Nạn gái thiếu trai thừa đang đe dọa thế giới

  •  
  • 2.262

Chỉ tính riêng Ấn Độ và Trung Quốc đã có 66 triệu đàn ông bị "thừa ra", bằng 80% dân số của Việt Nam hiện nay. Các nhà dân số học lo sợ, sự chênh lệch giới tính của hai nước này sẽ gây khủng hoảng cho toàn thế giới.

(Ảnh: void.odessa.ua)Tại một ngôi làng nhỏ ở Ấn Độ, ông Ramcharan thường xuyên vò đầu bứt tóc trước yêu cầu của 5 cậu con trai lớn. Họ đều đã đến tuổi lập gia đình nhưng trong thôn xóm lại khan hiếm con gái. Cố gắng mãi, ông mới tìm được một cô 16 tuổi ở làng bên có tên là Kalki để "mua" về cưới cho cậu cả. Khi gia đình đang chuẩn bị lễ cưới thì một tình huống trớ trêu xảy ra: Cả 4 cậu con trai kia cũng đều muốn lấy Kalki làm vợ. Ngoài ra, ông bố chồng tương lai, vì vắng bóng phụ nữ lâu ngày, cũng đâm ra xao xuyến trước vẻ thùy mị dịu dàng của cô gái.

Đó là kịch bản bộ phim Ấn Độ "Matrubhoomi, một thế giới không đàn bà" được chiếu ở Pháp đầu năm 2005, nói lên một thực trạng đáng lo ngại không phải chỉ có ở Ấn Độ.

Nửa đầu thế kỷ 20, thế giới lâm vào tình trạng trai thiếu gái thừa, nguyên nhân chủ yếu do chiến tranh. Thế nhưng đến nửa sau của thế kỷ 20, do các biện pháp kiểm soát sinh sản có hiệu quả và quan niệm trọng nam khinh nữ ở nhiều nơi, hiện tượng đảo ngược - gái thiếu trai thừa - đã trở thành một vấn nạn lớn, nhất là tại Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước đông dân nhất thế giới. Đến nay, dân số hai nước này đã lên đến 2,4 tỷ người, chiếm 38% toàn cầu.

Tại Trung Quốc, trong những thập niên cuối thế kỷ vừa qua, để làm giảm áp lực của đà gia tăng dân số lên sự phát triển kinh tế xã hội, chính phủ nước này đã đề ra một chiến lược hạn chế sinh sản nghiêm khắc: Mỗi cặp vợ chồng chỉ được có một con nếu không muốn đánh mất những quyền lợi cơ bản trong sinh hoạt cộng đồng. Trong khi đó, quan niệm "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (một trai đã kể như có, 10 gái cũng kể như không) vẫn thịnh hành trong xã hội. Không có con trai để nỗi dõi tông đường là một đại họa bởi vì chỉ con trai mới có thể thờ phụng ông bà, trông coi nhà cửa đất đai do tổ tiên để lại.

Với những tiến bộ trong kỹ thuật siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, các cặp vợ chồng dễ dàng quyết định phá thai khi phát hiện đang có mang con gái. Kết quả là nam giới Trung Quốc ngày càng nhiều hơn và nữ ngày càng ít đi.

Tương tự, người Ấn Độ có câu: "Nuôi một cô con gái là kể như tưới vườn cho ông hàng xóm". Vì thế, trước chính sách kiểm soát sinh sản nghiêm ngặt của chính phủ (chỉ cho phép mỗi gia đình được sinh một con), các ông bố bà mẹ đành nhờ vào y học để chọn lựa giới tính cho đứa con sẽ chào đời. Trong thời gian mang thai, họ đến các bệnh viện xin siêu âm và khi phát hiện bào thai là gái, nhiều người không ngần ngại đi phá.

Từ lâu, các nhà dân số học đã đưa ra khái niệm sex-ratio, tạm gọi là chỉ số giới tính, để chỉ tỷ lệ tự nhiên về giới tính. Theo đó, bình quân 100 trẻ sơ sinh nữ thì có 103-106 trẻ sơ sinh nam. Gần đây, tỷ lệ đó bị phá vỡ. Ở Trung Quốc, con số 111/100 vào năm 1989 đã tăng lên đến 117/100 vào năm 2000. Ở Ấn Độ, tuy nam giới tăng chậm hơn nhưng cũng ở mức 106/100 vào năm 1991 và 108/100 vào năm 2001. Ở một số vùng, tỷ lệ này đáng báo động hơn nữa. Tại hai bang Penjab và Haryana thuộc Ấn Độ, cứ 125 trẻ em nam mới có 100 trẻ nữ chào đời. Còn ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), tỷ lệ này đã lên đến mức kỷ lục 132/100.

