Câu chuyện bên dưới kể về một phạm nhân lừa đảo đã làm mọi cách để nghiên cứu về một thiết bị bí ẩn nào đó mà cảnh sát Mỹ đã sử dụng để bắt anh.
Thiết bị này được sử dụng để tìm thấy vị trí chính xác căn nhà mà anh đang ở ngay cả khi nhà mạng Verizon không làm được. Tất cả nỗ lực trong tù của anh này đã giúp anh được trả tự do, kết hợp giữa một trí óc của người thông minh có phần bất bình thường với niềm tin cực lớn về việc mình sẽ thành công. Mời các bạn đọc qua, đảm bảo chẳng thua gì phim hành động, qua đó bạn sẽ hiểu được về cách mà người ta dò vị trí bằng mạng di động cũng như đức tính không bao giờ từ bỏ khi còn có thể.
Ngày 6 tháng 5 năm 2008, một gói hàng chứa 68.000$ tiền mặt được chuyển tới cửa hàng FedEx ở thành phố Palo Alto, California, Mỹ. Những tờ tiền này đã được rửa sạch bằng nhiên liệu đèn dầu giống như chỉ dẫn, gói hàng cũng được hút chân không hai lần và đặt vào trong một con thú nhồi bông và gói quà lại. Ngay cả cửa hàng này cũng được lựa chọn cẩn thận: đây là nơi mở xuyên đêm và chỉ cách trạm tàu điện ngầm 150m. Gói hàng được giao theo kiểu general delivery và sẽ được một người tên Patrick Stout tới lấy.
Số tiền này đang được theo dõi một cách cẩn thận. Nó được chuẩn bị bởi một người đưa tin, người từng là tội phạm, đã bị bắt và đang kết hợp với một lực lượng liên ngành của FBI, Sở thuế Vụ Mỹ và Dịch vụ bưu chính Mỹ để điều tra một chuyên án về thuế.
Khoảng 5 giờ sáng, đối tượng xuất hiện. Một người đàn ông da trắng mặc áo khoác đen đi vào từ cửa sau, trình bằng lái xe của mình với tên Patrick Stout, lấy gói hàng và nhanh chóng rời đi. Hắn ta xé gói hàng ở cái thùng rác nằm gần cửa hàng FedEx, nhét con thú nhồi bông vào túi và đi về phía trạm tàu. Hai cảnh sát nhanh chóng bám đuôi nhưng bị đối tượng phát hiện và cắt đuôi rất nhanh. Các đặc vụ đổ xô tới trạm tàu nhưng không thể tìm được hắn ta đang lẫn giữa dòng người đi tàu buổi sáng sớm. Những chuyến tàu có thể đưa nghi phạm tới bất kì thành phố nào nằm dọc bờ tây nước Mỹ từ San Francisco đến San Jose, ngoài ra nó còn đi thẳng tới sân bay của thành phố.
Chỉ vài phút sau khi lấy hàng, người đàn ông tên Stout đã biến mất.
Gói hàng được giao theo kiểu general delivery và sẽ được một người tên Patrick Stout tới lấy.
Từ đây, tất cả mọi đầu mối khác dường như không dẫn về đâu cả. Bằng lái của Stout là đồ giả: địa chỉ không tồn tại, số chứng minh nhân dân thuộc về một người phụ nữ ở Bakersfield. Stout tiếp tục nói chuyện với người đưa tin của cảnh sát và cho biết anh ta không hề biết mình bị theo dõi ở cửa hàng FedEx nọ, chỉ là anh ta cảm thấy sợ nên đi nhanh hơn và lẩn trốn. Vài tuần sau, Stout tiếp tục nhận một gói hàng là các thanh vàng trị giá 18.000$ cũng ở cùng cửa hàng FedEx đó nhưng khi các điều tra viên biết được thì mọi chuyện đã rồi.
Người đưa tin thông báo cho lực lượng liên ngành về một loạt các tài khoản ngân hàng mà anh ta được hướng dẫn sử dụng để gửi tiền vào, tất cả đều dùng tên giả - Sam Blat, Benjamin Cohan, Aaron Johnson. Trong những tài khoản này có hơn 400.000$ rải đều ra. FBI có thể cho đóng băng số tài sản này nếu họ trình cho ngân hàng xem những bằng chứng đã thu thập, nhưng điều đó sẽ đánh động đối tượng. Họ muốn bắt hắn ta, không phải làm hắn ta sợ rồi trốn mất.
