Nấm 635 triệu năm tuổi là hóa thạch trên cạn lâu đời nhất hành tinh

  •  
  • 294

Các nhà khoa học mới đây đã tiết lộ phát hiện ra hóa thạch trên cạn lâu đời nhất thế giới ẩn mình bên trong những tảng đá trầm tích 635 triệu năm tuổi từ Trung Quốc.

Hình ảnh hiển vi cho thấy những vi khuẩn dạng sợi giống như nấm được tìm thấy gần đây ở Trung Quốc, có thể là hóa thạch trên cạn lâu đời nhất từng được tìm thấy.

Ước tính các loại nấm lập kỷ lục đóng vai trò quan trọng trong việc kết thúc Kỷ Băng hà khiến Trái đất đóng băng cách đây 650 triệu năm.

Hóa thạch vi khuẩn dạng sợi, có khả năng là một loài nấm cổ, ở Trung Quốc.
Hóa thạch vi khuẩn dạng sợi, có khả năng là một loài nấm cổ, ở Trung Quốc. (Ảnh: Andrew Czaja).

Tác giả chính của nghiên cứu Tian Gan cho biết: "Đó là một khám phá tình cờ. Vào thời điểm đó, chúng tôi nhận ra rằng đây có thể là hóa thạch mà các nhà khoa học đã tìm kiếm từ lâu. Nếu giải thích của chúng tôi là chính xác, nó sẽ rất hữu ích cho việc tìm hiểu về sự thay đổi khí hậu và sự tiến hóa đầu đời".

Gan hiện đang làm việc với tư cách là một nhà nghiên cứu thỉnh giảng trong phòng thí nghiệm của đồng tác giả nghiên cứu Shuhai Xiao, giáo sư khoa học địa chất tại Virginia Tech.

Kể từ khi các nhà khoa học lần đầu tiên tìm thấy bằng chứng về sự kiện Trái đất đóng băng như quả cầu tuyết, họ đã phải vật lộn để giải thích cách sự sống tồn tại và cuối cùng trở lại bình thường.

Khi phát hiện ra vi nấm, Gan và Xiao tin rằng sinh vật nhỏ bé sống trong hang động đã giúp đảo ngược các vòng phản hồi khiến hành tinh chìm sâu vào Kỷ Băng hà.

Nấm giúp thực vật định cư trong môi trường trên cạn bằng cách phá vỡ đá và chất hữu cơ cứng, tái chế chất dinh dưỡng có thể được sử dụng bởi thực vật trên cạn và mang ra đại dương, nơi chúng có thể nuôi các vi sinh vật biển.

"Nấm có mối quan hệ tương hỗ với rễ cây, giúp chúng huy động các khoáng chất, chẳng hạn như phốt pho. Do có mối liên hệ với thực vật trên cạn và các chu trình dinh dưỡng quan trọng, nấm trên cạn có tác động thúc đẩy quá trình phong hóa sinh hóa, chu trình sinh địa hóa toàn cầu và các tương tác sinh thái khác", Gan cho biết.

Các nghiên cứu trước đây đã lần ra nguồn gốc của liên minh giữa thực vật và nấm từ khoảng 400 triệu năm trước theo dòng thời gian tiến hóa, nhưng một số nhà khoa học đã tự hỏi liệu nấm có thể đã xuất hiện trước thực vật trên cạn hay không.

"Tôi nghĩ rằng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có. Hóa thạch giống nấm của chúng tôi già hơn 240 triệu năm so với kỷ lục trước đó. Đây là kỷ lục lâu đời nhất về nấm trên cạn", Xiao nhấn mạnh.

Trong nhiều thập kỷ, các lớp đá dolostone phía trên của Hệ tầng Doushantuo ở Nam Trung Quốc đã mang lại rất nhiều hóa thạch, nhưng các nhà khoa học chưa bao giờ mong đợi tìm thấy hóa thạch trong số các lớp dưới cùng của hệ tầng.

Cách đây không lâu, các nhà nghiên cứu đã nghi ngờ liệu phần còn lại của các sinh vật nhỏ bé như nấm có thể được lưu giữ trong các tảng đá cổ đại hay không.

Và mới đây, các nhà khoa học đã có bằng chứng cho thấy nấm và các vi sinh vật khác vẫn tồn tại trong các hang động cổ xưa trong thời kỳ Trái đất có tuyết, chờ ngày trở lại trạng thái bình thường.

Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu đã có kế hoạch khám phá các mối quan hệ giữa các loại nấm mới được phát hiện và các sinh vật khác sống trong hang động cổ đại.

Xiao nhận định: "Việc hiểu các sinh vật trong bối cảnh môi trường liên quan luôn là điều quan trọng. Chúng tôi có ý kiến chung rằng chúng sống trong các hốc nhỏ trong đá dolostone. Nhưng ít người biết về cách chúng sống chính xác và cách chúng được bảo quản. Tại sao một thứ như nấm, không có xương hoặc vỏ, lại có thể được lưu giữ trong hồ sơ hóa thạch là một bí ẩn".

Cập nhật: 31/01/2021 Theo Dân Trí
  • 294