Một khi biết kẹo dẻo được làm ra thế nào, bạn sẽ không muốn ăn chúng nữa

  •   44
  • 2.373

Nếu bạn là một fan của các loại kẹo dẻo (hay còn gọi là kẹo chip chip) và muốn mua chúng về trong dịp Tết tới, chúng tôi khuyên bạn nên cân nhắc ngừng đọc bài viết này. Bởi bài viết sẽ tiết lộ một sự thật mà ngành công nghiệp kẹo dẻo không muốn bạn biết, một sự thật có thể ám ảnh bạn mãi mãi và vĩnh viễn.

Kẹo dẻo
Kẹo dẻo rất được trẻ em yêu thích.

Nếu bạn vẫn muốn tiếp tục, hãy bắt đầu từ nhãn dán thành phần của một gói kẹo dẻo bất kỳ. Thông thường bạn sẽ thấy sản phẩm được làm từ nước, đường, syrup ngô, dầu thực vật, phẩm màu và hương liệu. Còn gì nữa không? Thành phần quan trọng nhất để khiến kẹo có độ dẻo: gelatin. Nhưng nó là gì vậy?

Đoạn phim dưới đây của nhà làm phim người Bỉ Alina Kneepkens sẽ tiết lộ cho bạn biết gelatin trong các loại kẹo dẻo được làm ra như thế nào, chúng có nguồn gốc từ đâu. Một lần nữa, chúng tôi khuyến cáo bạn cân nhắc không xem video này, đặc biệt là khi đang ăn kẹo dẻo:


Kẹo dẻo được làm ra như thế nào?

Hóa ra gelatin trong các sản phẩm kẹo dẻo được chiết xuất ra từ collagen, chính là protein đàn hồi có trên da của bạn. Khi bạn nhấn ngón tay vào da mình mà thấy da lõm xuống rồi lại căng lên, hãy cảm ơn các phân tử collagen. Còn khi da bạn xuất hiện nếp nhăn hoặc không còn đàn hồi như hồi trẻ nữa, đó là hậu quả của một phần collagen đã bị lão hóa.

Nhưng collagen không chỉ có ở trên da, nó còn là một protein thiết yếu tạo nên các sợi cơ cho phép bạn vận động, xương giúp cơ thể bạn vững chắc và nhiều mô cơ quan khác.

Với tất cả chức năng quan trọng này, collagen tất nhiên cũng có trong cơ thể các loài động vật. Các nhà sản xuất nguyên liệu thực phẩm biết điều đó, và họ sẽ nhắm đến việc thu thập collagen từ phụ phẩm của ngành chăn nuôi, cụ thể là da và xương của bò hoặc lợn.

Để tiết kiệm chi phí vận chuyển, một nhà máy sản xuất gelatin thông thường sẽ được xây ngay cạnh lò mổ. Đó là nơi mà nguyên liệu thô được đưa tới, kiểm tra chất lượng và phân loại.

Bên trong nhà máy sản xuất gelatin.
Bên trong nhà máy sản xuất gelatin.

Da, xương, các bộ phận đã thối rữa sẽ được bỏ đi, phần còn lại được đưa vào các cỗ máy cắt nhỏ. Nhà sản xuất sau đó rửa nguyên liệu dưới vòi nước áp suất cao, trước khi ngâm chúng trong nước nóng để tách dầu và chất béo.

Khi hàm lượng chất béo đã giảm xuống khoảng dưới 2%, nguyên liệu thô được vớt lên và đưa lên băng chuyền, tới một máy sấy công nghiệp.

Kế đó là quá trình xử lý axit và kiềm kéo dài khoảng 5 ngày. Da và xương động vật được ngâm trong các bể axit clohydric 4% với pH nhỏ hơn 1,5 và natri cacbonat với pH trên 7. Mục đích là loại bỏ toàn bộ các khoáng chất và vi khuẩn, tạo điều kiện cho quá trình giải phóng collagen.

Công đoạn quan trọng nhất xảy ra sau đó, nơi collagen được đun sôi với nước cất trong những bể chiết lớn để biến tính thành gelatin. Dung dịch gelatin sau đó được thu hồi và thanh trùng nhanh trong 4 giây dưới nhiệt độ 140 độ C.

Gelatin

Gelatin nguyên chất sẽ chảy ra ngoài, sau đó được cô đặc và ép thành tấm.
Gelatin nguyên chất sẽ chảy ra ngoài, sau đó được cô đặc và ép thành tấm.