Manh mối tốt nhất mà họ có được là một địa chỉ IP mà Stout sử dụng để điền hồ sơ khai thuế giả mạo. Nó xuất phát từ một chiếc AirCard của nhà mạng Verizon Wireless. Đây là thiết bị cho phép laptop truy cập vào Internet bằng mạng di động ngay cả khi máy tính không có khe SIM tích hợp, bạn có thể tưởng tượng nó giống như USB 3G ở Việt Nam chúng ta. Vấn đề là chiếc AirCard nói trên cũng được đăng kí bằng một cái tên giả khác với thời hạn sử dụng vừa đủ để nhận được hàng. AirCard cũng không bị ràng buộc vào bất kì địa chỉ nhà nào như mạng Internet cáp quang. Mỗi khi Stout sử dụng thiết bị, Verizon chỉ biết được nghi phạm được kết nối tới trạm phát sóng nào đó ở thành phố San Jose và chỉ vậy thôi, không thể truy vết hắn tới tận nơi.
3 tháng sau vụ ở cửa hàng FedEx, ngày 3/8 cùng năm, lực lượng liên ngành đột nhập vào một căn hộ gần sân bay San Jose được thuê dưới tên Steven Travis Brawner. Các đặc vụ đã bắt được Stout ở gần đó và có lệnh lục soát căn hộ cũng như các tủ đồ của hắn ta. Họ tìm thấy 117.000$ tiền mặt, 230 ounce vàng, 588 ounce bạc, chiếc áo khoác màu tối và Verizon AirCard với tài khoản ngân hàng. Khi vụ việc kết thúc, các đặc vụ đã tìm thấy 1,4 triệu USD.
Vì sao cảnh sát lại có thể tìm thấy vị trí căn hộ của Rigmaiden?
Nghi phạm bị kết án với 35 tội lừa đảo tiền, 35 tội giả mạo danh tính, và 3 tội danh nhỏ khác - nhiêu đây cũng đủ để hắn ta phải ngồi tù cả đời. Sau đó ít hôm, khi lấy vân tay, cảnh sát cuối cùng cũng phát hiện được tên thật của hắn: không phải Rupard, Stout, Brawner, Aldrich hay bất kì cái tên nào khác. Tên thật của hắn là Daniel Rigmaiden.
Nhưng vì sao cảnh sát lại có thể tìm thấy vị trí căn hộ của Rigmaiden? Không có bằng chứng gì trên hồ sơ pháp lý nói tới điều đó. Để phát hiện Rigmaiden, các điều tra viên đã phải dùng một thiết bị bí mật nào đó cho phép họ track nghi phạm với độ chính xác còn cao hơn những gì Verizon có thể làm được. Họ gọi đây là "cell-site simulator", còn tên thương mại của thiết bị là Stingray (tiếng Việt có nghĩa là con cá đuối). Cả hai từ này đều không xuất hiện trong những hồ sơ gửi lên tòa, và vì lý do nào đó thiết bị này phải được giấu kín kể cả với thẩm phán.
Stingray đã hoạt động một cách hoàn hảo. Các đặc vụ tìm được vị trí của chiếc AirCard mà nghi phạm sử dụng và giờ đã có đủ bằng chứng để buộc tội. Nhưng nhiều năm sau đó, vụ án dù đã đóng nhưng vẫn ẩn chứa một thứ gì đó cực kì phức tạp. Từ trong tù, Rigmaiden đã làm mọi cách để đưa thiết bị này ra ánh sáng.
Tháng 10 năm 2015, trang The Verge đã gặp Rigmaiden ở thành phố Phoenix, nơi Rigmaiden đang sống sau khi được thả từ một nhà tù liên bang gần đó khoảng một năm về trước. Với sự ám ảnh về tính riêng tư tột độ, Rigmaiden hẹn gặp anh chàng của trang The Verge tại một trung tâm mua sắm gần đó. Họ rủ nhau đi cắm trại vì Rigmaiden là một người thích đi dã ngoại, và câu chuyện ly kỳ về hành trình đưa Stingray ra ánh sáng bắt đầu.
