Một chuyện rất thú vị sẽ xảy ra khi bạn gây mê cho một... cái cây

  •  
  • 2.623

Bạn nghĩ cây cối có bị ảnh hưởng bởi thuốc mê và thuốc tê như con người hoặc động vật không?

Khi nhắc đến hai chữ "gây mê", chúng ta biết nó thường được dùng trong khám chữa bệnh, là phương pháp giúp ta chìm vào giấc ngủ để không còn cảm thấy đau đớn nữa.

Con người cổ đại đã biết dùng một số loại thảo dược để an thần, dễ ngủ. Nhưng đến giữa thế kỷ 19, có thể nói cái nôi của phương pháp gây mê đã xuất hiện, sau khi các nhà khoa học áp dụng diethyl etherto (còn gọi là ê-te) trong quá trình phẫu thuật.

Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn sử dụng thuốc mê lên thực vật? Sẽ rất thú vị đấy!

Thuốc mê cũng có tác dụng lên thực vật.
Thuốc mê cũng có tác dụng lên thực vật.

Chỉ sau vài thập kỷ kể từ khi tạo ra ether, các nhà khoa học đã nhận ra rằng loại thuốc mê ấy cũng có tác dụng lên thực vật. Claude Bernard - chuyên gia sinh lý học người pháp đã thực hiện một nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng, cây cối và động vật có chung một cơ chế cảm nhận với các loại thuốc mê.

Nhưng tác dụng ấy như thế nào? Sau đó nhiều năm, giới khoa học vẫn đang đi tìm câu trả lời. Và cuối cùng trong một nghiên cứu mới đây do các chuyên gia từ Nhật Bản và châu Âu thực hiện, họ đã có được câu trả lời.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã quay lại quá trình một số loại cây tiếp xúc với hóa chất gây mê. Đầu tiên là cây hoa trinh nữ (còn gọi là hoa xấu hổ - Mimosa pudica) - loại thực vật có bộ lá rất nhạy cảm, sẽ cụp lại khi có bất kỳ thứ gì chạm vào. Nhưng khi tiếp xúc với diethyl ether, phản ứng ấy đã biến mất.

Đây là những gì xảy ra khi chạm vào một cái cây xấu hổ.
Đây là những gì xảy ra khi chạm vào một cái cây xấu hổ.

Còn đây là sau khi dùng thuốc mê.
Còn đây là sau khi dùng thuốc mê.

Nói cách khác, khả năng "cụp lá" làm nên tên tuổi của loại cây này đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Phải đến 7h sau, nó mới trở lại bình thường. Không chỉ vậy, trong một thí nghiệm khác chỉ dùng lidocaine - một loại thuốc gây tê, hoa xấu hổ cũng trở thành "mặt trơ trán bóng", không thể cụp lá được nữa.

Tương tự là loài cây bắt ruồi Venus (dionaea muscipula) nổi tiếng với vẻ ngoài như một con quái vật ăn thịt người. Khi tiếp xúc với ether, cây hoa cũng chẳng còn bẫy được con ruồi nào nữa.

Cây bẫy ruồi...
Cây bẫy ruồi...

Hay như Cape sundew - một trong những loài cây ăn thịt siêu hiếm trên thế giới. Chúng sở hữu những chiếc lá rất dính, có thể bắt côn trùng, cuộn lại và xơi tái trong vòng 30 phút. Nhưng sau khi dùng thuốc mê, ruồi cứ vô tư đậu trên lá cây mà chẳng bị làm sao cả.

Hay Cape Sundew đều sẽ bị vô hiệu hoá nếu gặp thuốc mê.
Hay Cape Sundew đều sẽ bị vô hiệu hoá nếu gặp thuốc mê.

Vậy tại sao thực vật cũng "bất động" vì thuốc mê như con người? Theo các chuyên gia, có thể nguyên nhân là vì thuốc đã gây ức chế các xung điện khi cây cỏ thực hiện chức năng sinh học.

"Điện sinh học không chỉ có trong con người và động vật, mà cây cối cũng có" - Các chuyên gia cho biết.

Nghiên cứu này có ý nghĩa gì? Với việc xác định được sự tương đồng trước các tác động từ thuốc mê giữa thực vật và con người, khoa học tin rằng đó sẽ là một bước ngoặt lớn. Chúng ta có thể cân nhắc thử nghiệm thuốc mê trên thực vật trước, thay thí nghiệm trên các loài động vật như hiện tại - điều mà rất nhiều tổ chức đang kịch liệt phản đối.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Botany.

Cập nhật: 15/12/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 2.623