Ngày 5/5/1110 - Mặt trăng biến mất một cách bí ẩn

  •   3,34
  • 2.393

Khoảng 900 năm trước, những người yêu thích thiên văn tại Anh chứng kiến hiện tượng nguyệt thực toàn phần kỳ lạ, có khi còn khiến người ta hoảng loạn. Dù rằng trời đêm trong vắt, sao sáng vẫn tô điểm đó đây nhưng Mặt Trăng bỗng dưng biết mất.

Theo những gì được ghi trong tài liệu có tên Ký sự Peterborough, người viết mô tả Mặt Trăng "biến mất hoàn toàn, không một ánh sáng hay, đường viền hình cầu hay bất cứ thứ gì hiện hữu", và hiện tượng này "tiếp tục tới gần sáng, rồi sau đó [Mặt Trăng] hiện ra nguyên vẹn và sáng ngời". Suốt nhiều thế kỷ sau, không ai đưa ra lời giải thích hợp lý cho hiện tượng lạ.

Vào một đêm sao sáng, Mặt Trăng đã biến mất bí ẩn.
Vào một đêm sao sáng, Mặt Trăng đã biến mất bí ẩn.

Để lý giải sự kiện bí ẩn diễn ra ngày 5/5/1110 này, một nhóm các nhà khoa học phân tích vòng cây cổ, khảo sát các lõi băng lâu đời và gắng tìm mọi tài liệu liên quan được viết lúc xưa. Trong báo cáo mới được đăng tải trên Nature, các nhà nghiên cứu cho rằng "một đám tro bụi bị lãng quên thoát ra từ sự kiện núi lửa phun trào" diễn ra trong khoảng 1108 cho tới 1110, nhiều khả năng khởi nguồn từ núi Asama của Nhật Bản, đã tạo ra một lớp khói bụi dày phủ lên Châu Âu, khiến Mặt Trăng biến mất một cách bí ẩn.

"May mắn lắm tôi mới có được cơ hội nghiên cứu cây cổ thụ, những văn tự cổ từ xưa và dữ liệu về các lõi băng. Cảm giác như được du hành thời gian vậy", Sébastien Guillet, nhà cổ khí hậu học tới từ Đại học Geneva và tác giả chính của nghiên cứu, viết trong email gửi báo giới.

Quá trình nghiên cứu rất dài và vất vả; bên cạnh việc phân tích được điều kiện thời tiết dựa trên lõi băng và vòng cây, các nhà nghiên cứu còn phải tìm những thông tin liên quan trong các bộ tài liệu cũ nói về Châu Âu thế kỷ 12, đa số văn bản được viết bằng tiếng Latin. "Đôi khi mất nhiều ngày đọc văn bản cũ mà chẳng tìm thấy thông tin hữu ích gì. Phải kiên nhẫn mới làm được", giáo sư Guillet nói.

May mắn thay, nỗ lực nghiên cứu kéo dài từ 2016 tới nay đã đạt được kết quả.


Sébastien Guillet.

Như đã viết trong báo cáo, "hiện tượng nguyệt thực toàn phần tăm tối nhất" được ghi chép lại từ hồi 1600 Sau Công nguyên có liên kết tới những vụ phun trào núi lửa lớn. Bên cạnh đó nội dung trong cuốn Ký sự Peterborough mô tả một trong những hiện tượng nguyệt thực toàn phần chi tiết nhất, dài nhất diễn ra trong khoảng giữa năm 500 và 1800 Sau Công nguyên. Có nhiều lý do để các nhà khoa học để mắt tìm kiếm bất kỳ sự kiện núi lửa phun trào nào diễn ra trước hiện tượng nguyệt thực kỳ lạ.

Nhà nghiên cứu Gullet và cộng sự tìm kiếm dấu vết của hoạt động núi lửa trong các lõi băng cổ đại lấy về từ Greenland và Nam Cực. Chúng là những tư liệu quý giá về khí hậu Trái Đất thuở xưa, bao gồm cả những vụ núi lửa phun trào có khả năng tung tro tàn ra khắp thế giới.

Nhóm các nhà khoa học tìm kiếm sự xuất hiện của sulfate trong các lõi băng trước và sau thời điểm 1110, nhằm xác định xem liệu có vụ phun trào đáng chú ý nào diễn ra quanh khoảng thời gian nguyện thực toàn phần xuất hiện. Khi so với dữ liệu đã biết về các sự kiện núi lửa hoạt động diễn ra trong 1000 năm qua, họ thấy vụ phun trào ăn khớp với thời điểm diễn ra nguyệt thực toàn phần đã phun ra lượng sulfur lớn thứ 7.

Để củng cố giả thuyết này, các nhà khoa học tìm thêm các những vòng cây ghi lại các sự kiện lịch sử quanh giai đoạn này. Vòng cây cho thấy năm 1109, miền Tây Châu Âu lạnh và mưa nhiều, khả năng cao hiện tượng thời tiết này xuất hiện do ảnh hưởng của tro bụi núi lửa.

Vòng cây có thể nói cho ta biết nhiều về quá khứ.
Vòng cây có thể nói cho ta biết nhiều về quá khứ.

Các tài liệu lịch sử khác cũng chỉ ra những hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra trong khoảng thời gian quanh mốc năm 1110. Theo cuốn Biên niên sử Inisfallen, người Ireland ăn chay và tế thần nhằm "hóa giải mưa lớn và thời tiết xấu diễn ra trong khoảng thời gian hạ và thu". Theo cuốn Ký sự Morigny, nạn đói diễn ra tại Pháp đã khiến nhiều người giàu có lâm cảnh bần cùng. Còn theo cuốn Ký sự Peterborough, văn bản ghi lại sự kiện nguyệt thực kỳ lạ, thì 1110 là "một năm đầy thảm họa".

Không thể phủ nhận nhiều yếu tố phức tạp khác gây nên hiện tượng thời tiết cực đoan và khiến xã hội rối ren, nhưng giáo sư Guillet và cộng sự nghĩ rằng các chứng cứ tự nhiên cũng như lịch sử chỉ ra những vụ phun trào núi lửa lớn là một trong những lý do chính gây nên hỗn loạn; nghi phạm chính là ngọn núi lửa Asama tại Nhật Bản. Theo cuốn nhật ký có tên Chūyūki, Asama đã phun trào năm 1108.

Tuy nhiên, cần thêm các nghiên cứu nữa để xác định chính xác lớp bụi phủ lên bầu trời Châu Âu năm đó. Nhiều khả năng Asuma không phải miệng núi lửa duy nhất phun ra khói bụi, mà còn nhiều vụ phun trào khác mà ta chưa rõ.

Nghiên cứu và giả thuyết mới này cho thấy mối quan hệ khăng khít giữa hành tinh ta đang sống với chính những nền văn minh đang ngự trị trên bề mặt. Một thảm họa tự nhiên ở bên kia biển lớn hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới cộng đồng đang sinh sống cách xa hàng ngàn kilomet, thậm chí có thể che mờ cả Mặt Trăng trong một đêm đầy sao.

"Nhiều vụ phun trào núi lửa xuất hiện rõ trong lõi băng chưa từng được nghiên cứu kỹ càng. Vậy nên vẫn còn nhiều việc để làm nhằm hiểu rõ tác động của các vụ phun trào tới khí hậu cũng như những cộng đồng người trong quá khứ", Sébastien Guillet kết luận.

Cập nhật: 16/05/2020 Theo Trí Thức Trẻ
  • 3,34
  • 2.393