Một đảo tại châu Á biến mất

  •  
  • 1.794

Trong gần 30 năm qua Ấn Độ và Bangladesh tranh chấp quyền quản lý một đảo đá nhỏ trong vịnh Bengal. Tranh cãi chưa tới hồi kết thì đảo đã chìm bởi hiện tượng biến đổi khí hậu.

Một phần rừng đước Sunderbans. Đây là rừng đước lớn nhất thế giới. Ảnh: travelpod.com.

Theo AP, cả Ấn Độ và Bangladesh đều tuyên bố chủ quyền đối với New Moore – hòn đảo đá không người ở có kích thước 3,5 x 3 km trong rừng đước Sunderbans ở phía bắc vịnh Bengal. Người Bangladesh đặt tên đảo là Nam Talpatti, còn Ấn Độ gọi nó là New Moore hoặc Purbasha. Ấn Độ đã điều một số binh sĩ tới đảo vào năm 1981 để cắm cờ quốc gia.

Giáo sư Sugata Hazra thuộc Đại học Jadavpur tại thành phố Calcutta, Ấn Độ cho biết, đảo New Moore trong đã chìm hoàn toàn dưới nước. Hazra nói ảnh vệ tinh và các binh sĩ tuần tra trên biển cũng xác nhận sự biến mất của đảo.

“Hiện tượng ấm lên của trái đất đã giải quyết vấn đề mà hai nước không thể đạt được sự nhất trí bằng những cuộc thương lượng trong nhiều năm”, AP dẫn lời Hazra.

Giới khoa học lo ngại hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến băng ở hai cực trái đất tan vĩnh viễn và làm tăng mực nước biển. Trong suốt một thập kỷ qua các chuyên gia của khoa Hải dương thuộc Đại học Jadavpur đã nhận thấy mực nước trong vịnh Bengal tăng với tốc độ đáng báo động. Năm 2000 mực nước biển mới chỉ tăng thêm 3 mm mỗi năm. Song trong thập kỷ qua nước biển tăng thêm khoảng 5 mm hàng năm.

AP cho hay, Lohachara, một hòn đảo gần New Moore, đã chìm trong năm 1996, buộc người dân trên đó phải chuyển vào đất liền. Gần một nửa diện tích một hòn đảo có tên Ghoramara trong vịnh Bengal cũng chìm dưới nước. Hazra khẳng định ít nhất 10 đảo khác trong vịnh cũng có thể biến mất trong tương lai.

“Sẽ có rất nhiều người sinh sống trong rừng đước Sunderbans phải di chuyển do nhiều đảo trong khu vực này chìm xuống nước”, vị giáo sư nói.

Bangladesh là một trong nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu. Nhiều mô hình khí hậu cho thấy, mực nước tại các bờ biển của Bangladesh có thể tăng thêm 100 cm trước năm 2050. Giới chức Bangladesh cho rằng 18% diện tích các vùng gần bờ biển sẽ bị nước nhấn chìm và khoảng 20 triệu người sẽ phải rời bỏ nơi cư trú nếu mực nước biển tăng thêm 100 cm.

Vịnh Bengal là một phần của Ấn Độ Dương và có diện tích 2.173.000 km2. Nó tiếp giáp với các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh, Myanmar và bán đảo Mã Lai.

Theo VnExpress
  • 1.794