Mặc dù còn lâu nữa mới có những chuyến du lịch lên Mặt Trăng song NASA sợ rằng các du khách làm hại đến những di tích mà Mỹ đã từng để lại trong chuyến bay lên đó vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, nên đã đề ra những đạo luật để bảo vệ chúng.
NASA muốn khách du lịch không đụng tới di tích họ để lại trên Mặt trăng.
Theo Pravda, cho đến thời điểm hiện nay, đã có trên 20 công ty du lịch mở ra để chuẩn bị những chuyến bay thương mại đưa người vào vũ trụ. Dưới sự khích lệ của họ, Công ty Google hứa sẽ tặng thưởng 20 triệu đôla cho người nào tiếp cận được với những chiếc xe tự hành Lunokhod, di chuyển chiếc xe đó trên bề mặt Mặt trăng và gửi về Trái đất những tấm ảnh cùng các tư liệu khác.
Sự phát triển của du lịch vũ trụ khiến NASA lo ngại những du khách lên Mặt trăng xoá bỏ mất dấu vết mà những nhà du hành vũ trụ Mỹ bay lên đây bằng tàu Apollo đã để lại trong thời gian 1969 đến 1972.
Một trong những nhà lãnh đạo NASA là Robert Kelso nói: "Chúng tôi coi các dấu vết mà con người để lại trên Mặt trăng là những di tích lịch sử vô giá, mà những du khác hoặc xe cộ riêng của họ dùng để đi lại trên đó xoá đi mất do chạy theo món tiền thưởng của Google. Vì thế đã soạn thảo ra Luật ứng xử trên Mặt trăng".
Trong số những hiện vật họ quy định cần giữ nguyên gồm những lá cờ, cắm trên Mặt trăng, rất nhiều dụng cụ khoa học, những chiếc Lunokhod và vết giày mà Neils Armstrong vẫn còn lại cho đến nay.
Ngoài ra, NASA cũng đưa ra những hạn chế đối với các du khách lên Mặt trăng bao gồm: Các con tàu du lịch vũ trụ không được bay trực tiếp đến nơi mà Apollo-11 và Apollo-17 đã hạ cánh. Cấm các nhà kỹ thuật đến cách vị trí này 5km, cấm những du khách đi bộ đến cách đó 100m.
Tuy nhiên, NASA cũng chưa biết chính xác ai sẽ là người chăng những dải băng đỏ quanh vùng cấm, cũng như làm thế nào theo dõi du khách có tuân theo việc bảo vệ di tích mà họ đã đưa ra hay không.