Sinh ra ở Seaside, California, Rigmaiden ra ở riêng sau khi học xong trung học và sống trong những khu dành cho sinh viên. Anh ta nhanh chóng trở thành một chuyên gia làm giả chứng minh thư và bán chúng cho những cô cậu tuổi teen muốn vào bar uống bia.
Vào một ngày đẹp trời, anh quyết định sẽ ẩn mình đi khỏi thế giới. "Tôi không muốn gắn kết với hệ thống xã hội này. Tôi cần lùi đi một bước và bức ra". Rigmaiden dọn đến sống ở một motel nhỏ gần bờ biển, đôi khi sống ở trong một cái lều hay các khu vực cắm trại. "Chỗ đó thật bình yên", anh nói.
Anh ta dành một mùa hè ở Big Sur, một khu vực xa xôi của California nổi tiếng với các cây tùng bách (redwood). Anh tạo ra một khu cắm trại ở sâu trong rừng và tự phát triển thú vui bay nhảy tự do giữa các cây và giữa những vách đá với nhau. Anh thích hoạt động, thích sự tự do, và trên hết là thích cảm giác được đứng trên cao với một chút sợ hãi trong đó. "Gần như bạn phải bám chặt vào vách đá. Vì bạn biết rằng nếu bạn té xuống thì bạn chết chắc".
Những chuyến du hành như thế này tiêu tốn nhiều tiền hơn so với những gì Rigmaiden kiếm được từ việc bán chứng minh nhân dân giả, vậy nên anh nghĩ tới một cách khác: nộp đơn hoàn thuế của những người vừa mới qua đời. Anh thích những cú lừa này vì theo anh, nó không làm ảnh hưởng tới nạn nhân cụ thể nào. Bạn đang không trộm tiền của một ai đó còn sống. Mỗi lần được hoàn thuế như vậy thường anh ta nhận được tới cả nghìn đô la. Theo thời gian, cách này tỏ ra cực kì có hiệu quả và đem lại cho Rigmaiden nhiều tiền hơn những gì anh cần để sinh tồn. Rigmaiden làm theo một quy luật: bán ID giả và lừa tiền hoàn thuế trong 6 tháng để kiếm tiền, sau đó dành hẳn 1 năm đi chơi.
Tất nhiên, Rigmaiden luôn rất cẩn trọng về danh tính của mình. Tên của anh thường xuyên thay đổi, và cứ mỗi một tủ đồ anh thuê hoặc một lần gửi đồ đều được sử dụng với chứng minh thư giả khác nhau. Mỗi nước đi đều được tính toán kĩ: từ chiếc máy tính dùng để điền đơn hoàn thuế cho đến bưu điện nơi tiền được giao đến, từ người giao nhận sẽ đi lấy gói tiền cho tới các tài khoản ngân hàng dùng để đổ tiền vào. Theo như những gì anh đã thiết lập, không một thứ gì có thể dùng để truy vết ra Rigmaiden.
Trừ chiếc AirCard đó. Anh không nghĩ rằng cảnh sát có đủ "trình" để theo vết anh, nhưng anh biết rõ rằng sẽ có cách làm. Nói về cách hoạt động, chiếc AirCard sẽ phát sóng ra theo đủ mọi hướng khác nhau, giống như một con chó sủa giữa đường đi qua lại đông đúc. Khi tín hiệu chạm tới một trạm sóng của Verizon, nó đã bị trộn với hàng nghìn tín hiệu từ những thiết bị khác. Nhưng về lý thuyết, một ai đó khi có trong tay đúng thiết bị thì vẫn có thể tìm ra được con chó nào đang đứng sủa và sủa ở đâu.
Trong nhiều năm trước đó, điểm yếu của AirCard chỉ là một giả thuyết. Nhưng khi bị bắt tại căn hộ của mình vào năm 2008, Rigmaiden biết rõ rằng đây là sự thật. Ngay khi bị bắt, Rigmaiden nghĩ liền tới chiếc AirCard về thủ phạm đã "bán đứng" mình. Lực lượng liên ngành đã dùng một thiết bị nào đó, một thiết bị không ai biết. Suy nghĩ sau đó của anh đó là anh sẽ phải làm gì đó để đưa thiết bị này ra ánh sáng, và điều đó không đơn giản. "Tôi biết tôi phải học cả một hệ thống pháp lý để thoát ra khỏi tù".
