Nàng Helen của thành Troy là có thật?

  •   23
  • 9.267

Nàng Helen - người đàn bà tuyệt mỹ được miêu tả trong bản trường ca bất hủ Iliad của Homer - là dựa trên một người phụ nữ có thật.

Theo giả thuyết mới do học giả Bettany Hughes đưa ra, nhân vật truyền thuyết Helen được lấy cảm hứng từ một nữ hoàng giàu có sống ở miền Nam Hy Lạp vào thời kỳ đồ đồng.

Hughes, nguyên là học giả Đại học Oxford, đã thực hiện các cuộc nghiên cứu về người Balkan, Hy Lạp, và Tiểu Á. Trong cuốn sách của mình: Helen of Troy: Goddess, Princess, Whore, bà viết: "Tôi tin rằng cả 3 con người này - công chúa, nữ thần và con điếm - đều nằm trong người nàng Helen, và hình mẫu của nàng được lấy từ một trong những nữ hoàng Sparta giàu có sống và chết ở mảnh đất Hy Lạp vào khoảng thế kỷ 13 trước Công nguyên; một người phụ nữ chỉ đi ngủ vào lúc đêm khuya và thức dậy khi mặt trời vừa hé, một con người hoàn toàn trần tục, một nữ quý tộc chủ trì các nghi lễ tôn giáo huyền bí, một người đàn bà được tôn kính, vinh danh và có quyền lực sánh ngang các vị thần. Một con người sống vượt qua mọi thời đại".

Dựa trên những tác phẩm của Homer, Sappho và lịch sử gia Herodotus, Hughes cho rằng cung điện của Helen nằm trên ngọn đồi Therapne gần con sông Eurotas. Ba bộ xương của một phụ nữ 30 tuổi và 2 đứa trẻ đã được khai quật tại khu vực này, cùng với dấu tích của những công trình đã bị ngọn lửa thiêu huỷ. Người ta vẫn chưa rõ điều gì xảy ra tại khu vực, nhưng Hughes cho rằng cuộc sống của Helen rất ngắn ngủi, bởi tuổi thọ trung bình của phụ nữ Mycenaea chỉ là 28 năm.

"Phụ nữ thời đó làm mẹ từ khi 12 tuổi, lên chức bà ngoại khi 24 tuổi và chết trước tuổi 30", Hughes nói.

Nhà văn Homer đã miêu tả Helen có làn da trắng toả ánh sáng lung linh mờ ảo. Hughes cho rằng thứ ánh sáng lung linh đó bắt nguồn từ loại vải tẩm dầu thơm oliu - mốt thời thường của phụ nữ giàu có giai đoạn này.

Trong khi người Hy Lạp thường có tóc đen, thì những bức hoạ từ thời của Helen khoảng 3.500 trước tiết lộ có ít nhất một người phụ nữ mang mái tóc đỏ hung và đôi mắt xanh. Hughes cho rằng chính Helen có mái tóc như vậy và điều đó thể hiện một quyền lực tôn giáo đặc biệt ở nàng.

Theo tài liệu cổ, Helen đã kết hôn nhưng lại có vụ scandal tình ái với hoàng tử thành Troy tên là Paris. Mặc dù các nhà văn miêu tả Helen bị cưỡng bức, nhưng Hughes cho rằng cuộc yêu đương đến từ cả 2 phía.

Các cuộc khai quật thực hiện vào thế kỷ 19 và chỉ vài năm trước cũng cho thấy thành Troy từng nằm tại nơi là Hissarlik ngày nay ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những đầu mũi tên bằng đồng và các bộ xương của người bị thương càng thêm khẳng định rằng một cuộc ác chiến đã diễn ra tại thành Troy trong quãng đời của Helen.

Trong tác phẩm Iliad, Homer miêu tả chiến tranh thành Troy đã được nhen nhóm từ cơn thịnh nộ của chồng Helen là vua Meneleus khi chứng kiến cuộc ngoại tình của vợ mình với hoàng tử Paris. Nhưng chính sự giàu có của thành Troy cũng biến nó thành một mục tiêu hấp dẫn.

Tuy vậy, gương mặt của nữ hoàng Sparta không đủ để làm khởi thuỷ hàng nghìn con tàu, Hughes nhận định. Một hạm đội như thế có thể làm tan nát cả khu vực. Bà cho rằng chỉ khoảng 7 thuyền tham chiến là cùng.

Tim Whitmarsh, một học giả về văn học Hy Lạp tại Đại học Exeter, Anh, lại cho rằng không thể có một nhân vật Hy Lạp thật đằng sau truyền thuyết về Helen."Người phụ nữ Hy Lạp điển hình, được miêu tả trong bài thơ nổi tiếng của Semonides, giống như một con ong chăm chỉ: nàng cần mẫn làm việc tại nhà, tạo ra vải vóc cho các gia đình. Helen, trong khi đó, là một nhân vật tội lỗi, một người đàn bà lăng loàn, một người phụ nữ không chịu yên phận, kẻ khơi nguồn chiến tranh, và chẳng mang lại điều gì cho đàn ông ngoài những rắc rối".

M.T. (theo Discovery)

Theo VnExpress
  • 23
  • 9.267