Theo kết quả điều tra dân số năm 2005, Ấn Độ có 566 triệu công dân nam, 536 triệu công dân nữ. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 676-640 triệu. Như vậy, số nam công dân ở hai nước này vượt trội nữ tới 66 triệu người. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì sự cách biệt nam nữ tính trên tổng số dân sẽ lên đến con số hàng trăm triệu, bằng dân số vài ba nước trung bình nhập lại.

Một kết quả nghiên cứu năm 2005 dự báo, từ nay đến 2015, sẽ có khoảng 40 triệu thanh niên Trung Quốc và Ấn Độ không cưới được vợ. Điều này sẽ dẫn đến những căng thẳng xã hội và từ năm 2050 trở đi, nó có nguy cơ làm lung lay nền tảng dân số thế giới.

Theo các nhà dân số học, để đảm bảo tính kế thừa giữa các thế hệ nối tiếp nhau, tỷ lệ số trẻ ra đời so với số phụ nữ hiện diện trong xã hội ít nhất phải ở mức 2,1/1. Nhưng ở Trung Quốc, chỉ số này đã tụt xuống còn 1,8/1 và có xu hướng giảm nữa. Sự sụt giảm dân số tại Trung Quốc chắc chắn sẽ xảy ra, tuy đáp ứng được nhu cầu tiết giảm dân số của riêng nước này song về lâu về dài, phần còn lại của thế giới sẽ không bù đắp nổi sự thiếu hụt này.

Những xáo trộn về dân số sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khác về kinh tế xã hội. Sinh suất giảm, tuổi thọ con người tăng cao dẫn đến dân số thế giới mỗi ngày một già đi, đó là đe dọa rất lớn cho sự phát triển bền vững cả về mặt kinh tế lẫn xã hội cho toàn thế giới

(Ảnh: execuhealth.com)Về mặt xã hội, ngay từ bây giờ đã xuất hiện nhiều sự bất ổn. Khi hàng chục triệu đàn ông đã qua tuổi tứ tuần, ngũ tuần mà vẫn chưa tìm được mái ấm gia đình, họ phải bám víu vào một giải pháp bất đắc dĩ là "tìm vợ phương xa". Hậu quả là ngày càng nhiều các cô gái nước ngoài nhắm mắt đưa chân lấy những ông chồng Trung Quốc, Đài Loan chưa từng quen biết để mong đổi đời. Một số khác bị lừa bán. Các cuộc hôn nhân này khó mang lại hạnh phúc.

Một nghiên cứu của các nhà tội phạm học còn cho thấy, xác suất tội sát nhân ở những người đàn ông có gia đình luôn thấp hơn đàn ông độc thân hay đã ly dị. Điều này cũng dễ hiểu, bởi chính trách nhiệm với vợ con đã buộc những người có gia đình luôn phải cân nhắc trong mọi hành động.

Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính, gần đây Trung Quốc đã cấm các bệnh viện siêu âm xác định giới tính thai nhi, ngoại trừ những ca chẩn đoán để điều trị cấp thời. Biện pháp này cũng chỉ đem lại phần nào hiệu quả khi mà siêu âm là một kỹ thuật rất phổ biến.

Căn cơ hơn là biện pháp giáo dục cho mọi người từ bỏ dần tâm lý trọng nam khinh nữ. Tại Hàn Quốc, năm 1990, chỉ số giới tính là 117/100, ngang Trung Quốc ngày nay. Tuy nhiên, ngay vào thời điểm đó, nước này đã nhân rộng các chiến dịch đề cao vai trò người phụ nữ trong đời sống cộng đồng, tạo điều kiện tốt nhất cho phụ nữ tham gia vào xã hội. Và đến nay, chỉ số giới tính của Hàn Quốc đã giảm còn 110/100.

Theo Kiến Thức Ngày Nay, Vnexpress
  • 2.262