọn bởi ngoại hình độc đáo, bắt mắt, cách chăm sóc đơn giản và chúng khá thông minh.

Ðã có rất nhiều những hội, nhóm được thành lập trên các mạng xã hội quy tụ được lượng thành viên rất đông đảo, có hội nhóm thành viên lên đến hàng chục nghìn người. Những buổi offline, họp mặt để mua bán, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc diễn ra rất thường xuyên. Chỉ cần có tiền là trẻ có thể dễ dàng mua những con vật độc, lạ về làm thú cưng.

Hồi tháng 5/2022, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) mới tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi 13 tuổi ở Hà Nội bị rắn độc cắn. Trước đó, cậu đặt rắn lục đuôi đỏ trên mạng về để nuôi làm thú cưng.

Theo lời kể của gia đình, trẻ rất thích nuôi động vật và thỉnh thoảng tìm hiểu về các loài động vật trên mạng. Trước khi nhập viện 2 tuần, trẻ giấu người nhà tự đặt mua trên mạng 3 con rắn lục về nhà nuôi. Khoảng 15h30 ngày 3/5, trong khi thay chuồng cho rắn, trẻ bị rắn cắn vào ngón tay trỏ. Sau tai nạn, trẻ chạy ra báo người nhà. Lúc này cả nhà mới tá hỏa khi thấy 3 con rắn con mua để trong hộp và được giấu trong tủ quần áo.

Hiện cũng có nhiều người thích nuôi khỉ làm thú cưng. Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc phụ trách Chính sách và Pháp luật của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), ít người biết rằng nuôi nhốt khỉ là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Khỉ không phải thú cưng, chúng là động vật hoang dã và thuộc về tự nhiên. Rất nhiều loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng nếu chúng bị nuôi như thú cưng.

ENV khuyến khích người dân không nuôi nhốt khỉ hay các loài động vật hoang dã khác để làm cảnh và thông báo các vi phạm về động vật hoang dã khác đến đường dây nóng miễn phí 18001522 .

Bên ngoài hình thức đẹp là nguy cơ tiềm ẩn

GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, rất nhiều loài côn trùng nói riêng, động vật nói chung có thể được nuôi làm cảnh, nhưng không phải loài nào cũng nuôi được. Có nhiều loài có hình thức đẹp, bắt mắt, nhưng thực chất lại rất độc. Ngoài ra, một số loài không chứa độc tố nhưng lại gây dị ứng như một số loài bướm. Một số loài nhện có hình thức đẹp nhưng cũng rất độc…

Rùa tai đỏ
Sự tồn tại của rùa tai đỏ trong tự nhiên đe dọa tính mạng của nhiều loại động vật khác.

Rùa tai đỏ là một trong những loài vật rất đẹp, được phát tán không kiểm soát từ việc mọi người mua về nuôi vì thấy hình thức của chúng đẹp. Tai đỏ, thân hình có các vệt màu xanh trông rất sặc sỡ. Thế nhưng sự tồn tại của chúng trong tự nhiên lại đe dọa tính mạng của nhiều loài động vật khác do khả năng phát triển mạnh, xâm lấn dẫn đến sự tồn tại độc tôn của loài trong vùng sinh thái đó.

Khi chọn các loại động vật làm cảnh, nên tham khảo danh mục các loại động vật có nọc độc hoặc có khả năng gây độc để tham khảo. Hơn nữa, phải cẩn thận khi tiếp xúc với các loại có nọc độc này vì ngoài khả năng gây dị ứng thì nó còn có khả năng làm chết người.

Hay cá biệt, có một số người chuyên "săn" chó sói rừng để nuôi trong nhà. Tuy nhiên, nước tiểu của chó sói có thể gây dị ứng, mần ngứa nếu tiếp xúc phải. Vì thế, phải vệ sinh thường xuyên cho các loại thú cảnh để tránh tình trạng mang bệnh từ những con vật dùng để cho đẹp.

Đối với các loài được xác định là an toàn để nuôi làm cảnh thì cũng phải thực hiện vệ sinh sạch sẽ, kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phòng tránh dịch bệnh. Không nuôi những loài thú dữ, có nọc độc…, nếu có thì cần có khu nuôi nhốt riêng tránh những tai nạn đáng tiếc.

Cho trẻ nuôi thú cưng, cha mẹ cần nói chuyện nghiêm túc với trẻ và đưa ra một số thỏa thuận cụ thể về việc nuôi dưỡng, chăm sóc. Nên chọn lựa những vật nuôi phổ biến và có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và tiêm chủng đầy đủ. Tuyệt đối không cho trẻ em dưới 7 tuổi nuôi thú cưng hay chơi một mình với vật nuôi dù con vật có hiền lành và nhỏ bé.

Cập nhật: 16/11/2022 SKĐS
  • 837