Theo các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nhiều thành phố có thể bị nước biển nhấn chìm trong 100-200 năm tới.
NASA cho biết, dữ liệu vệ tinh mới nhất chỉ ra mực nước biển sẽ dâng cao ít nhất một mét trong vòng 100–200 năm tới. Các dải băng ở Greenland và Nam Cực đang tan nhanh, đại dương ấm lên và mở rộng ở tốc độ nhanh hơn so với trước đây.
Nguyên nhân khiến nước biển dâng cao là do băng tan. (Ảnh: Liam Quinn/Flickr.)
Giáo sư Michael Freilich, Giám đốc bộ phận Khoa học Trái Đất ở NASA, nhận định, mực nước biển dâng cao có thể nhấn chìm hoàn toàn một số quốc đảo trong khu vực Thái Bình Dương. Những bang nằm ở vùng trũng của Mỹ như Florida cùng với một số thành phố lớn trên thế giới như Tokyo có nguy cơ biến mất.
Những dự đoán của NASA dựa trên kết quả từ một loạt cao độ kế đo mực nước biển từ không trung. NASA và Cơ quan hàng không Pháp CNES bắt đầu phóng vệ tinh đo mực nước biển vào năm 1992.
"Các thiết bị đo rất nhạy. Nếu đặt trên một máy bay dân dụng ở độ cao 1.200 m, chúng có thể phát hiện gờ của một đồng xu nằm trên mặt đất," Giáo sư Freilich cho biết.
Theo NASA, tính từ năm 1992 đến nay, các đại dương trên thế giới đã dâng lên trung bình 7,6 cm, một số khu vực cá biệt có mức dâng 23 cm. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do nước băng tan. Các dải băng ở Greenland tan chảy với khối lượng 303 tỷ tấn mỗi năm trong thập kỷ vừa qua. Tương tự, Nam Cực cũng bị mất trung bình 118 tỷ tấn băng/năm.