Nghe rõ bước chân người khác, nhưng bạn đã bao giờ nghe thấy tiếng chân của mình chưa?

  •   2,84
  • 1.267

Nếu câu trả lời là rồi thì bạn nên nghĩ lại, vì khả năng cao là bạn chưa từng làm được điều đó.

Chúng ta nghe rất rõ tiếng bước chân của người khác, nhưng lại không cảm nhận được tiếng động mà chính mình gây ra. Thử nhớ lại xem, nếu như không thực sự để ý thì liệu bạn có nghe thấy tiếng bước chân của chính mình, hay âm thanh nhai thức ăn của bản thân?

Công trình thí nghiệm vừa được tiến hành bởi các nhà khoa học từ ĐH Duke (Hoa Kỳ) phần nào có thể giải thích hiện tượng quen thuộc này.

Chúng ta thường không để ý tiếng bước chân của chính mình.
Chúng ta thường không để ý tiếng bước chân của chính mình.

Thí nghiệm trên được tiến hành trên loài chuột, cho thấy não của chúng có xu hướng bỏ qua âm thanh phát ra khi chạy của chính bản thân chúng.

Cụ thể, các nhà khoa học áp dụng "hệ thống thính giác thực tế ảo" đối với những con chuột thí nghiệm. Họ cấy những điện cực tí hon vào vỏ não thính giác của chúng. Đây là vùng não đó nhiệm vụ xử lí các tín hiệu âm thanh. Sau đó, chuột được cho chạy trong guồng quay. Những hoạt động trong não bộ được quan sát và ghi lại.

Các nhà khoa học sau đó tạo ra tiếng bước chân nhân tạo. Mỗi bước chân của chuột sẽ phát ra một tiếng "bíp" như thể chúng đang bước đi trên các phím đàn piano.

Sau 2 đến 3 ngày, chuột đã đi được vài nghìn bước. Nhóm nghiên cứu nhận thấy vỏ não thính giác của chúng có hoạt động dần giảm đi.

Nhưng khi các nhà khoa học sử dụng một tiếng bíp mới thay cho tiếng bíp cũ, vùng vỏ não này lại nhạy bén trở lại.

Điều này có nghĩa rằng với những âm thanh đã quá quen thuộc, chúng sẽ bỏ qua nó. Cũng tương tự với tiếng bước chân hoặc tiếng nhai, vì lúc nào chúng ta cũng nghe thấy nên não bộ đã bỏ qua.

Và phát hiện này có ý nghĩa gì?

Tưởng chừng không có mấy ý nghĩa, nhưng khả năng này giúp chúng sinh tồn tốt hơn khi có thể tập trung vào những tiếng động xung quanh.

"Thí nghiệm cho thấy não bộ có khả năng ngăn những cảm nhận về âm thanh mà não đã đoán định trước" – giáo sư sinh lý học thần kinh Richard Mooney, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Thí nghiệm trên cũng cho thấy sự kết nối giữa vỏ não vận động với vỏ não thính giác. Qua những hoạt động lặp đi lặp lại, vỏ não vận động tạo ra synap (khớp thần kinh - nơi tiếp xúc giữa hai tế bào thần kinh) tới vỏ não thính giác. Đây chính là cơ chế não bộ khử tiếng ồn do chính chúng ta tạo ra.

Các vùng vỏ não.
Các vùng vỏ não.

Dù mới được quan sát trên chuột thí nghiệm, nhưng ông Mooney tin tưởng rằng, kết quả này sẽ sớm được kiểm nghiệm ở con người. "Dù con người có bộ não tiến hóa phức tạp hơn, song liên kết giữa vỏ não vận động và thính giác xuất hiện ở tất cả các động vật có vú" – ông Mooney nói.

Không chỉ giúp giải thích một hiện tượng phổ biến trong đời sống, công trình này còn hứa hẹn đem lại ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu và điều trị chứng rối loạn tinh thần.

Công trình nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature.

Cập nhật: 18/09/2018 Theo helino
  • 2,84
  • 1.267