NASA thử động cơ ion có thể đưa người lên sao Hỏa

  •  
  • 3.387

NASA đang thử nghiệm hệ thống đẩy ion công suất lớn sử dụng năng lượng Mặt trời giúp thực hiện các nhiệm vụ thăm dò không gian xa xôi.

Trung tâm Nghiên cứu Glenn thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố hình ảnh thử nghiệm một động cơ ion trong buồng chân không, được cho là có công suất gấp ba lần các hệ thống động cơ hiện tại. Thử nghiệm này cho phép các kỹ sư đánh giá khả năng vận hành của động cơ ion trong vũ trụ nhằm phục vụ sứ mệnh chinh phục không gian, theo Unexplained.

Được gọi là Tên lửa Hiệu ứng Hall trang bị Khiên Từ trường (HERMeS), động cơ hoạt động ở công suất 12,5 kW, mạnh mẽ hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại.

Động cơ ion trong quá trình thử nghiệm.
Động cơ ion trong quá trình thử nghiệm. (Ảnh: NASA).

HERMeS được trang bị tấm chắn từ trường tiên tiến, có thể cung cấp lực đẩy "nhẹ nhưng liên tục" trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ. Nhiều động cơ loại này sẽ được sử dụng cho nhiệm vụ Robot đổi hướng tiểu hành tinh (ARRM). Chúng vận hành ở công suất 40 kW, sử dụng nguồn năng lượng 50 kW từ các pin Mặt trời.

Dữ liệu và kinh nghiệm thu được từ ARRM sẽ giúp xây dựng nền tảng cho các nhiệm vụ thám hiểm không gian, bao gồm cả đưa người lên sao Hỏa. Dự án này có chi phí ước tính 1,4 tỷ USD, vụ phóng đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2021.

NASA cho biết là HERMeS có vai trò rất quan trọng đối với tương lai thăm dò không gian, bởi công nghệ này chỉ tiêu thụ nhiên liệu bằng 1/10 các hệ thống động cơ tàu vũ trụ khác.

Động cơ ion là hệ thống đẩy sử dụng điện dành riêng cho tàu thăm dò vũ trụ, tạo ra lực đẩy bằng cách phóng ra các ion gia tốc.

Ưu điểm của động cơ ion là hiệu quả sử dụng nhiên liệu rất cao, cho phép tàu thăm dò tăng tốc trong thời gian dài hơn so với động cơ truyền thống, phù hợp với những nhiệm vụ thám hiểm sâu trong vũ trụ. Nhược điểm chính của động cơ này là lực đẩy tạo ra rất yếu, cần nhiều thời gian để tăng tốc và chỉ hoạt động được trong môi trường chân không.

Cập nhật: 16/03/2017 Theo VnExpress
  • 3.387