Một nhóm các nhà khoa học Mỹ và Canada vừa công bố kết quả nghiên cứu giúp củng cố giả thuyết cho rằng một số kim loại quý trên lớp vỏ Trái đất, trong đó có platin và palađi, có nguồn gốc từ vũ trụ.
Nhà địa chất học James Brenan, thuộc Đại học Toronto (Canada) và đồng nghiệp William McDonough thuộc Đại học Maryland (Mỹ) đã tái tạo một môi trường có nhiệt độ lên tới 2.000 độ C và áp suất rất lớn. Với nhiệt độ như vậy, tất cả các kim loại đã bị nóng chảy hoàn toàn và tách khỏi lớp vỏ đá của Trái đất.
|
Ảnh minh họa: success.co.il |
Các nhà nghiên cứu cho rằng nhiệt độ cực lớn trong lớp lõi của Trái đất được hình thành hơn 4 tỉ năm trước chắc chắn đã làm nóng chảy và tách biệt hoàn toàn các kim loại quý khỏi lớp vỏ đá, sau đó những kim loại quý này lắng xuống trong lõi Trái đất.
Tuy nhiên, việc loài người vẫn phát hiện, thậm chí khai thác nhiều kim loại quý như osimi, iridi, platin, ruteni, rôđi, palađi... tại lớp vỏ của Trái đất chứng tỏ đã có một sự bổ sung các kim loại đó trên bề mặt Trái đất thông qua các trận mưa thiên thạch từ vũ trụ.
Theo hai nhà nghiên cứu, các thiên thạch rơi xuống Trái đất đã góp phần tạo nên những mỏ khoáng sản trên hành tinh của chúng ta.
Theo khảo sát của các nhà thiên văn học, trong thiên hà có chứa những kho báu khổng lồ mà không ai ngờ tới, đó là rất nhiều mỏ vàng, bạc, platin... và các kim loại quý hiếm khác.
Tính đến nay, giới khoa học và thiên văn học đã tìm ra được tổng cộng hơn 30.000 thiên thạch, trong đó 7.000 thiên thạch đã được nghiên cứu chi tiết và trong hầu hết các thiên thạch này đều chứa một lượng đáng kể những tài nguyên và khoáng sản quý hiếm như bạch kim, ruby, titan, kim cương...