Kể từ ngày bị bắt, anh đã luôn nghĩ về việc được thoát tội trong khi vẫn bị chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác. Anh viết rất nhiều thư cho luật sư của mình, thường là ghi kín hết tờ giấy yêu cầu của tù nhân chỉ bằng cây bút chì dài 7cm được nhà tù cấp cho. Nhưng điều đó dường như không thay đổi được gì. Anh phải đối mặt với một vụ án liên bang với các nhân chứng cộng đồng. Việc đánh đồng về một thiết bị bí mật, về những con sóng radio vô hình sẽ chỉ mang thêm rắc rối cho anh mà thôi.
Nhưng anh vẫn tin rằng chính phủ Mỹ đang giấu một thứ gì đó. Anh đã thấy lệnh khám xét nhà anh, nhưng trên đó không ghi lý do gì cả, ngoại trừ việc các nhà điều tra đã dùng "dữ liệu lịch sử của các trạm phát sóng điện thoại và những kĩ thuật khác". Nhưng một trạm phát sóng nhận cả nghìn tín hiệu từ cả nghìn điện thoại cùng lúc. Ngay cả những dữ liệu chi tiết nhất cũng không đủ để dẫn tới đúng một căn hộ nào đó. Phải có thứ gì khác.
Anh làm việc liên tục 6 ngày trong tuần, đôi khi là 15 giờ mỗi ngày. Khi anh không thể in một hồ sơ nào đó, anh tự viết tay ra giấy.
Nếu anh đoán đúng, điều này có nghĩa là các đặc vụ đang giấu thẩm phán một thứ gì đó, và chỉ nhiêu đó đã đủ để vụ án bị bãi bỏ. Nhưng vấn đề là lời phản biện của anh toàn là về vấn đề kĩ thuật mà chỉ có một mình anh hiểu. Luật sư của anh chẳng biết trạm phát sóng là gì. Thẩm phán cũng thế. Thế là anh bắt đầu dành nhiều tiếng đồng hồ trong thư viện của nhà tù, thường là 3 tiếng mỗi tuần, cho đến khi anh tìm được câu trả lời.
Ở đây, anh gặp một người bạn quý giá, là một luật sư bị bỏ tù vì tội lừa đảo. Rigmaiden học được về các phiên tòa, cách chúng diễn ra, về những hồ sơ, lời cáo buộc và những yêu cầu mà nguyên đơn và bị đơn thường sử dụng. Cuối cùng, Rigmaiden quyết định sử dụng chiến thuật "cuộc chiến pháp lý" bằng cách gửi tới tòa một loạt đơn kiến nghị và các đề xuất. "Khi bạn thuê một luật sư, người đó sẽ phải chọn ra những thứ họ có thể thách thức quan toàn vì giới hạn thời gian, tiền bạc. Còn tôi thì thách thức hết tất cả mọi thứ".
Vậy là Rigmaiden sa thải luật sư đầu tiên, rồi sa thải luôn cả luật sư thứ hai và cuối cùng được cho phép tự bào chữa cho chính mình. Tòa cho phép anh tăng thời gian vào thư viện lên thành 5 tiếng mỗi ngày. Anh làm việc liên tục 6 ngày trong tuần, đôi khi là 15 giờ mỗi ngày. Khi anh không thể in một hồ sơ nào đó, anh tự viết tay ra giấy.
Trong khi đó, anh cũng tìm dấu vết của một thiết bị bí ẩn nào đó đã bắt anh. Tháng 10 năm ngoái, tòa cho phép anh tiếp cận tới những hồ sơ trong vụ án của mình, đâu đó khoảng 14.000 trang. Trong quá trình sục sạo thùng hồ sơ gần cuối, anh thấy chữ "Stingray" được ghi tay trong ghi chú của một điều tra viên. Anh nghĩ đây là một thương hiệu nào đó.
