Nghề cho côn trùng hút máu

  •  
  • 603

Nhìn thấy Svetlana Pavlovna Nhikiforova ngồi sau chiếc bàn của Trạm dịch tễ Kharcov (Ukraina), nhiều người tưởng bà là một nhà nghiên cứu. Trên thực tế, bà như là "thức ăn" để nuôi những con côn trùng hút máu, chính xác là những con ve.

Suốt 13 năm qua, kể cả ngày lễ ngày nghỉ, bà già hưu trí 67 tuổi đã cho các ký sinh trùng tấn công cơ thể mình. Đại diện duy nhất của nghề này tại Ukraina không phải là một kẻ vô gia cư mà là một phụ nữ có móng tay trang điểm rất cẩn thận, tóc giả rất mốt, đôi môi tô son và mặc áo choàng trắng khá diện.

Bà Nhikiforova đang cho côn trùng ăn.

Bà Nhikiforova đang cho côn trùng ăn. (Ảnh: Khoa Học & Đời Sống)

Phòng thí nghiệm của Trạm vệ sinh dịch tễ Kharcov nghiên cứu các côn trùng về khả năng truyền bệnh và sức chịu đựng của chúng đối với các loại thuốc. Những năm gần đây, ở Ukraina, số người mắc bệnh lao tăng cao, đi kèm với căn bệnh này thường là những con ve. Chúng thích nghi với các điều kiện sống mới nhanh đến mức dễ dàng tiêu hóa các loại thuốc độc cũ, trong khi trước đó chúng chết ngay khi bị thuốc tấn công.

Khi thí nghiệm, các con ký sinh trùng được đặt vào một vòng kim loại có thành cao, gắn trên da tay bà Nhikiforova. Giống ve này được nuôi cấy chuyên cho các cuộc thí nghiệm và chỉ có ở Trạm vệ sinh dịch tễ Kharcov. Người "tiền nhiệm" của bà Svetlana từng nuôi dưỡng chúng bằng máu mình trong suốt 20 năm. Sau khi người này nghỉ việc, trạm có nguy cơ bị mất nguyên một dòng côn trùng đặc biệt.

Cần tìm người nuôi lũ ve chứ không thể cấy chúng sang động vật vì chúng sẽ không thích ứng được. Chỉ cần một người nuôi cố định để chúng quen hơi và cũng vì lũ ve này có thể truyền các bệnh lây qua đường máu.

Trước khi làm nghề cho côn trùng hút máu, bà Nhikiforova là công nhân trong một nhà máy. Trong cơn ác mộng, bà cũng không thể ngờ rằng sau khi nghỉ hưu, mình lại làm một công việc kỳ dị như vậy. Tuy nhiên, để bổ sung cho khoản lương hưu khiêm tốn, bà đã đến Trạm vệ sinh dịch tễ xin làm thêm và lập tức trở thành của hiếm đối với phòng thí nghiệm đang cần người hy sinh.

Việc chọn ứng viên cho vị trí công việc khác thường này hoàn toàn không đơn giản. Và bà già hưu trí Nhikiforova là một lựa chọn tuyệt vời vì có cả bằng sơ cấp y khoa, lại hoàn toàn không cảm thấy ghê sợ khi tiếp xúc với ký sinh trùng.

Nhưng chỉ có mỗi tinh thần hy sinh cho các con bọ ăn thôi thì cũng còn quá ít. Công việc này cần một người có khả năng nuôi ký sinh trùng tất cả các ngày trong năm, kể cả vào dịp năm mới hay sinh nhật. Mặt khác, thức ăn cho lũ ve phải là máu của người khỏe mạnh, không uống thuốc.

Một lần, bà Nhikiforova bị ốm và nhờ người hàng xóm thay cho mình. Bà đã phải cố gắng lắm mới thuyết phục được Trạm vệ sinh dịch tễ chấp nhận chuyện này, nhưng kết cục suýt trở thành thảm kịch đối với người nuôi mới và với cả ký sinh trùng. Trước đó, người hàng xóm có dùng thuốc, và sau khi tiếp xúc với ký sinh trùng hút máu, cả người bà bị phồng rộp lên, suýt phải đi cấp cứu. Còn đám ký sinh trùng mà bà cho ăn thì nằm ngửa bụng ra hết. Phải vất vả lắm mới hồi sinh được cho chúng.

Các con côn trùng đỏng đảnh này phải được đảm bảo những điều kiện ấm áp để tồn tại. Chúng sống trong những hộp đặc biệt được giữ ở nhiệt độ cơ thể người, độ ẩm cao. Đôi khi, chúng còn đi "làm khách". Đó là vào các ngày mùa đông, mỗi khi phòng thí nghiệm bị cắt điện (chuyện này xảy ra rất thường xuyên), để lũ ve không bị chết cóng, bà Nhikiforova mang chúng về nhà.

Do đã nhiều tuổi, bà Nhikiforova muốn nghỉ làm trong năm nay, nhưng bác sĩ trưởng đã thuyết phục bà ở lại vì họ không thể thiếu bà.

Theo Khoa Học & Đời Sống, Trud, VNE
  • 603