Một lỗ đen kích cỡ sao Mộc đang di chuyển xuyên thiên hà

  •   4,52
  • 5.399

Các nhà thiên văn phát hiện một loạt các dòng khí quay quanh nguồn trọng lực vô hình, nằm cách trung tâm dải ngân hà khoảng 26.000 năm ánh sáng.

Nhóm các nhà thiên văn thuộc Đài quan sát quốc gia Nhật Bản đã công bố một khám phá lạ thường: Một lỗ đen với kích cỡ sao Mộc đang du hành xuyên qua thiên hà chúng ta.

Lỗ đen ra đời do sự sụp đổ bên trong lõi của một ngôi sao khi chết đi. Chúng có rất nhiều kích cỡ và được xếp loại vào các lớp. Một lỗ đen có thể chỉ nhỏ vài cây số, hoặc to bằng cả một hành tinh. Lỗ đen lớn nhất to bằng hàng tỷ mặt trời gộp lại, được cho là tồn tại ở tâm thiên hà.

Các lỗ đen có kích cỡ bằng một hành tinh được xếp vào loại trung bình, với lỗ đen lớn nhất ở lớp này cũng chỉ bằng Mặt trời. Chúng hiếm hơn nhiều so với hai loại còn lại và thường di chuyển một mình vô định trong không gian.

Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy các lỗ đen lang thang này trong những dịp hiếm hoi, khi chúng gặp phải một loại vật chất nào đó (đám mây khí hoặc một ngôi sao), và bắt đầu nuốt chửng nạn nhân.

Các nhà khoa học chỉ phát hiện ra lỗ đen khi nó tương tác với một loại vật chất khác trong vũ trụ.
Các nhà khoa học chỉ phát hiện ra lỗ đen khi nó tương tác với một loại vật chất khác trong vũ trụ. (Ảnh: Curiosmos).

Đây chính xác là điều mà nhà thiên văn học Shunya Takekawa và nhóm của ông đã phát hiện ra: Một loạt các gợn sóng trong đám mây khí liên sao, cho thấy sự hiện diện của một lỗ đen khối lượng trung bình đang đi ngang qua nó.

Đặc biệt, nhóm các nhà thiên văn đã có thể quan sát một loạt các dòng khí quay quanh nguồn trọng lực vô hình, nằm cách trung tâm dải ngân hà khoảng 26.000 năm ánh sáng.

Sử dụng kính viễn vọng Atacama Large Millim Array (ALMA) ở Chile, các nhà khoa học đã có thể xác định hình dạng của đám mây. “Lần đầu tiên khi kiểm tra dữ liệu ALMA, tôi đã rất phấn khích vì khí quan sát có chuyển động quỹ đạo rõ ràng, điều này cho thấy một vật thể vô hình khổng lồ đang ẩn nấp”, nhà vật lý thiên văn học Shunya Takekawa cho biết

Theo Takekawa, những lỗ đen này di chuyển tương đối nhanh so với khí bao quanh, vì vậy chúng chỉ hấp thụ một phần nhỏ và tạo ra rất ít ánh sáng.

Đối với các nhà nghiên cứu, lỗ đen đặc biệt này có thể sẽ mất khoảng 10.000 năm để tiêu thụ tất cả khí gas xung quanh nó.

Người ta cho rằng vũ trụ là ngôi nhà của vô số quái vật vô hình tương tự, đang di chuyển quanh các thiên hà khác nhau. Vấn đề là chúng gần như không thể phát hiện, trừ khi tương tác với vật chất gần đó như trường hợp của lỗ đen đặc biệt này.

Cập nhật: 04/03/2019 Theo Zing
  • 4,52
  • 5.399