Nga muốn nhân bản các chiến binh Scythia cổ đại?

  •  
  • 1.052

Bộ trưởng quốc phòng Nga - Sergei Shoigu đã vừa công bố kế hoạch nhân bản DNA của các chiến binh Siberian cổ đại và những con ngựa của họ. Vị bộ trưởng kiêm cố vấn thân cận của Putin tiết lộ mong muốn tạo ra một đội quân các chiến binh hoàng gia.

Những chiến binh du mục này thuộc tộc người Scythia - một tộc người có gốc ở Iran và họ từng thống trị thảo nguyên Á - Âu từ biên giới phía bắc Trung Quốc đến khu vực Biển Đen từ giữa thế kỷ thứ 7 đến thứ 3 TCN. Người Scythia đã thành lập một đế chế giàu có, hùng mạnh, tập trung ở khu vực mà ngày nay là Crimea.

Chiến binh Scythia.
Chiến binh Scythia.

Người Scythia được kính sợ và nể phục vì sức mạnh của họ trong chiến tranh, đặc biệt là khả năng cưỡi ngựa. Họ là một trong những tộc người sớm thành thạo nghệ thuật cười ngựa, di chuyển rất nhanh và thiện chiến. Ngoài khả năng chiến đấu, người Scythia còn có nền văn hóa phức tạp. Bằng chứng là tầng lớp quý tộc giàu có - những vị thủ lĩnh đã tự cai trị các vùng lãnh thổ phía nam nước Nga và Crimea. Họ thậm chí còn đẩy lùi được cuộc xâm lược của vua Ba Tư là Darius I vào khoảng năm 513 TCN.

Năm 1998, các nhà khảo cổ đã bắt đầu khai quật một hầm mộ hoàng gia có tên Arzhan 2 tại cộng hòa Tuva. Bên trong gò đất rộng 80 m này là một chiến binh hoàng gia, được an táng cùng với một người phụ nữ (được cho là hoàng hậu hoặc thê thiếp), 14 con ngựa và 9300 đồ vật trang trí bằng vàng ròng, ước lượng đến 20kg. Không dừng lại tại đây, họ còn phát hiện ra 33 bộ xương khác trong đó có 5 trẻ em. Khả năng tất cả đều được hiến tế để đưa vị vua sang thế giới bên kia.

Qua phân tích thì các nhà khảo cổ xác định vị vua này có tuổi từ 40 đến 50 tuổi, chết vì ung thư tuyến tiền liệt. Trong khi đó, người phụ nữ chôn cùng chỉ mới khoảng 30 tuổi và đáng chú ý, đây là người duy nhất trong số 35 người trong lăng mộ không thuộc tộc người Scythia. Cô có thể đã bị đầu độc hoặc chôn sống cùng với đoàn tùy tùng theo vị vua. Phát hiện này trùng khớp với những ghi chép của nhà sử học Hy Lạp - Herodotus về nghi thức chôn cất của người Scythia - "Khi một nhà lãnh đạo quân sự qua đời thì những người thân cận của ông ta như vợ (hoặc vợ lẽ), vệ sĩ, cố vấn, người hầu … đều bị giết. Tất cả đều là tài sản của nhà lãnh đạo nên họ phải theo ông đến lăng mộ".

Ngoài ra, nhà sử học Herodotus còn mô tả những chiến binh Scythia làm áo choàng từ da đầu của kẻ thù mà họ giết cũng như dùng hộp sọ của kẻ thù làm cốc uống nước. Quân đội Scythia bao gồm những chiến binh tự do, không nhận lương ngoài thực phẩm và quần áo hoặc chia sẻ chiến lợi phẩm khi trình diện đầu kể thù bị giết.

Thêm vào đó, độ tinh xảo của các vật dụng trong lăng mộ cho thấy người Scythia có trình độ cao, bác bỏ định kiến cho rằng họ chỉ là những kỵ binh và chiến binh hoang dã, di cư và tiêu diệt những bộ tộc khác.

Chiến binh Scythia làm áo choàng từ da đầu của kẻ thù mà họ giết.
Chiến binh Scythia làm áo choàng từ da đầu của kẻ thù mà họ giết.

Đến năm 2001 thì một nhóm các nhà khảo cổ Đức và Nga đã bắt đầu khai quật khu vực được gọi là "Thung lũng các vị vua" ở Tuva và từ đó đến nay, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nhiều ngôi mộ, lăng mộ của các chiến binh Scythia với niên đại từ 2500 đến 3000 năm. Họ đều được chôn với những con ngựa của mình và trong văn hóa Scythia, ngựa rất quan trọng khi còn ở dương thế lẫn khi đã sang bên kia thế giới.

3 năm trước, Sergei Shoigu (ông cũng xuất thân từ nước cộng hòa Tuva) đã phát động một cuộc khảo cổ mới với các nhà khoa học Nga và Thụy Sĩ. Ông thậm chí còn mời một ông thầy cúng đến để làm lễ nhằm tránh "chọc giận các linh hồn".

Shoigu nói trong một phiên họp của Hiệp hội Địa lý Nga với sự tham dự từ xa của tổng thống Putin hôm thứ 4 vừa qua rằng: "Tất nhiên chúng tôi rất muốn tìm ra chất hữu cơ" … Trên kênh truyền hình Zvezda TV, Shoigu nói: "Tôi tin rằng bạn hiểu những gì có thể diễn ra sau đó. Có thể làm được điều gì đó (từ mẫu vật thu thập được), nếu không nói là giống như cừu Dolly".

Những ngôi mộ của người Scythia nằm dưới một lớp băng vĩnh cửu nên các nhà khoa học cho rằng chất hữu cơ cũng được bảo quản.

Cập nhật: 26/04/2021 Theo Tinh Tế
  • 1.052