Các bộ lọc sau đó tiếp tục làm nhiệm vụ tách sản phẩm thừa ra khỏi hỗn hợp. Gelatin nguyên chất sẽ chảy ra ngoài, sau đó được cô đặc và ép thành tấm. Cuối cùng để có được bột gelatin, nhà sản xuất sẽ đưa các tấm vào máy xay cho đến khi chúng thực sự nhuyễn và mịn.

Tùy mục đích, bột gelatin thành phẩm sẽ được đóng gói để đưa tới các nhà sản xuất bánh kẹo, thực phẩm chế biến hoặc bán trực tiếp ra siêu thị, cho những ai muốn tự làm thạch rau câu ở nhà.

Với tính chất đặc trưng của nó, gelatin thường được dùng để làm các loại thực phẩm có tính dẻo và sệt như kẹo, thạch, mứt, sữa chưa, pho mát, súp, nước sốt. Thậm chí nó còn được cho thêm vào một số loại thuốc, vitamin và cả mỹ phẩm.

Vì vậy, một lời khuyên đối với những người ăn chay, hãy đọc thành phần thực phẩm trước khi bạn thấy gelatin phá vỡ niềm tin và sự nhân từ của mình. Rất may là trên thị trường cũng có một số loại kẹo dẻo, chẳng hạn như Trader Joe không chứa gelatin.

Có một phân tử gọi là agar, được chiết xuất từ tảo cũng có tính chất dẻo và có khả năng thay thế cho gelatin. Nếu loại kẹo dẻo bạn mua chứa agar thì bạn sẽ không phải lo lắng cho chế độ ăn chay của mình.

Gelatin thường được dùng để làm các loại thực phẩm có tính dẻo và sệt
Gelatin thường được dùng để làm các loại thực phẩm có tính dẻo và sệt.

Ngược lại, những người ăn thực phẩm chứa gelatin cũng được an ủi phần nào bởi hóa ra đây lại là một chất dinh dưỡng. Gelatin chứa tới 18 axit amin và có hàm lượng protein cao.

Một trong số đó là lysine, axit amin có tác dụng thúc đẩy hấp thụ canxi, làm chắc xương, giảm tình trạng loãng xương và tăng sức khỏe cơ bắp. Axit amin glycine có trong gelatin giúp cải thiện giấc ngủ và một số chức năng thần kinh.

Protein có trong gelatin thì có thể giúp bạn giảm cân, nhờ vào việc tăng cảm giác no và năng lượng. Ngoài ra gelatin còn chứa axit glutamic, được chuyển hóa thành glutamine giúp hỗ trợ tiêu hóa và làm khỏe niêm mạc dạ dày.

Một nghiên cứu năm 2014 chỉ ra glycine, một axit amin khác có trong gelatin, có thể giúp những người mắc bệnh tiểu đường type 2 kiểm soát tình trạng bệnh của mình. Tuy nhiên, đây không phải lời khuyên rằng bạn nên ăn kẹo dẻo để có được lợi ích đó. Bởi hàm lượng đường trong kẹo dẻo rất cao và sẽ gây hại hơn là tác dụng tới từ gelatin.

Loại gelatin lành mạnh nhất mà bạn có thể ăn là gelatin làm tại nhà.
Loại gelatin lành mạnh nhất mà bạn có thể ăn là gelatin làm tại nhà.

Hóa ra loại gelatin lành mạnh nhất mà bạn có thể ăn là gelatin làm tại nhà. Giới quý tộc Anh trong thế kỷ 15 từng hầm chân bò suốt 24 giờ để có được thứ nước dùng chứa đầy gelatin. Bây giờ bạn cũng có thể làm điều đó bằng cách đun thịt hoặc xương còn sót lại sau khi chế biến các món gà, lợn hoặc bò với lửa nhỏ.

Cho thêm cà rốt, hành tây hoặc rau thơm để có thêm hương vị. Thỉnh thoảng hãy kiểm tra và chế thêm nước cho món súp của bạn. Đến khi dung dịch có vẻ sệt lại thì đó là lúc bạn thu được nước gelatin, rất phù hợp để ăn ngay hoặc thêm vào súp và các món hầm khác.

Tết này nếu thèm gelatin hãy chế biến nó như vậy, để tiết kiệm thực phẩm thừa và cân nhắc một lần nữa với món kẹo dẻo bạn nhé.

Cập nhật: 10/01/2022 Theo Pháp luật&bạn đọc
  • 44
  • 2.373