Ngắm cổ thụ ngàn năm "ma quái" dưới trời sao

  •   43
  • 1.697

Bao báp, oliu, quiver... có thể sống từ hàng trăm đến hàng ngàn năm mà vẫn khỏe mạnh. Trên nền trời đầy sao, chúng vừa "ma quái" vừa đẹp lạ kỳ.

Vốn có niềm đam mê đặc biệt với những cây cổ thụ, nữ nhiếp ảnh gia Beth Moon (Mỹ) đã dành hơn 20 năm đi khắp nơi để chụp các loài cây sống lâu nhất Trái đất như oliu, bao báp... trong đó nhiều cây sống đến hàng ngàn năm.

Cây oliu cổ thụ ở Puglia, Ý sống hơn 300 năm tuổi
Cây oliu cổ thụ ở Puglia, Ý sống hơn 300 năm tuổi - (Ảnh: Beth Moon).

Gần đây cô chuyển sang chụp ảnh cây vào ban đêm, nhất là vào những đêm sao huyền ảo.

"Đây là một thử thách với tôi bởi phải dùng nhiều đến kỹ thuật đặc biệt mới có thể làm nổi bật vẻ đẹp của cây lúc ban đêm" - Beth Moon cho biết.

Trong hơn 3 năm rưỡi, Beth Moon đã tìm khắp nước Mỹ và đến các quốc gia như Anh, Ý, Namibia, Botswana... thực hiện dự án tên Đêm huyền ảo.

Những cây bao báp ở Namibia
Những cây bao báp ở Namibia - (Ảnh: Beth Moon).

Bao báp có nguồn gốc từ châu Phi, được biết đến là loài cây có hoa lớn nhất và sống lâu nhất Trái đất.

Một số cây bao báp có thể sống đến hàng ngàn năm, tuy nhiên do vòng năm trên gỗ của chúng không rõ ràng mà bên trong của nó lại rỗng nên khó xác định năm tuổi.

Ngày nay, các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp carbon phóng xạ để biết được tuổi thật của những cây bao báp trên thế giới, trong đó dao động từ vài trăm năm cho đến 2.000 năm.

Về mặt sinh học, cây bao báp thường có chiều cao từ 5-25m, có thể lên đến 30m. Đường kính gốc cây rất rộng, từ 7-11m, bên trong chứa nhiều nước có khi lên đến 120.000 lít nước để đảm bảo có thể tồn tại trong điều kiện khô hạn.

Những cây bao báp cổ thụ có thể sống đến 2.000 năm
Những cây bao báp cổ thụ có thể sống đến 2.000 năm - (Ảnh: Beth Moon).

Vào đầu thế kỷ 21, nhiều cây bao báp miền nam châu Phi yếu dần và chết đi mà các nhà khoa học chưa xác định chính xác nguyên nhân là gì.

Chẳng hạn năm 2018, trang National Geographic từng cho biết trong số 13 cây bao báp nhiều tuổi nhất được biết đến trên thế giới, 4 cây đã chết hoàn toàn chỉ trong 12 năm qua và 5 cây khác đang chết dần từng bộ phận.

Những cây quiver dưới trời đêm ở Keetmanshoop, Namibia
Những cây quiver dưới trời đêm ở Keetmanshoop, Namibia - (Ảnh: Beth Moon).

Cây quiver thuộc họ lô hội, mặc dù sống ở nơi sa mạc khô hạn nhưng loài cây độc đáo này có thể cao từ 7-9m.

Tên khoa học Aloe dichotoma của loại cây này xuất phát từ những cành cây rỗng từng được thổ dân địa phương sử dụng làm ống đựng tên.

Hiện nay, rừng cây quiver trong khu vực Keetmanshoop có khoảng 250 cây, trong đó đa số có tuổi thọ từ 200 đến 300 năm.

Bên trái là ảnh của cây thông bristlecone ở Vườn quốc gia Inyo, California (Mỹ). Bên phải là một cây quiver ở Namibia
Bên trái là ảnh của cây thông bristlecone ở Vườn quốc gia Inyo, California (Mỹ). Bên phải là một cây quiver ở Namibia - (Ảnh: Beth Moon).

Những cây thông bristlecone cổ đại nằm trên dãy núi White ở rừng quốc gia Inyo gần Bishop, California, là một trong những cây lâu đời nhất thế giới.

Nhiều nhà sinh vật học cho rằng những cây thông này nảy mầm vào năm 3050 TCN, khoảng 500 năm trước người Ai Cập xây dựng Kim tự tháp Giza, đến nay có tuổi đời lên đến 5.000 năm.

Các nhà khoa học lý giải có thể do vùng đất này khô cằn quanh năm, ít khi có mưa nên thông bristlecone phát triển rất chậm, thậm chí trong một vài năm không hề cao thêm tí nào. Điều này góp phần tăng tuổi thọ của cây.

Ngoài ra, gỗ thông thuộc loại dày và chứa rất nhiều nhựa, do đó nó có khả năng chống sự phá hoại của côn trùng, nấm và các loại sâu bệnh có hại khác.

Bên phải là cây bao báp 1.400 năm tuổi. Bên trái là cây juniper sống ở công viên Dead Horse Point (Mỹ)
Bên phải là cây bao báp 1.400 năm tuổi. Theo Beth Moon, năm 2016, do những cơn mưa nắng khắc nghiệt bất thường ở khu vực này, cây bao báp đã qua đời. Bên trái là cây juniper sống ở công viên Dead Horse Point (Mỹ) - (Ảnh: Beth Moon).

Bên trái là một cây juniper khác ở công viên Dead Horse Point (Mỹ). Bên phải những cây củ tùng lâu năm ở công viên quốc gia Sequoia
Bên trái là một cây juniper khác ở công viên Dead Horse Point (Mỹ). Bên phải những cây củ tùng lâu năm ở công viên quốc gia Sequoia, California (Mỹ) - (Ảnh: Beth Moon).

Nhìn những cây juniper với thân hình cong queo, khô khốc, nhiều người nghĩ chúng sắp chết nhưng thật ra sức sống của chúng rất mãnh liệt, có thể từ vài trăm đến hàng ngàn năm tuổi.

Hiện tại, cây juniper được tìm thấy vào năm 1923 ở thành phố Logan, Utah (Mỹ) đang giữ kỷ lục cây juniper sống lâu nhất khi đã 3.200 năm tuổi.

Ngày nay, quả cây juniper được dùng tạo hương vị đặc biệt trong các món ăn với thịt cừu hay dùng trong công nghiệp nấu rượu bia.

Ngoài ra, juniper có nhiều dầu nên được các ngành công nghiệp nước hoa dùng làm nước hoa, với mùi hương khá nam tính.

Cập nhật: 02/05/2019 Theo Tuổi Trẻ
  • 43
  • 1.697