NASA mất liên lạc với các robot sao Hỏa trong hai tuần

  •  
  • 234

NASA sẽ dừng hoạt động của phần lớn robot khám phá sao Hỏa từ ngày 2/10 đến 16/10 vì lý do an toàn liên quan tới vị trí của hành tinh đỏ trong không gian.

Hôm 7/10, sao Hỏa sẽ tiến tới vị trí trên quỹ đạo có tên "giao hội Mặt trời", xảy ra hai năm một lần khi hành tinh di chuyển ra phía sau Mặt trời, nhìn từ Trái đất. Vành nhật hoa, lớp ngoài cùng của khí quyển bao quanh Mặt trời, nằm ở tầm nhìn thẳng, có thể gián đoạn liên lạc giữa các hành tinh, theo NASA.

NASA cho biết vị trí của sao Hỏa có thể ảnh hưởng tới việc gửi lệnh điều khiển, dẫn tới hành động ngoài mong muốn từ những robot trong không gian sâu, bao gồm 3 tàu bay quanh quỹ đạo, 2 robot tự hành, một trạm đổ bộ và một trực thăng đang vận hành trên sao Hỏa. Điểm giao hội Mặt trời cũng tác động tới các nhiệm vụ khác trên hành tinh đỏ của châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ.

 Các robot và tàu vũ trụ hoạt động trên sao Hỏa của NASA.
Các robot và tàu vũ trụ hoạt động trên sao Hỏa của NASA. (Ảnh: NASA)

Phần lớn nhiệm vụ của NASA sẽ ngừng nhận lệnh điều khiển và dừng gửi ảnh chưa qua xử lý trong từ ngày 2 đến 16/10 dù khoảng thời gian có thể biến động 1 - 2 ngày trong một số trường hợp. Trong thời gian đó, NASA sẽ giao cho các robot công việc có thể tự thực hiện an toàn khi mất liên lạc.

Robot Perseverance của NASA hạ cánh trên sao Hỏa hồi tháng 2/2021 sẽ tiến hành đo thời tiết, tìm kiếm lốc cát quét ngang qua, thí nghiệm với radar và nghe âm thanh trong môi trường bằng microphone. Perseverance cũng sẽ tìm kiếm vị trí dừng bánh tốt để chờ qua thời gian mất liên lạc.

Trực thăng Ingenuity đã trải qua nhiều chuyến bay dài khó khăn trong những tuần vừa qua, dù sau đó phương tiện phải tạm dừng trong khi NASA tính toán cách bay an toàn trong điều kiện khí quyển sao Hỏa mỏng đi theo mùa. NASA chưa thông báo lịch trình chuyến bay tiếp theo. Có thể Ingenuity sẽ chờ qua hai tuần đầu tháng 10. Chiếc trực thăng sẽ đậu cách Perseverance 175 km và gửi cập nhật tình trạng hàng tuần tới robot tự hành.

Robot Curiosity đã làm việc trên sao Hỏa từ năm 2012 sẽ đo thời tiết và bức xạ, đồng thời chú ý tới lốc bụi. Curiosity đã hoạt động qua vài kỳ giao hội Mặt trời và chưa gặp bất kỳ vấn đề lớn nào.

Trạm đổ bộ InSight hoạt động tại chỗ sẽ tiếp tục dùng địa chấn kế để phát hiện những trận động đất lớn trên sao Hỏa.

Ba tàu quay quanh quỹ đạo kỳ cựu của NASA gồm Odyssey, Mars Reconnaissance Orbiter (MRO) và Mars Atmosphere and Volatile Evolution Mission (MAVEN) sẽ gửi cập nhật tình trạng từ các nhiệm vụ ở bề mặt sao Hỏa về Trái đất. Bộ ba tàu vũ trụ cũng thực hiện quan sát khoa học riêng và truyền về Trái đất khi điều kiện thuận lợi hơn.

Khi thời gian giao hội Mặt trời qua đi, các kỹ sư lên kế hoạch tải thông tin trong khoảng một tuần thông qua Mạng lưới không gian sâu của NASA, hệ thống ăngten vô tuyến trên khắp Trái đất chuyên thu tín hiệu từ nhiệm vụ trong không gian sâu. Các hoạt động của tàu vũ trụ sẽ diễn ra bình thường trở lại sau khi NASA hoàn tất quá trình thu thập dữ liệu.

Cập nhật: 30/09/2021 Theo VnExpress
  • 234