Mười sự kiện nổi bật ngành tài nguyên môi trường

  •  
  • 922

Ngày 6/1, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố 10 sự kiện nổi bật trong năm 2011 với nhiều cột mốc đáng chú ý.

Trong đó phải kể đến việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu; Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức thành công Phiên họp Hội đồng lần thứ 17 của Ủy hội Sông Mê Công quốc tế; Tái lập Tổng cục Địa chất và Khoáng sản…

Xin giới thiệu với độc giả toàn bộ 10 sự kiện:

1. Quốc hội thông qua Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020

Tại kỳ họp thứ 2 (tháng 11/2011), Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 2011- 2015 cấp Quốc gia. Theo đó, phải bảo đảm giữ vững 3,8 triệu ha đất lúa vào năm 2020.

2. Tái lập Tổng cục Địa chất và Khoáng sản

Theo Quyết định 26/2011/QĐ-TTg, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản chính thức tái lập sau 21 năm. Sự kiện này đánh dấu những nỗ lực vượt bậc của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành địa chất trong hơn 65 năm qua. Ngày 01/10/2011, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã chính thức ra mắt.

3. Tổ chức thành công Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về khoáng sản (ASOMM 11) và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về khoáng sản (AMMin 3).

Hội nghị đã ra Tuyên bố Hà Nội với thông điệp mạnh mẽ về tầm nhìn và quyết tâm hành động của các vị lãnh đạo, đưa ASOMM nhanh chóng trở thành khuôn khổ hợp tác thực chất và hiệu quả về lĩnh vực khoáng sản, góp phần nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.

4. Quốc hội ra Nghị quyết Giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề và đưa Chương trình Mục tiêu Quốc gia Khắc phục và Cải thiện ô nhiễm môi trường vào thực hiện giai đoạn 2011 - 2015.

Việc Quốc hội giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề và thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia sẽ tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý về môi trường, đồng thời tạo sự đồng bộ trong việc xử lý nguồn gây ô nhiễm và môi trường đang bị ô nhiễm hiện nay.

5. Hồ Ba Bể được công nhận là khu Ramsa.

Mười sự kiện nổi bật ngành tài nguyên môi trường

Nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6/2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao Quyết định của Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế).

Khu Ramsar Quốc gia Ba Bể có hồ rộng khoảng 500 ha trên độ cao 178 m so với mặt nước biển. Đây là hồ tự nhiên trên núi duy nhất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở Việt Nam.

6. Lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới 2011

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới 2011 (22/3) với chủ đề "Nước cho phát triển đô thị" do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại tỉnh Ninh Thuận thu hút sự tham gia của hơn 3.000 người. Sự kiện này gây được tiếng vang lớn nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước.

7. Việt Nam tổ chức thành công Phiên họp Hội đồng lần thứ 17 của Ủy hội Sông Mê Công quốc tế

Lần đầu tiên, Việt Nam tổ chức thành công Phiên họp Hội đồng lần thứ 17 của Ủy hội Sông Mê Công quốc tế (25 - 26/01/2011). Phiên họp đã thông qua nhiều Văn kiện quan trọng như Quy chế Chất lượng nước, Chiến lược Phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước, Kế hoạch Chiến lược và Văn kiện của một số Chương trình then chốt của Ủy hội giai đoạn 2011-2015.

Phiên họp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh Hợp tác Mê Công đang phải đối mặt với những thách thức lớn của biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước, đã định hướng cho một giai đoạn mới của Ủy hội Sông Mê Công quốc tế trong 5 năm tới.

8. Tuần lễ Quốc gia Biển và Hải đảo

Từ 5 đến 8/6/2011, Tuần lễ Quốc gia Biển và Hải đảo đã diễn ra tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đây là sự kiện thường niên với quy mô cấp quốc gia nhằm tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tiềm năng của biển và hải đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.

9. Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu theo Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011.

Chiến lược này xác định rõ tầm nhìn đến năm 2100, Việt Nam phấn đấu trở thành một quốc gia thịnh vượng, văn minh, phát triển bền vững với nền kinh tế cac-bon thấp, ứng phó thành công với biến đổi khí hậu và có vai trò quan trọng trong khu vực và thế giới.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng có tầm nhìn "xuyên thế kỷ" trong cuộc chiến lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu.

10. Thành lập Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 19/8/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1430/QĐ-TT thành lập Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh.

Đây là trường đại học thứ hai của ngành và là đại học chuyên ngành về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trọng điểm phía Nam, đáp ứng nhu cầu về phát triển nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường trong điều kiện mới.

Theo Vietnam+
  • 922