Thư viện của nhà tù không có kết nối Internet, nhưng người quản lý vẫn có thể google giúp bạn một thông tin nào đó nếu bạn yêu cầu. Cuối cùng, Rigmaiden tìm thấy một brochure nói về Stingray của công ty Harris Corporation, trên đó quảng cáo đúng những tính năng mà anh đang nghi ngờ. Giờ thì anh đã biết thiết bị đó có tồn tại, thứ anh cần chứng minh tiếp theo đó là cảnh sát dùng nó để bắt anh. Trong một biên bản họp của Hạt Maricopa, có một số người đồng ý mua cho cảnh sát một thiết bị nào đó mà người chi trả là chính phủ. Bởi vì không có đấu thầu công khai nên hóa đơn mua hàng phải được trình ra cho công chúng. Hóa đơn này nói về một thiết bị cell-site simulator do Harris Corporation sản xuất.
Thiết bị dò sóng này, cũng như các thiết bị dò sóng khác, hoạt động bằng cách khai thác một lỗ hổng cơ bản trong mạng di động. Điện thoại của chúng ta luôn lắng nghe tín hiệu từ các trạm phát sóng gần nhất hoặc trạm có ít lưu lượng nhất tại một thời điểm nào đó. Khi nó thấy tín hiệu, điện thoại sẽ phản hồi một dãy số định danh cho trạm biết, chính là số điện thoại của bạn. Tuy nhiên, tín hiệu này không bắt buộc phải xuất phát từ một trạm của nhà mạng. Do không có một quy trình xác thực nào được thực thi ở giai đoạn đầu nên các thiết bị dò vị trí có thể xen vào, phát hiện ra số định danh cũng như vị trí tương đối của điện thoại đang nằm trong khu vực.
Các nhà nghiên cứu bảo mật đã cảnh báo điều này từ những năm 90, một số còn cáo buộc các nhà mạng cố tình mở nó ra để phục vụ cho các đơn vị thi hành pháp luật. Vào thời điểm Rigmaiden bị bắt, cuộc đấu tranh này gần như đã không còn nữa.
Năm 2003, Harris Corporation giới thiệu Stingray, một thiết bị mỏng, nhỏ hơn so với những chiếc máy dò sóng trước đó, kèm theo chiến dịch quảng cáo mạnh ở thị trường Mỹ. Các cơ quan tình báo Mỹ đã dùng nó để theo dõi những đối tượng ở nước ngoài. Cảnh sát Mỹ còn đặt Stingrays vào máy bay và cho bay vòng vòng thành phố để thu thập đâu đó vài chục nghìn số điện thoại chỉ để tìm ra một số mà họ cần. Theo thời gian, thiết bị được cấp cho các sở cảnh sát địa phương, nơi thiết bị có thể được xài để tìm ra những kẻ giết người hay bắt cóc.
Năm 2003, Harris Corporation giới thiệu Stingray, một thiết bị mỏng, nhỏ hơn so với những chiếc máy dò sóng trước đó.
Mỗi khi mua một thiết bị nào đó từ Harris, họ kí thỏa thuận không tiết lộ về nó trong những tài liệu công cộng. Nếu Stingray bị tiết lộ, theo lời Harris, thì tội phạm sẽ biết và thiết bị sẽ trở nên vô dụng ngay lập tức. Các cơ quan vẫn cần quyết định từ tòa để có thể dùng thiết bị, nhưng họ chỉ dùng những từ ngữ rất chung chung để mô tả về Stingray. Trong hầu hết trường hợp, thẩm phán không hề biết họ đang kí phép sử dụng cho Stingray.
Nhưng họ cũng không thể giấu mọi dấu vết. Rigmaiden tìm thấy Stingray ở nhiều nơi khác nhau trên web. Anh tìm những bằng sáng chế của Harris để hiểu hơn về cách hoạt động của thiết bị. Anh cũng có yêu cầu được biết thêm thông tin về thiết bị dựa trên Luật tự do thông tin nhưng không được chấp thuận vì đây là "phương thức bí mật". Anh cũng đọc thật kĩ những vụ án tương tự như mình để biết về cách mà cảnh sát có thể tìm ra được hacker.
