Nắng nóng làm tăng nguy cơ sinh non

  •  
  • 45

Ngày 29-5, báo The Guardian dẫn một nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết nắng nóng làm tăng tỉ lệ sinh non, khiến sức khỏe ngắn và dài hạn của trẻ yếu hơn.

Các bà mẹ da màu, những người nói tiếng Tây Ban Nha và thuộc nhóm có thu nhập thấp tại nước này chịu ảnh hưởng nhiều nhất sau các đợt nắng nóng.

Nắng nóng khiến thai phụ không chỉ căng thẳng mà còn dễ sinh non hơn
Nắng nóng khiến thai phụ không chỉ căng thẳng mà còn dễ sinh non hơn - (Ảnh minh họa của Getty).

Nghiên cứu được công bố trong bối cảnh tình trạng nhiệt độ cực đoan đang diễn ra ngày càng thường xuyên, kéo dài với cường độ cao do biến đổi khí hậu. Năm 2023, toàn cầu chứng kiến mức nhiệt kỷ lục, cao nhất vào tháng 7.

Bên cạnh những ảnh hưởng trực tiếp từ nắng nóng, người mang thai còn dễ bị căng thẳng, say nắng và kiệt sức do nhiệt độ tăng cao. Điều này ảnh hưởng xấu đến thai nhi và việc sinh hoạt hằng ngày.

"Những phát hiện trên cho thấy, các bà mẹ thuộc nhóm dân số có thu nhập thấp khó tránh khỏi tác hại từ nhiệt độ và phải trải qua nhiều vấn đề khác liên quan", bà Lyndsey Darrow, tác giả nghiên cứu và giáo sư dịch tễ học tại Đại học Nevada (Mỹ), cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét 53 triệu ca sinh diễn ra từ năm 1993 đến 2017 tại 50 khu vực đô thị của Mỹ. Sau 4 ngày nhiệt độ cao liên tiếp, các nhà khoa học nhận thấy số ca sinh trước 37 tuần của thai kỳ tăng 2% và tăng 1% đối với ca sinh từ tuần 37 đến tuần 38 của thai kỳ.

Giai đoạn này, thai nhi đã trông giống như trẻ sơ sinh bình thường song vẫn chưa sẵn sàng để chào đời, hệ miễn dịch vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

"Tỉ lệ sinh non tăng cao hơn đối với nhóm phụ nữ không có khả năng sử dụng điều hòa hoặc phải chịu nhiệt độ cao trong thời gian dài", bà Darrow kết luận.

Giải thích thêm, bà Darrow cho biết nhiệt độ có thể kích hoạt các cơn co thắt sớm thông qua việc giải phóng một số hormone gây chuyển dạ, giảm lưu lượng máu và mất nước khiến thai phụ sinh non.

Cần biết, sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh và ảnh hưởng đến nhiều chức năng trên cơ thể như hô hấp, phát triển thần kinh... trong suốt cuộc đời của trẻ.

Nghiên cứu này củng cố lời khuyên các bác sĩ về cách quản lý căng thẳng do nhiệt độ là rất quan trọng, đặc biệt đối với phụ nữ có thai.

"Trong thai kỳ, chúng ta phải luôn cẩn thận", bà Nathaniel DeNicola, chuyên gia sản phụ khoa, người đã viết báo cáo năm 2020 về ô nhiễm không khí và sinh non. Theo bà, "cần có thêm tư vấn từ các phòng khám hoặc tài liệu để hạn chế tình trạng mất nước, căng thẳng đối với thai phụ do nhiệt độ cực đoan".

Cập nhật: 31/05/2024 Tuổi Trẻ
  • 45