“Mũi điện tử” giúp phát hiện bệnh suyễn

  •  
  • 110

Các chuyên gia Hà Lan cho biết một dụng cụ được đặt tên là mũi điện tử (Enose) có thể giúp phát hiện sự khác nhau trong hơi thở của người bị suyễn và người không bị suyễn, và nhờ đó có khả năng trợ giúp việc chẩn đoán bệnh này.

Tuy nhiên “dụng cụ đánh hơi” này vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu và chưa phân biệt được mức độ bệnh suyễn nặng hay bệnh suyễn nhẹ một cách hiệu quả.

Tác giả cuộc nghiên cứu, bác sĩ Silvano Dragonieri thuộc Trung tâm Y khoa của Trường Đại học Leiden cho biết: “Cái mũi điện tử của chúng tôi có thể phân biệt được người bị bệnh suyễn nhẹ và nặng với người khỏe mạnh ở mức độ phân biệt khá tốt. Tuy nhiên, khả năng phân biệt mức độ bệnh giữa bệnh suyễn nhẹ và bệnh suyễn nặng lại yếu hơn”. Ông cho biết thêm: Nếu được các cuộc nghiên cứu khác xác nhận thì “công nghệ mũi điện tử có thể là một phương pháp (chẩn đoán) không xâm lấn, nhanh chóng, rẻ tiền và dễ thao tác.”

Đường thông khí bị hẹp ở bệnh suyễn (Ảnh: Diseases-explained.com)

Bác sĩ Dragonieri đã trình bày phát minh này tại Hội nghị Quốc tế của Hội Lồng ngực Mỹ được tổ chức tại San Francisco.

Hiện nay, các bác sĩ chủ yếu dựa vào các triệu chứng và đo chức năng phổi để chẩn đoán bệnh suyễn. Theo ông Clifford Bassett, bác sĩ chuyên về bệnh suyễn và dị ứng và là giảng viên về lâm sàng thuộc trường y của Đại học New York thì các dấu hiệu của bệnh suyễn gồm có ho, hụt hơi, thở khò khè, và cảm thấy căng ở ngực.

Vấn đề ở đây là các bệnh khác như viêm phế quản, viêm xoang, và hút thuốc thụ động quá nhiều cũng có những dấu hiệu và triệu chứng tương tự. Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh này không phải lúc nào cũng đơn giản.

Khi nói về tiềm năng của loại dụng cụ mới này, bác sĩ Bassett cho biết: “Suyễn là một bệnh thường gặp và có thể điều trị được, nhưng nó cũng là một loại bệnh có thể đe dọa mạng sống con người. Điều quan trọng là các bác sĩ có thể làm tốt công việc của mình hơn bằng mọi cách để phân loại những bệnh nhân suyễn có nguy cao.”

Mũi điện tử phát hiện bệnh suyễn thông qua các bộ phận cảm ứng hơi hóa chất bằng cách tìm ra các hóa chất được gọi là hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) có trong hơi thở ra.

Bác sĩ Dragonieri cho biết: “Hơi thở của con người là một hỗn hợp chứa hàng ngàn hợp chất hữu cơ bay hơi và chúng có thể được dùng làm các dấu chỉ của bệnh phổi.” Những dụng cụ như mũi điện tử đã được sử dụng trong ngành thực phẩm, rượu và dầu thơm, và chúng còn có thể phát hiện cả chất nổ hoặc các loại hóa chất độc hại, khiến cho công nghệ này trở nên hữu ích trong cuộc chiến chống khủng bố.”

Bên cạnh cuộc nghiên cứu dùng mũi điện tử trong chẩn đoán bệnh suyễn, người ta còn đang nghiên cứu công nghệ này để đánh giá tính hữu dụng của nó trong việc phát hiện ung thư phổi.

(Ảnh: Diseases-explained.com)Các nhà nghiên cứu giải thích: Mỗi người đều có một “mùi đặc trưng” riêng mà dụng cụ này có thể phân biệt được. Để đánh giá tính hiệu quả của mũi điện tử trong việc chẩn đoán chính xác bệnh suyễn, nhóm của bác sĩ Dragonieri đã tiến hành so sánh mùi đặc trưng của 20 người bị suyễn gồm 10 người có bệnh đường thở ở mức độ nhẹ và 10 người có bệnh đường thở ở mức độ nặng, với mùi đặc trưng của 20 người tình nguyện khỏe mạnh.

Dụng cụ này phân biệt được người bị bệnh suyễn với người không bị suyễn hiệu quả đến 95%, nhưng khi phân biệt giữa bệnh suyễn nhẹ với suyễn nặng thì chỉ đạt hiệu quả 65% .

Bác sĩ Dragonieri giải thích: “Có một số nguyên nhân lý giải tại sao dụng cụ này không nhạy cảm khi phát hiện sự khác nhau giữa các mức độ bệnh suyễn, nhưng chúng tôi chỉ suy đoán mà thôi. Có thể đó là do thành phần các hợp chất hữu cơ bay hơi, bất kể là bệnh nặng hay bệnh nhẹ, vì thế những thay đổi của phổ các hợp chất hữu cơ bay hơi là đáng ghi nhận giữa người khỏe mạnh và người bị suyễn, và sự thay đổi này càng trở nên ít rõ ràng hơn giữa người bị suyễn nhẹ và người bị suyễn nặng.”

Ông cho biết thêm: “Công nghệ mũi điện tử vẫn còn đang ở giai đoạn phôi thai. Nó có thể trở thành một dụng cụ chẩn đoán hữu ích, nhưng vẫn còn phải thực hiện thêm nhiều bước nữa trước khi phương pháp này được xác nhận.”

Linh Anh

Theo HealthDay News, Sở KH & CN Đồng Nai
  • 110