Sau hơn 2 năm nỗ lực, Rigmaiden tìm được hàng trăm trang tài liệu nói về Stingray. Anh cần một đồng minh nào đó, vậy nên anh gửi những gì mình tìm được cho rất nhiều các tổ chức bảo vệ quyền riêng tư nhưng thường không nhận lại được gì hơn ngoài một lá thư. Không chỉ vì anh đang theo đuổi một thiết bị ma mà còn do anh đã nộp hàng trăm hồ sơ khác lên tòa. Một người bình thường sẽ chấp nhận tình hình và ngoan ngoãn trong tù. Còn tập hồ sơ dày như một quyển danh bạ của Rigmaiden đã cho thấy anh không phải là một người bình thường.
Rồi Rigmaiden gửi hồ sơ của mình cho Christopher Soghoian, một nghiên cứu sinh tiến sĩ đang nghiên cứu về việc giám sát thông qua băng tần mạng di động. Có nhiều thứ chưa rõ ràng, nhưng Soghoian biết rằng thứ mà Rigmaiden đang nói tới rất có thể có tồn tại. Anh bị thuyết phục rằng Rigmaiden đã đúng.
Soghoian đem hồ sơ này gửi tiếp cho Jennifer Valentino-Devries, một phóng viên của tờ The Wall Street Journal. Một tháng sau đó, câu chuyện của cô được đăng ngay trang nhất của tờ báo, lần đầu tiên đưa Stingray ra ánh sáng và nói về một công nghệ có thể thách thức quyền hiến pháp của người dân Mỹ. Khi một tờ báo được đưa tới buồng giam của Rigmaiden, anh hết sức bất ngờ. Lần đầu tiên, anh có lý do để nghĩ rằng phát hiện của anh có liên quan tới nhiều vụ án hơn là chỉ có mỗi vụ của anh.
Tuy nhiên, tình hình của Rigmaiden không thay đổi nhiều. Các công tố viên không hủy vụ án chỉ vì một sự nhập nhằng trong lệnh khám xét, và mặc dù tin tức về Stingray đã làm yếu thế bên nguyên đơn nhưng mọi thứ vẫn được tiến hành. Anh tiếp tục dội bom với thật nhiều yêu cầu mới, và tòa buộc phải xem xét những yêu cầu đó theo đúng quy trình. Anh thậm chí còn kiện dân sự FBI với một số lý do khác nhau.
Năm 2013, các công tố viên đưa ra một thỏa thuận với cáo buộc hình sự của Rigmaiden. Rigmaiden tin rằng thỏa thuận này là rất quan trọng. "Lý do họ muốn từ bỏ vụ án này không phải vì họ lo lắng việc Stingray sẽ bị lộ thêm, nó đã bị lộ đầy rồi. Lý do chính đó là họ muốn thoát khỏi tôi và tất cả những hồ sơ mà tôi đưa lên tòa. Tôi mang lại cho họ quá nhiều việc để làm và chiếm hết nguồn lực của họ". Tháng 4 năm 2014, Rigmaiden chính thức nhận thỏa thuận này và bước ra khỏi nhà tù với vai trò của một con người tự do!
Tháng 4 năm 2014, Rigmaiden chính thức nhận thỏa thuận này và bước ra khỏi nhà tù với vai trò của một con người tự do!
Rigmaiden giờ đang sống một cuộc sống bình thường. Anh không kiếm được tiền từ những công việc pháp lý mà anh đã làm trong tù, anh cũng vừa nghỉ việc ở vai trò của một người tiếp thị qua điện thoại và chuẩn bị nhận việc làm nhân viên phát triển web. Anh không có xe hơi riêng (lý lịch của anh khiến anh khó vay tiền mua), vậy nên anh phải đi một chặng đường dài bằng xe bus hoặc tàu điện. Năm ngoái, anh đứng lên nói chuyện ở một diễn đàn dành cho luật sư của bị đơn tại University of Arizona, một trải nghiệm mà anh muốn làm thêm một lần nữa. Hiện tại, thỏa thuận của anh với cảnh sát không cho anh đi ra khỏi khu vực Phoenix, một hình thức án treo.
"Bạn phải nhận thấy tình hình nào mà bạn có thể tạo ra sự khác biệt và chộp lấy nó", Rigmaiden nói. "Tôi không nghĩ rằng bạn sẽ gặp cơ hội đó thường xuyên đâu".